Xuất hiện ngày càng nhiều các loại ma tuý mới, ma tuý 'núp bóng'
(Chinhphu.vn) - Hiện nay, xuất hiện ngày càng nhiều loại ma túy mới, thậm chí chưa có trong danh mục kiểm soát của Chính phủ được mua bán, sử dụng trái phép khiến công tác phòng ngừa, đấu tranh của các lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn.
Theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an), các loại ma tuý mới, ma tuý “núp bóng” có xu hướng xuất hiện ngày càng nhiều, được rao bán bằng nhiều hình thức và phổ biến nhất là trên các trang mạng, nền tảng xã hội như: Facebook, Zalo, Wechat, Telegram… gây ra rất nhiều hệ lụy cho xã hội, đồng thời đặt ra nhiều thách thức cho công tác phòng ngừa, đấu tranh của các lực lượng chức năng.
Chỉ trong năm 2023, toàn quốc phát hiện 5 chất ma tuý mới (cần sa tổng hợp) chưa có trong danh mục các chất ma tuý và tiền chất quy định tại Nghị định 57/2022/NĐ-CP ngày 25/8/2022 của Chính phủ.
Cùng với đó, Uỷ ban Kiểm soát ma tuý thế giới cũng đã có nghị quyết đưa 16 chất ma tuý mới vào danh mục quản lý, nhưng chưa có trong danh mục chất ma tuý của nước ta đã vô tình tạo ra “kẽ hở” pháp lý nhất định để các đối tượng lợi dụng.
Theo thống kê, từ ngày 15/12/2022 đến ngày 14/12/2023, toàn quốc phát hiện, bắt giữ 442 vụ, 808 đối tượng có liên quan đến các loại ma tuý “núp bóng” và thuốc lá điện tử. Trong đó, đã khởi tố 345 vụ án, hơn 600 bị can phạm tội mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma tuý dạng “núp bóng” (tăng gần 7 lần so với năm 2022).
Điển hình như thời điểm cuối tháng 5, đầu tháng 6 năm 2023, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý phát hiện, đấu tranh khám phá thành công vụ pha chế, đóng gói “nước vui” ở TPHCM.
Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã khởi tố vụ án, khởi tố 10 bị can, thu 217 kg ma túy tổng hợp các loại, 208 kg vỏ bao bì, cùng nhiều dụng cụ, phương tiện dùng vào pha trộn, đóng gói, vận chuyển ma túy, ước tính số bao bì các đối tượng có thể đóng được khoảng 1 tấn ma túy “nước vui”. Bước đầu, Cơ quan điều tra làm rõ, trong nửa năm, các đối tượng đã pha chế, đóng gói và xuất ra thị trường khoảng 750 kg ma túy "nước vui".
Hay tháng 9/2023, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý đấu tranh, khám phá thành công vụ pha chế, sản xuất thuốc lá điện tử có chứa ma túy tại quận Hoàng Mai, Hà Nội. Để tăng độ phê, đồng thời tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, các đối tượng pha trộn, tẩm ướp, bơm tinh dầu ma túy vào những điếu thuốc này rồi bán rộng rãi trên mạng xã hội. Các đối tượng cam kết có cả chế độ bảo hành, đổi trả với các sản phẩm bị lỗi.
Kết quả cơ quan điều tra đã bắt, khởi tố 6 đối tượng, thu giữ 3.600 điếu thuốc lá điện tử, hơn 84 lít dung dịch ma tuý, hoá chất hoặc vụ phun tẩm, tạo ra hơn 250 kg ma tuý dạng “cỏ Mỹ”…
Qua đấu tranh, có thể thấy các loại ma tuý mới, ma tuý “núp bóng” được tạo ra với nhiều tên gọi, mẫu mã, chất ma tuý khác nhau, chủ yếu tồn tại dưới dạng thực phẩm, đồ uống (bánh kẹo, coffe, nước vui, nước hoa quả, nước đông trùng…); dạng thuốc lá dùng để hút (thuốc lá điện tử, thuốc lá thế hệ mới), thuốc lá điếu, thuốc lá sợi, thảo mộc khô và dạng sản phẩm chức năng chăm sóc sức khoẻ, làm đẹp.
