Xót thương cậu bé 8 tuổi chết vì bị chích kim có virus HIV

26/05/2020 09:21

Bị hàng xóm đâm kim có HIV vào đùi, cậu bé 3 tuổi đã sống một quãng đời bệnh tật khốn khổ trước khi từ giã cuộc đời.

Chuyển lên Bệnh viện Sản - Nhi An Giang với hy vọng nhận một kết quả khác, nhưng may mắn đã không xảy ra, bà Đ. bàng hoàng, ngất xỉu. Do bệnh đã đến thời kỳ cuối, bé T. qua đời giữa tháng 5/2020.

Võ Văn T. da bọc xương những ngày cuối đời, nhất cử nhất động đều cần bà ngoại dìu đỡ

Bà Đ. nhớ lại thời điểm T. khoảng 3 tuổi, bé chạy về méc bị anh hàng xóm tên V. (lúc đó hai mươi mấy tuổi, nghe đồn nhiễm HIV) chích kim vào người. Bà Đ. thuật lại lời T., do chạy chơi ở xóm, bị đạp sình, T. đến lu nước bên hông nhà V. để rửa chân tay và nghịch phá. V. mắng chửi và dọa sẽ nhận nước nếu T. không đi chỗ khác chơi.

Tuổi thơ hiếu động, T. vẫn nghịch, còn chửi tục, trêu chọc “V. si đa”. Lời qua tiếng lại, tức giận, V. chạy ra hè, đè T. xuống và chích. Về nhà mách bà, T. còn lấy một cây nhỏ thay cây kim kẹp vào đùi để mô tả hành động của V. Ngoài V. và bé T., không có ai khác trực tiếp chứng kiến sự việc.

Bà Đ. đã sang nhà mắng vốn mẹ của V. và người mẹ đã la mắng anh ta. Do hiểu biết hạn chế và chủ quan, bà Đ. đã không đem cháu đi xét nghiệm ngay, cũng không kiện tụng gì. Bà nghĩ đơn giản V. chỉ hù dọa chứ nỡ nào dùng kim tiêm của mình chích vào người cậu bé mới 3 tuổi.

Theo thời gian, câu chuyện trôi vào quên lãng. Ngay cả về sau, V. đi tù vì một tội danh liên quan đến ma túy và đã mất cách đây ba năm khi tuổi đời chỉ khoảng 30, nhưng bà Đ. vẫn không đặt nghi vấn với tình trạng sức khỏe ngày một suy kiệt của cháu mình. Do ít thông tin về căn bệnh này, bà Đ. bỏ qua những triệu chứng báo động của T.

“Cứ cháu sốt thì tui mua thuốc sốt cho nó uống. Nó bị nổi ghẻ, sợ nó bị ban, tui chở đi khám, hốt thuốc nam. Miệng nó bị nổi đẹn, ai chỉ cây cỏ gì thì tui kiếm giã cho nó ngậm. Bị tiêu chảy, tui kiếm thuốc cầm lại. Có đợt, người T. ốm nhom mà bụng bự quá, tui tưởng xơ gan. Cháu thường đòi ăn ghẹ, sò và nhiều đồ bổ, nhưng không hiểu sao càng ăn càng sụt ký, chỉ còn 15 kg, 12 kg rồi khoảng 9 kg (lúc mất).

Mấy khi bán vé số được nhiều, có tiền mua món ăn T. thích nhất, nó cũng không nuốt nổi vì đau miệng và mệt. Tui cũng nhiều lần dẫn cháu đi khám ở bệnh viện địa phương, nhưng bác sĩ cho thử máu, siêu âm vẫn không phát hiện nhiễm HIV. Nếu tui nhớ và kể vụ T. bị chích kim có dính máu HIV chắc bác sĩ sẽ tìm ra nguyên nhân nhanh hơn” - bà Đ. sụt sùi bên di ảnh của cháu.

Đầu mùa dịch bệnh COVID-19, được cứu trợ 10 kg gạo, bà Đ. bán lấy tiền đổ xăng chở T. đi miệt Bình Thủy (H.Châu Phú, tỉnh An Giang) hốt thuốc nam cho cháu uống, vẫn không khá lên. Với sự giúp đỡ của nhiều nhà hảo tâm, T. được nhập viện tuyến huyện rồi tuyến tỉnh, và chẩn đoán hội chứng sốc nhiễm độc, viêm phổi, bệnh HIV dẫn đến nhiễm trùng khác - tiên lượng nặng.

Kiếp đời 8 năm, T. chưa có một ngày vui vẻ, bình an, đủ đầy. Chị Ngọc Sương (nhịp cầu nhân ái giúp đỡ viện phí cho gia đình) không cầm được nước mắt khi T. trong những ngày thập tử nhất sinh trên giường bệnh vẫn hồ hởi với những món đồ chơi của chị đem tới, và mếu máo đòi lại khi anh trai mượn.

Cha mẹ chia tay, để lại T. và anh trai (sinh năm 2010) cho bà ngoại nuôi bằng nghề làm mướn, bán hàng rong. Lớn lên, hai anh em cùng bà bán vé số. Mất hết giấy tờ và có thời gian phải theo bà ngoại tha phương mưu sinh, hai anh em T. chưa từng được đến trường dù rất ham học. Mới đây, địa phương đã làm lại giấy tờ cho 2 anh em, không ngờ mới có giấy khai sinh thì đã phải làm giấy khai tử cho T.

