Vĩnh Phúc: Hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong điều trị Mathedone
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone đã giảm bớt các thủ tục hành chính, tạo điều kiện giúp bệnh nhân điều trị Methadone trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có thể dễ dàng kết nối và uống thuốc ở các địa phương khác nhau.
Điều trị Methadone cho người nghiện ma túy giúp giảm các hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV, cải thiện tình trạng sức khỏe cho bệnh nhân. Ảnh: Thùy Chi
Thực hiện Nghị định số 96 của Chính phủ quy định về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone và Quyết định số 1008 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao chỉ tiêu bệnh nhân, năm 2014, UBND Tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 6572 về triển khai các nội dung này. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến lợi ích và thành lập 5 cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm y tế thành phố Phúc Yên và Trung tâm y tế các huyện Bình Xuyên, Vĩnh Tường, Lập Thạch.
Theo thống kê của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Phúc, hiện toàn tỉnh có khoảng 664 người nghiện các chất dạng thuốc phiện đang điều trị thay thế methadone tại 5 cơ sở. Việc điều trị này đã mang lại hiệu quả tích cực đối với người nghiện ma túy. Đa phần các bệnh nhân tuân thủ quy trình điều trị; 70%-80% người nghiện sau khi tham gia điều trị đã cải thiện về sức khỏe, tâm lý ổn định, một số bệnh nhân đã đi học nghề, có việc làm, giúp đỡ gia đình phát triển kinh tế. Đặc biệt, để nâng cao hiệu quả quản lý và điều trị methadone, từ tháng 12/2018, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh triển khai mô hình “Ứng dụng CNTT vào quản lý và điều trị methadone” với các giải pháp công nghệ thông minh gồm: Quản lý bệnh nhân và tiếp đón nhanh bằng mã vạch tích hơp trên thẻ NFC, công nghệ nhận diện khuôn mặt qua camera. Mỗi bệnh nhân sẽ được cấp mã nhận diện (ID) để quản lý toàn bộ quá trình điều trị.
Đại diện Trung tâm kiểm soát bệnh tật cơ sở 2 cho biết: Trung bình mỗi ngày, cơ sở khám, cấp thuốc cho gần 300 lượt bệnh nhân và mỗi tháng tiếp nhận thêm khoảng 5 bệnh nhân mới. Với 3 bác sỹ thường trực, trước đây, việc quản lý bệnh nhân rất khó khăn và nhiều bệnh nhân không đến cơ sở uống thuốc đều đặn bởi theo quy định, bệnh nhân điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone phải đến uống thuốc tại một cơ sở cố định. Trong trường hợp cần di chuyển đến nơi khác, bệnh nhân phải làm các thủ tục, giấy tờ xin chuyển địa điểm uống thuốc, sau đó, cán bộ cơ sở điều trị phải hoàn thiện hồ sơ, bệnh án để bệnh nhân cầm theo sang cơ sở khác uống nên mất rất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, việc lưu trữ, tìm kiếm hồ sơ bệnh án gặp nhiều khó khăn; công tác báo cáo, thống kê, sổ sách tốn nhiều thời gian và số liệu dễ nhầm lần sai sót.
Từ khi ứng dụng CNTT vào quản lý, điều trị methadone, việc quản lý, theo dõi, giám sát bệnh nhân được chặt chẽ hơn. Bệnh nhân chỉ cần xuất trình thẻ là có thể đăng ký thời gian, địa điểm uống thuốc tại tất cả các cơ sở điều trị methadone trên toàn quốc mà không cần phải nộp lại hồ sơ, giấy tờ, giúp giảm thời gian chờ đợi, đi lại của bệnh nhân; lượng bệnh nhân đến các cơ sở uống methadone đều đặn hơn. Đặc biệt, cơ quan quản lý các cấp có thể xem xét, đánh giá các chỉ số chính cũng như các bảng, biểu đồ, kết quả điều trị, tình hình kho dược thông qua máy tính hoặc thiết bị di động có kết nối mạng. Từ đó, hạn chế việc thống kê, báo cáo bằng giấy vừa tốn kinh phí, thời gian mà lại không chính xác, tiến tới mục tiêu quản lý thông tin không sử dụng giấy tờ từ năm 2019. Thông qua phần mềm này, Cục phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cũng nắm được hồ sơ bệnh án từng bệnh nhân, từ đó, có những đề xuất hỗ trợ trong quá trình điều trị nếu tỉnh cần.