Trong đó, ma tuý tổng hợp dạng truyền thống như: Methamphetamine, Ketamine, Bromazepam, Nimetazepam, GHB (nước biển)… thường được dùng để tạo ra đồ uống như “nước vui”, "nước dâu", "cà phê (White Coffee) Chali"…
Việc sử dụng các sản phẩm ma tuý “núp bóng” đồ uống này thường kèm với môi trường có âm thanh, ánh sáng thích hợp, đi theo nhóm. Do đó chủ yếu được sử dụng ở vũ trường, quán bar, karaoke hay trong các căn hộ cao cấp, resort được trang bị hệ thống âm thanh, ánh sáng tốt.
Cần sa (THC), cần sa tổng hợp (ADB-BUTINACA, MDMB-4en-PINACA, XLR-11…) tạo ra các loại ma tuý “núp bóng” dưới dạng bánh kẹo, thuốc lá điện tử, thuốc lá điếu, thuốc lá sợi, thảo mộc (hay gọi là cỏ Mỹ) và sản phẩm chức năng chăm sóc sức khoẻ, làm đẹp. Việc sử dụng các loại này có thể diễn ra ở bất kỳ đâu, như: Quán bar, cà phê, quán nước…
Qua báo cáo của Công an các đơn vị, địa phương và kết quả công tác nắm tình hình, đấu tranh, bắt giữ các vụ việc gần đây cho thấy, hoạt động mua bán, sử dụng ma tuý “núp bóng” diễn ra chủ yếu ở khu vực thành phố, thị xã, nhất là các trung tâm lớn; đối tượng mua bán, sử dụng hầu hết là giới trẻ, trong đó có cả trẻ vị thành niên.
Không để “kẻ hở” cho tội phạm lợi dụng
Vì vậy, trong thời gian tới, các lực lượng chức năng, chính quyền các địa phương, nhất là cấp cơ sở cần tăng cường công tác tuyên tuyển, phổ biến kiến thức về tác hại, hậu quả của ma tuý và tệ nạn nghiện ma tuý, nhất là các loại ma tuý mới, ma tuý “núp bóng” thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử.
Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng, chủ công là lực lượng Công an cần thực hiện tốt công tác nắm tình hình, đấu tranh hiệu quả với tội phạm ma tuý.
Đối với các loại ma tuý mới xuất hiện trên thế giới hoặc ở Việt Nam nhưng chưa có trong danh mục các chất ma tuý của Chính phủ; các loại ma tuý “núp bóng” khi phát hiện, lực lượng Công an cần kịp thời thông báo cho các lực lượng chuyên trách (Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan), nhất là cấp cơ sở để chủ động nhận diện, đấu tranh; tổ chức thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi người dân, đặc biệt là giới trẻ cảnh giác, không lạm dụng.
Đồng thời khẩn trương đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật quy định Danh mục các chất ma tuý và tiền chất, không để “kẻ hở” để tội phạm lợi dụng và tạo hành lang pháp lý vững chắc phục vụ hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh của các lực lượng chức năng.
Mới đây, để đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy, Bộ Công an đã chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, Bộ KH&CN, Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan xây dựng dự thảo Nghị định nhằm bổ sung các chất gây nghiện, các chất hướng thần mới vào Danh mục kiểm soát của Nghị định số 57/2022/NĐ-CP. Theo đó, dự thảo Nghị định đã đề xuất bổ sung thêm 15 chất ma túy mới vào danh mục chất ma túy.
Việc xây dựng Nghị định sửa đối, bổ sung Nghị định số 57/2022/NĐ-CP nhằm kịp thời bố sung vào danh mục quản lý những chất gây nghiện, chất hướng thần mới đã được kiểm soát quốc tế theo 3 Công ước của Liên Hợp Quốc và những chất gây nghiện, chất hướng thần có tác dụng tương tự chất ma túy đang bị lạm dụng tại Việt Nam đã được cơ quan chức năng thu giữ, giám định.
Các danh mục được cập nhật để bảo đảm sự kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm ma túy, đồng thời bảo đảm đáp ứng nhu cầu sử dụng trong một số lĩnh vực để phát triển kinh tế-xã hội.
Hoàng Giang