Xây dựng Quy trình chuẩn quản lý người bệnh lao kháng thuốc sau điều trị

25/12/2021 11:31

Trong những năm gần đây, mặc dù tỷ lệ điều trị thành công bệnh lao kháng thuốc tại Việt Nam duy trì ở mức xấp xỉ 70%, nhưng trong số này, khoảng 10%-15% là bệnh nhân hoàn thành điều trị khi chưa có đủ các xét nghiệm nuôi cấy theo dõi âm tính để kết luận khỏi.

 Người bệnh lao kháng thuốc sau hoàn thành điều trị cần tiếp tục kịp thời điều trị bằng phác đồ thích hợp

Vì vậy, ngay cả khi hoàn thành điều trị, người bệnh vẫn tiềm ẩn nguy cơ tái phát, khuếch đại kháng thuốc và cần được theo dõi, phát hiện sớm.

Để giảm thiểu tình trạng này, tránh lây lan trong cộng đồng, việc quản lý và theo dõi người bệnh lao kháng thuốc sau hoàn thành điều trị để phát hiện sớm người bệnh tái phát và kịp thời điều trị bằng phác đồ thích hợp là rất cần thiết.

Chính vì vậy, Dự án USAID Hỗ trợ Chấm dứt bệnh lao (USAID - SET) đã hỗ trợ Chương trình Chống lao quốc gia xây dựng Quy trình quản lý và theo dõi người bệnh lao kháng thuốc sau hoàn thành điều trị để đáp ứng nhu cầu triển khai tại các tuyến. Quy trình sẽ được triển khai tới 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Cùng với đó, Dự án cũng hỗ trợ Chương trình xây dựng Bảng kiểm và Hướng dẫn giám sát chuyên đề lao kháng thuốc thực hiện cho tất cả các tuyến để phù hợp với Hướng dẫn điều trị lao kháng thuốc vừa được cập nhật mới. Trong thời gian tới, Dự án sẽ tiếp tục hỗ trợ việc thử nghiệm bảng kiểm tại thực địa và chỉnh sửa sau thử nghiệm để đảm bảo tính hiệu quả và khả thi khi đưa vào triển khai.

Lao kháng thuốc là tình trạng vi khuẩn lao kháng lại các thuốc chống lao, khiến việc điều trị trở nên rất khó khan; người bệnh trở thành nguồn lây lan vi khuẩn lao kháng thuốc nguy hiểm cho cộng đồng. Có những bệnh nhân lao kháng thuốc ở mức độ ít nghiêm trọng như chỉ kháng một loại thuốc, nhưng có những bệnh nhân kháng thuốc mức độ nặng gọi là lao đa kháng thuốc, nặng hơn là siêu kháng thuốc nhưng nhìn chung lao kháng thuốc hết sức nguy hiểm.

Top