Xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm ma túy

16/09/2020 10:15

Tại điều 12, dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) có quy định về trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm ma túy thuộc Công an nhân dân. Trong đó, Công an nhân dân có trách nhiệm chủ trì thực hiện các hoạt động phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy. Tuy nhiên, khi thảo luận về nội dung này, đa số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ như quy định trong Luật hiện hành.

Các lực lượng chức năng phối hợp bắt giữ tội phạm ma túy. Ảnh minh họa

Cụ thể là: Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Công an nhân dân có trách nhiệm “chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan thực hiện các hoạt động ngăn chăn, đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy”.

Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi). Về trách nhiệm, quyền hạn của các lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy (Điều 12), Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết về nội dung này hiện có 2 loại ý kiến. Thứ nhất: Đồng tình dự thảo Luật, theo đó, cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Công an nhân dân có trách nhiệm “chủ trì thực hiện các hoạt động phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy” (điểm a, khoản 1).

Loại ý kiến thứ hai: Đề nghị giữ như Luật hiện hành: cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Công an nhân dân có trách nhiệm “chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan thực hiện các hoạt động ngăn chăn, đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy” (điểm a, khoản 1, Điều 13 Luật Phòng, chống ma túy).

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng, để công tác phòng, chống ma túy đạt được hiệu quả, các lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy (thuộc Công an nhân dân, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan), trong khu vực, địa bàn quản lý, cần được giao quyền chủ động nhưng đồng thời cần phối hợp với nhau để thực hiện các biện pháp cần thiết để phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hoạt động bất hợp pháp liên quan đến ma túy.

Báo cáo Tổng kết thi hành Luật đánh giá cao kết quả đấu tranh với tội phạm ma túy trong những năm qua, công tác phối hợp được đẩy mạnh để triển khai các hoạt động khảo sát, phối hợp kiểm tra, ngăn chặn từ xa giúp phát hiện, bắt giữ, thu giữ nhiều tổ chức, đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo giữ nguyên trách nhiệm “phối hợp” với các cơ quan hữu quan của cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Công an nhân dân như quy định trong Luật hiện hành. Quy định như vậy cũng sẽ đảm bảo thống nhất với khoản 3 của điều này.

Một số ý kiến cũng đề nghị Ban soạn thảo giữ nguyên trách nhiệm “phối hợp” với các cơ quan hữu quan của cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Công an nhân dân như quy định trong Luật hiện hành.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đánh giá, thời gian qua công tác đấu tranh với tội phạm ma túy, công tác phối hợp được đẩy mạnh để triển khai các hoạt động khảo sát, phối hợp kiểm tra, ngăn chặn từ xa giúp phát hiện, bắt giữ, thu giữ nhiều tổ chức, đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn. Tuy nhiên, để công tác phối hợp này tốt hơn thì trong lần sửa đổi này cũng cần phân công rõ trách nhiệm của cơ quan chủ trì thực hiện, cơ quan phối hợp thực hiện, tránh việc quy định chung chung thì hiệu quả phối hợp không cao.

Với vai trò là cơ quan tham gia phòng, chống tội phạm ma túy, Thiếu tướng Lê Văn Phúc, Phó Tư lệnh Bội đội Biên Phòng cho biết, thời gian qua các đơn vị chuyên trách phòng, chống ma túy của Bộ đội Biên phòng đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chuyên trách của Bộ Công an đấu tranh và phát hiện rất nhiều vụ việc vận chuyển, buôn bán, tàng trữ ma túy.

Tuy nhiên, tại Điều 12 của Dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) chỉ nêu chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chủ trì thực hiện là Bộ Công an mà chưa nêu trách nhiệm của các lực lượng khác như hải quan, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, Viện kiểm sát, Tòa án và chính quyền các cấp. Vì vậy, đề nghị ban soạn thảo bổ sung nhằm tạo điều kiện cho công tác phối hợp thực thi nhiệm vụ hiệu quả, tránh chồng chéo, trùng lặp.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị ban soạn thảo tiếp thu, tổng hợp các ý kiến góp ý, sửa đổi nhằm tránh sự mâu thuẫn với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan để phát huy tốt hiệu quả công việc, đặc biệt là quyền hạn của cơ quan chủ trì, phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy.

Cũng liên quan đến trách nhiệm phòng, chống ma túy quy định tại Chương II, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, Ban soạn thảo đề nghị bổ sung nội dung quy định để cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Công an nhân dân đấu tranh với tội phạm ma túy hiệu quả hơn: "Phối hợp với cơ quan chức năng chống tội phạm ma túy của các nước và các tổ chức chống tội phạm ma túy quốc tế để trao đổi thông tin tiến hành điều tra các vụ án liên quan đến tội phạm ma túy xuyên quốc gia".

Đồng thời mở rộng phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm ma túy thuộc Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan trong phạm vi địa bàn, khu vực quản lý được phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về ma túy chứ không chỉ hạn chế ở các hành vi mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần như quy định của Luật hiện hành. Việc bổ sung nội dung này để đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy của các lực lượng Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan.

}
Top