Xây dựng chính sách thu hút, hỗ trợ người làm công tác cai nghiện ma túy

25/10/2023 16:49

(Chinhphu.vn) - Bộ LĐTB&XH đang phối hợp với các bộ ngành liên quan nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi phù hợp thu hút, hỗ trợ người làm công tác cai nghiện ma túy.

Xây dựng chính sách thu hút, hỗ trợ người làm công tác cai nghiện ma túy - Ảnh 1.

Cán bộ y bác sĩ thăm khám sức khỏe cho học viên tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 tỉnh Thanh Hóa - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Theo đánh giá của Bộ LĐTB&XH, hiện nay, đội ngũ cán bộ tại các cơ sở cai nghiện ma túy công lập đang bị thiếu về số lượng; chưa được chuẩn hóa theo các quy định về đội ngũ viên chức; chưa được đào tạo, tập huấn chuyên sâu về cai nghiện ma túy theo quy trình cai nghiện của Nghị định số 116/2021/NĐ-CP.

Thống kê cho thấy số lượng viên chức, người lao động làm việc trong cơ sở cai nghiện ma túy hiện là 6.978 người, trong đó: 4.979 người là viên chức, có 4.482 người làm công tác chuyên môn điều trị, tư vấn, giáo dục, quản học viên, 497 người làm công việc chuyên môn dùng chung; 1.999 người là lao động hợp đồng, trong đó có 404 người làm công tác chuyên môn điều trị, tư vấn, giáo dục, quản học viên, 1.595 người làm công tác hỗ chuyên môn dùng chung và hỗ trợ phục vụ.

Thực hiện theo Nghị định số 26/2016/NĐ-CP ngày 06/4/2016 của Chính phủ quy định chế độ trợ cấp, phụ cấp đối với công chức, viên chức và người lao động làm việc tại các cơ sở quản lý người nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy và cơ sở trợ giúp xã hội công lập, quy định phụ cấp ưu đãi theo nghề và trợ cấp đặc thù mức tối thiểu bằng 500.000 đồng/người/tháng (mức trợ cấp đặc thù tối thiểu được quy định từ năm 2007 tại Nghị định số 114/2007/NĐ-CP ngày 3/7/2007).

Phụ cấp ưu đãi theo nghề và trợ cấp đặc thù đã góp phần động viên lực lượng đội ngũ nhân sự của cơ sở cai nghiện, nhưng cũng chưa đáp ứng được về cơ cấu ngành nghề hoặc tuyển dụng đúng chuyên môn, nghiệp vụ hoặc làm việc lâu dài tại cơ sở cai nghiện ma túy, đặc biệt là tuyển dụng người tốt nghiệp đại học chuyên ngành bác sĩ và sư phạm.

"Có cơ sở cai nghiện công suất tới 1.000 học viên, nhưng chỉ có 60 cán bộ. Một người trông mấy chục người, là rất khó khăn. Ngoài ra, lực lượng cán bộ y tế trong các cơ sở cai nghiện ma túy hiện nay rất trống vắng, hầu như không ai muốn làm bác sĩ, y sĩ ở đó, nhiều cơ sở phải cử y sĩ đi đào tạo trở thành bác sĩ", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung từng nêu thực trạng.

Do chính sách thu hút, chế độ đãi ngộ đối với viên chức, người lao động làm việc tại các cơ sở cai nghiện ma túy chưa tương xứng với áp lực, yêu cầu, nhiệm vụ, công việc nên khó thu hút được lao động làm việc lâu dài, đặc biệt đối với các vị trí y sĩ, bác sĩ, gây khó khăn cho hoạt động của cơ sở; không nâng cao được chất lượng, hiệu quả công tác cai nghiện bắt buộc.

Đối với cán bộ làm công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, theo quy định tại Nghị định số 116/2021/NĐ-CP thì mỗi xã, phường, thị trấn có ít nhất 01 người thực hiện nhiệm vụ tư vấn tâm lý, xã hội, quản lý, hỗ trợ đối tượng cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, cả nước có gần 10.000 người làm công tác này với mức phụ cấp tối đa bằng 0,6 mức lương cơ sở.

Có 25 tỉnh, thành phố với hơn 15.000 người thuộc các tổ chức chính trị xã hội (gồm Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Cựu chiến binh...) tham gia đội công tác xã hội tình nguyện, tham gia tư vấn tâm lý, xã hội, quản lý, hỗ trợ đối tượng cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và quản lý sau cai được hưởng thù lao hàng tháng tối đa 0,4 mức lương cơ sở.

Đội ngũ cán bộ làm công tác tư vấn, hỗ trợ, quản lý cai nghiện ma túy tự nguyện ở cấp xã còn thiếu, chưa được đào tạo, tập huấn về các chính sách, quy trình theo cách tiếp cận mới của Luật Phòng, chống ma túy và Nghị định số 116/2021/NĐ-CP nên việc triển khai còn nhiều lúng túng.

Trong thời gian tới, Bộ LĐTB&XH sẽ tiếp tục chỉ đạo các địa phương rà soát thực trạng cơ sở vật chất, nhân lực tại của các cơ sở cai nghiện ma túy công lập, đối chiếu với các quy định của Nghị định số 116/2021/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành để xây dựng, phê duyệt, triển khai thực hiện các dự án, phương án tăng cường cơ sở vật chất; tuyển dụng, đào tạo nâng cao năng lực đội ngũ nhân lực của các cơ sở cai nghiện ma túy và tại các địa phương bảo đảm đủ điều kiện hoạt động cai nghiện ma túy của các cơ sở này theo quy định của pháp luật.

Đồng thời hoàn thiện chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ, người làm công tác cai nghiện ma túy; chính sách trợ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp đặc thù đối với người làm công tác cai nghiện ma túy tại các cơ sở cai nghiện ma túy và tại cộng đồng; tăng cường công tác tuyển dụng, tập huấn, từng bước chuẩn hóa đội ngũ cán bộ làm công tác cai nghiện ma túy; đặc biệt là đội ngũ viên chức của các cơ sở cai nghiện ma túy công lập và cán bộ làm công tác cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng.

Trong đó, Bộ LĐTB&XH sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ và các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi phù hợp thu hút, hỗ trợ người làm công tác cai nghiện ma túy theo Khoản 4 Điều 3 của Luật Phòng, chống ma túy 2021 phù hợp với lộ trình cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII.

Hoàng Giang

}
Top