Bà Đ. cho biết, T. tuy chưa đi học nhưng rất thông minh, tính toán giỏi.

Đặc biệt, anh em T. nghèo khó, thiếu thốn nhưng không tham lam. Có người khách mua chỉ một tờ vé số, nhưng đưa 500.000 đồng để thử lòng thằng bé. T. giục anh chạy đi tìm bà ngoại trong chợ để xin 490.000 đồng thối lại, được người khách khen ngoan, còn “boa” cho ít tiền.

“Ngoại ơi! Nữa lớn con không lấy vợ đâu. Con nuôi ngoại hà. Có vợ mà mình đem tiền về ít thì vợ mặt lớn mặt nhỏ, con sợ không còn tiền để đưa cho ngoại” - lời thỏ thẻ của T. hằn sâu trong hồi ức của bà Đ. Giờ bà nhìn đâu cũng nhớ cháu, nhất là clip cháu hát nhạc chế múa tay múa chân quay bằng điện thoại thông minh mà hai anh em bán vé số dành dụm tiền mua được.

Bà nhắn gửi với tất cả phụ huynh: “Tui không biết làm sao để cháu tui sống lại. Tui vô cùng hối hận vì không kịp cứu nó. Phải chi tui quan tâm, tìm hiểu nhiều hơn sau sự cố lây nhiễm HIV thì đâu có ngày này…”.

 
Xử trí khi trẻ bị phơi nhiễm HIV

Trong cuộc sống hằng ngày, phơi nhiễm HIV là tình huống rất thường gặp ở trẻ em. Mặc dù không phải tất cả các trường hợp tiếp xúc trực tiếp với máu và dịch cơ thể người nhiễm HIV đều bị nhiễm, tuy nhiên do một số phụ huynh không có sự hiểu biết nhiều về HIV nên vẫn không biết cách xử trí kịp thời khi trẻ bị phơi nhiễm, dẫn đến những tình huống thương tâm.

Phơi nhiễm HIV là tình huống trẻ có tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc dịch tiết cơ thể của người nhiễm HIV hoặc nghi ngờ nhiễm HIV dẫn đến nguy cơ lây nhiễm HIV.

Dịch tiết có nguy cơ lây nhiễm được kể đến nhiều nhất là máu, dịch âm đạo, tinh dịch và sữa mẹ. Các dịch cơ thể thông thường khác như mồ hôi, nước mắt, nước bọt, nước tiểu… được xem là không có nguy cơ lây nhiễm.

Có yếu tố ngõ vào: vết thương hở, đâm xuyên da, tiếp xúc vào niêm mạc (mắt, mũi, miệng, âm đạo, hậu môn…).

Quy trình xử trí trẻ sau phơi nhiễm:

- Xử lý tại chỗ:

Rửa sạch vết thương bằng xà phòng, dùng cồn 70 độ hoặc dung dịch i-ốt để sát trùng ít nhất trong 5 phút. Không dùng các chất có thể gây hoại tử hay gây bỏng vết thương.

Với mắt, rửa bằng nước muối sinh lý (natriclorid 0,9%); sau đó nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý liên tục trong 5 phút. Với miệng, mũi cũng súc miệng, rửa mũi bằng nước muối sinh lý.

- Sau đó, đưa trẻ đến cơ sở y tế, đến phòng khám ngoại trú điều trị HIV gần nhất để các y bác sĩ đánh giá nguy cơ, tư vấn và xử trí kịp thời. Nếu xác định có nguy cơ, trẻ sẽ được điều trị dự phòng bằng thuốc ARV trong vòng bốn tuần.

Việc điều trị dự phòng bằng thuốc ARV cần tiến hành sớm ngay sau khi bị tổn thương gây chảy máu trong vòng bốn đến sáu giờ và không quá 72 giờ (ba ngày). Sau 72 giờ, việc điều trị không có tác dụng dự phòng. Như vậy, chỉ điều trị dự phòng nhiễm HIV bằng thuốc ARV khi xác định có nguy cơ, phải dùng thuốc đúng phác đồ và trước 72 giờ.

Trẻ được điều trị ARV dự phòng cần được tư vấn các tác dụng phụ của thuốc cho cha mẹ biết, không ngừng điều trị khi có tác dụng phụ nhẹ và thoáng qua. Đến các cơ sở y tế ngay khi có các tác dụng phụ nặng.

Xét nghiệm HIV sau 1, 3 và 6 tháng.

Hỗ trợ tâm lý trẻ khi cần.

Tùy cơ địa của mỗi trẻ mà biểu hiện nhiễm trùng cơ hội có thể xảy ra khác nhau. Có trẻ có biểu hiện triệu chứng (sốt kéo dài, tiêu chảy kéo dài, ho kéo dài, suy dinh dưỡng, nhiễm nấm…); có trẻ không có biểu hiện triệu chứng. Vì vậy, nếu ta không làm xét nghiệm để điều trị kịp thời, trẻ sẽ không thoát khỏi “lưỡi hái tử thần” khi đã vào giai đoạn AIDS.

Bác sĩ Dư Tuấn Quy - Phó khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM

}
Top