Vĩnh Phúc: Hiệu quả mô hình Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng

15/07/2020 16:15

Thực hiện Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy đến năm 2020, từ năm 2014 đến nay, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh đã xây dựng 5 mô hình Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng. Mô hình đã và đang mang lại những kết quả tích cực, trở thành điểm tựa cho nhiều người cai nghiện ma túy.

Tư vấn viên của Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện tại cộng đồng xã Hoàng Lâu cung cấp, tư vấn dự phòng tái nghiện cho người sau cai nghiện

Là trung tâm kinh tế, chính trị, xã hội của huyện, lại có làng nghề mộc truyền thống và nhiều người dân đi buôn bán ở cửa khẩu Lào Cai nên tốc độ phát triển kinh tế - xã hội ở thị trấn Yên Lạc ngày càng tăng nhanh. Đồng thời, cơ sở hạ tầng được quan tâm xây dựng, thu nhập, đời sống của người dân được nâng cao. Tuy nhiên, nhiều tệ nạn xã hội như cờ bạc, mại dâm, đặc biệt là người nghiện ma túy tăng từng năm. Hiện toàn thị trấn có khoảng 123 người nghiện ma túy, trong đó, 35 trường hợp đã có hồ sơ quản lý.

Ông Nguyễn Thái Dũng, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Yên Lạc, Chủ nhiệm điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị  nghiện và quản lý sau cai nghiện tại cộng đồng cho biết: "Những năm qua, công tác phòng, chống ma túy luôn được Đảng ủy, chính quyền thị trấn quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện, nhờ vậy, nhận thức của người dân đã có nhiều chuyển biến tích cực, giảm sự kỳ thị của cộng đồng với người nghiện ma túy; xây dựng được một số mô hình thôn, làng không có tệ nạn và làm tốt công tác vận động, tư vấn, giúp đỡ, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những kết quả bước đầu, chưa thực sự vững chắc, công tác tư tư vấn, giúp đỡ, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện còn nhiều hạn chế, chưa bài bản; chưa hỗ trợ, giúp đỡ được mong muốn chính đáng của người nghiện ma túy. Cùng với đó, công tác tuyên truyền chưa sâu rộng, chưa giảm được số người nghiện ma túy, tỷ lệ tái nghiện còn cao, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống ma túy với mục tiêu hạn chế phát sinh người nghiện mới, tư vấn, giúp đỡ, hỗ trợ điều trị cho người nghiện ma túy, quản lý, giúp đỡ cho người sau cai nghiện hòa nhập cộng đồng, tháng 8/2016, UBND thị trấn Yên Lạc đã thành lập điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị  nghiện và quản lý sau cai nghiện tại cộng đồng. Sau gần 4 năm đi vào hoạt động, đến nay, đơn vị đã đã tiếp cận, vận động 17 trường hợp người mắc nghiện tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone; điều trị cắt cơn cho gần 20 trường hợp cai nghiện tại cộng đồng; tư vấn hơn 700 lượt cho người mắc nghiện và người thân về các biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ, chăm sóc người mắc nghiện ma túy cai nghiện tại cộng đồng.

Tương tự, tại xã Hoàng Lâu, huyện Tam Dương hiện cũng có khoảng 100 người người nghiện ma túy, trong đó có hơn 40 trường hợp có hồ sơ quản lý tại địa phương. Ông Lê Minh Vũ, cán bộ Trạm Y tế xã Hoàng Lâu, thành viên Ban Chủ nhiệm điểm tư vấn chia sẻ: Từ khi điểm tư vấn đi vào hoạt động, số người mắc nghiện và người thân của họ được tư vấn nhiều kiến thức về cai nghiện tại gia đình, cộng đồng. Đặc biệt, với nòng cốt là nhóm tự lực “Vì ngày mai”, các thành viên là những người đã hoàn thành cai nghiện, tự nguyện thực hiện công tác tuyên truyền, vận động những người mắc nghiện khác cai nghiện ma túy tại gia đình tìm lại chính mình. Thông qua việc tư vấn, hỗ trợ, giáo dục, nhiều người mắc nghiện và sau cai nghiện đã có chuyển biến tốt về nhận thức, được trang bị kiến thức pháp luật, giá trị sống, kiến thức bảo vệ sức khỏe, được hòa đồng với tập thể, giảm mặc cảm. Đến nay, điểm tư vấn của địa phương đã tiếp cận, vận động 12 trường hợp người mắc nghiện tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone; điều trị cắt cơn cho hơn 20 trường hợp cai nghiện tại cộng đồng; tư vấn gần 500 lượt người mắc nghiện và người thân về các biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ, chăm sóc người mắc nghiện ma túy cai nghiện tại cộng đồng.

Số liệu từ Chi cục phòng, chống bệnh xã hội, Sở Lao động - Thương binh và xã hội, toàn tỉnh có 2.383 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, trong đó 206 người nghiện đang cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma túy, còn lại là số người nghiện ngoài cộng đồng và trong trại tạm giam.

Chia sẻ về hiệu quả của các điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng, ông Nguyễn Văn Thủy, Chi cục trưởng Chi cục phòng, chống bệnh xã hội cho biết: Thực hiện việc đổi mới công tác cai nghiện ma túy, từ năm 2014 đến nay, chi cục phối hợp với UBND các địa phương thành lập 5 điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện tại cộng đồng ở các xã Hoàng Lâu, huyện Tam Dương; Lãng Công, huyện Sông Lô; thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc; thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên và phường Trưng Trắc, thành phố Phúc Yên. Theo kế hoạch, trong tháng 7 này, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh tiếp tục sẽ phối hợp với xã Thái Hòa, huyện Lập Thạch ra mắt điểm tư vấn mới ở xã Thái Hòa. Qua theo dõi, đây là mô hình hoạt đã và đang động hiệu quả, hỗ trợ đắc lực cho cho chính quyền địa phương tăng cường công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, cùng với đó, giúp người mắc nghiện, người sau cai nghiện được giúp đỡ, tư vấn, tiếp cận với các dịch vụ xã hội tốt nhất và kịp thời.

Tuy nhiên, cũng theo ông Thủy, các điểm tư vấn hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc và cần được các cấp, các ngành quan tâm, tháo gỡ. Đo là sự thiếu thốn về cơ sở vật chất, thiếu cán bộ chuyên môn có kinh nghiệm trong công tác điều trị cai nghiện tại cộng đồng, thiếu kinh phí duy trì hoạt động. Các điểm tư vấn mới chỉ dừng lại ở việc tư vấn và hỗ trợ người mắc nghiện và gia đình người mắc nghiện tiếp cận với các dịch vụ dự phòng tái nghiện và lây nhiễm HIV/AIDS; công tác đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho người hoàn thành cai nghiện rất khó khăn…

Thời gian tới, cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân không kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người nghiện, các điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện tại cộng đồng trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng cường tổ chức sinh hoạt định kỳ cho người mắc nghiện ma túy, người sau cai nghiện. Phối hợp với cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường thực hiện các biện pháp xã hội hóa công tác cai nghiện phục hồi và quản lý sau cai nghiện tại cộng đồng. Đồng thời, phát động toàn dân tham gia công tác vận động người mắc nghiện thực hiện các chương trình cai nghiện tại gia đình và cộng đồng phù hợp, giúp đỡ người sau cai có việc làm, ổn định đời sống; lồng ghép công tác cai nghiện tại gia đình vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội như giảm nghèo, dạy nghề, tạo việc làm…

}
Top