Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về phòng, chống tệ nạn xã hội
Nhằm ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý công tác cai nghiện ma túy, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về phòng, chống tệ nạn xã hội.
Các học viên tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Ninh Bình tham gia lao động |
Trong năm 2020, tình hình người nghiện ma túy diễn biến phức tạp, gia tăng về số lượng, tính chất, mức độ; đặc biệt, có sự thay đổi về loại ma túy sử dụng, người nghiện sử dụng đồng thời nhiều loại ma túy ngày càng phổ biến, gây khó khăn trong công tác tổ chức cai nghiện.
Thống kê của Bộ Công an cho thấy, tính đến tháng 12/2020, cả nước có trên 235.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, tỷ lệ sử dụng ATS chiếm khoảng 70 - 80% trong số người nghiện. Ở các tỉnh miền Trung và miền Nam, tỷ lệ sử dụng ATS lên đến 80 - 90% trong tổng số người nghiện. Đáng báo động việc sử dụng ma túy tổng hợp và các chất hướng thần gây rối loạn tâm thần, “ngáo đá” dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật và các vụ án giết người gây bức xúc, lo lắng trong nhân dân.
Theo Bộ LĐTB&XH, tính đến hết tháng 12/2020, các cơ sở cai nghiện ma túy trên cả nước đã điều trị, cai nghiện cho 93.724 người, trong đó số chuyển từ năm 2019 sang 38.244 người, tiếp nhận mới năm 2020 là 55.480 người. Số đối tượng hòa nhập cộng đồng 51.729 người, hiện đang quản lý 41.019 người, trong đó: học viên cai nghiện bắt buộc theo quyết định của Tòa án 31.480 người, học viên cai nghiện tự nguyện 4.718 người, người nghiện chờ lập hồ sơ đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc 3.845 người. 16 cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện đang điều trị cho 976 người.
Số học viên cai nghiện trong năm 2020 được học nghề và 9.670 lượt người. Số học viên được học văn hóa là 4.470 lượt người.
Đối với công tác cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng, thực hiện Nghị định số 94/2010/NĐ-CP ngày 9/9/2010 của Chính phủ quy định về công tác tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng, UBND các tỉnh, thành phố đã xây dựng kế hoạch, đề án tổ chức cai nghiện tại cộng đồng, trong đó chú trọng việc kiện toàn, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ làm công tác cai nghiện ma túy tại các xã, phường, thị trấn.
Năm 2020, cả nước thành lập và đang duy trì hoạt động 5.892 tổ công tác cai nghiện ma túy với 42.804 lượt cán bộ tham gia. Kết quả tổ chức cai nghiện cho 3.157 lượt người tại cộng đồng và 2.964 lượt người tại gia đình; cấp giấy chứng nhận hoàn thành thời gian cai nghiện cho 3.193 lượt người. Tuy nhiên, hoạt động của các tổ công tác cai nghiện chủ yếu là quản lý, theo dõi trên địa bàn, chưa tổ chức đúng theo quy trình cai nghiện tại Thông tư liên tịch số 03/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT-BCA ngày 10/2/2012 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Công an quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 94/2010/NĐ-CP.
Đối với công tác cai nghiện tại cơ sở dân lập, hiện nay, trên toàn quốc có 16 cơ sở cai nghiện ma túy do tư nhân thành lập đang hoạt động. Tuy nhiên, với điều kiện cơ sở vật chất chưa đầy đủ, đối tượng cai nghiện tự nguyện với thời gian ở trong cơ sở cai nghiện ngắn nên hoạt động chủ yếu là cắt cơn, giải độc cho người cai nghiện tự nguyện. Trong năm 2020, các cơ sở cai nghiện dân lập trên toàn quốc cai nghiện cho khoảng gần 1.991 lượt người.
Với công tác quản lý sau cai nghiện ma túy tại cộng đồng, các địa phương đang tổ chức quản lý 26.876 người nghiện sau cai trở về cộng đồng.
Thí điểm nhiều mô hình điều trị, cai nghiện
Ngoài ra, thực hiện chủ trương đa dạng hóa công tác cai nghiện theo Đề án đổi mới công tác cai nghiện, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai thí điểm các mô hình điều trị, cai nghiện.
Mô hình hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma túy tại Thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, mô hình “tiền xét xử” liên quan đến “Tòa ma túy”,... đã tạo điều kiện kết nối người nghiện ma túy tham gia các dịch vụ ngay tại cộng đồng như: tư vấn tâm lý, dạy nghề, tạo việc làm, điều trị cắt cơn và điều trị HIV,...
Mô hình Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng đã triển khai có hiệu quả tại nhiều tỉnh, thành phố như Bắc Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa, Thừa Thiên Huế, Hà Nội,...
Việc triển khai các mô hình thí điểm đã mang lại nhiều cách tiếp cận mới trong công tác điều trị cai nghiện ma túy, tuy nhiên, để nhân rộng các mô hình này cần phải có chính sách cụ thể và nguồn lực nhiều hơn.
Để nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã xây dựng, hoàn thiện Bộ tài liệu đào tạo tư vấn điều trị nghiện ma túy cho cán bộ làm công tác cai nghiện ma túy theo Khung đào tạo tại Thông tư số 04/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28/4/2016; phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tập huấn (trong đó: 8 lớp tập huấn kiến thức cơ bản, 3 lớp đào tạo cho cán bộ y tế, 04 lớp tập huấn chuyên sâu về tư vấn, điều trị nghiện ma túy) và cấp chứng nhận cho 1.000 công chức, viên chức và người lao động làm việc trong các cơ sở cai nghiện và cán bộ làm công tác cai nghiện ma túy ở cộng đồng.
Nhằm ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý công tác cai nghiện ma túy, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về phòng, chống tệ nạn xã hội. Phần mềm cơ sở dữ liệu đã được gửi cho các địa phương cập nhật thông tin, dữ liệu và dự kiến trong thời gian tới sẽ bàn giao cho các địa phương quản lý, sử dụng.