WHO: Đầu tư chiến lược ngăn chặn nhiễm mới HIV
Các quốc gia thành viên trong trong khu vực Tây Thái Bình Dương cần có chiến lược đầu tư cho công tác phòng, chống HIV để ngăn chặn các ca nhiễm mới.
Đó là lời kêu gọi biến cam kết thành hành động bằng cách triển khai các can thiệp phòng, chống HIV đã được thống nhất tại Cuộc họp cấp cao về AIDS năm 2011 của TS. Shin Young-soo, Giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Hội nghị khu vực Tây Thái Bình Dương lần thứ 63 của WHO vào ngày 27/9.
Hội nghị khu vực Tây Thái Bình Dương lần thứ 63 của WHO |
Theo TS. Shin Young-soo: Cam kết chính trị mà các quốc gia tuyên bố tại Cuộc họp cấp cao về AIDS năm 2011 của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc về việc đạt những mục tiêu táo bạo trong phòng, chống HIV đến năm 2015 vẫn chưa mang lại nguồn lực để đạt được mục tiêu đó.
Việc thực hiện Chiến lược Ngành Y tế toàn cầu về HIV/AIDS giai đoạn từ năm 2011- 2015 tại một số quốc gia tiên phong đã đáp ứng hiệu quả của ngành y tế như xây dựng chiến lược quốc gia phòng, chống HIV; cải thiện tiếp cận xét nghiệm và tư vấn HIV; tăng đối tượng được điều trị bằng thuốc kháng retrovirus. Tuy nhiên, những thành tựu đã đạt được có thể bị xói mòn do nguồn lực giảm dần, khiến cho phần lớn các nước sẽ phải phụ thuộc chủ yếu vào tài trợ từ bên ngoài cho công tác phòng, chống HIV và chăm sóc cho người nhiễm HIV.
Do vậy, những chiến lược và phương pháp tiếp cận đổi mới để tăng cường sự lãnh đạo chính trị, sở hữu quốc gia, sự tham gia của cộng đồng và để mở rộng hoạt động dự phòng, điều trị bằng thuốc kháng retrovirus là rất cần thiết.
Những can thiệp đó bao gồm: Tăng tỷ lệ bao phủ các can thiệp toàn diện trong các nhóm đối tượng có nguy cơ cao, để ngăn chặn các ca nhiễm mới và đảm bảo người nhiễm HIV được điều trị sớm; đổi mới các nỗ lực để đạt được và duy trì bền vững tiếp cận liệu pháp điều trị bằng thuốc kháng retrovirus với chất lượng chăm sóc chuẩn cho tất cả các đối tượng nhiễm HIV; cam kết loại trừ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con và bệnh giang mai bẩm sinh; tích hợp các dịch vụ phòng, chống HIV vào hệ thống y tế chung để duy trì bền vững quy mô mở rộng của công tác ứng phó HIV; củng cố hệ thống kiểm soát các bệnh lây truyền qua đường tình dục có liên quan tới các chiến lược toàn diện phòng, chống HIV.
Hiện hơn 90% số người sống chung với HIV trong Khu vực là ở Campuchia, Trung Quốc, Malaysia, Papua New Guinea và Việt Nam. Những nhóm đối tượng có nguy cơ cao gồm đối tượng hành nghề mại dâm, nam tình dục đồng giới và tiêm chích ma túy tiếp tục làm lây lan dịch HIV. Việt Nam là nước đang kiểm soát tốt số người nhiễm mới HIV/AIDS, còn Philippin lại là một trong số ít nước trên toàn cầu có tỷ lệ nhiễm HIV gia tăng.