Xúc cảm đằng sau những kết quả dương tính HIV

04/03/2021 15:25

(Chinhphu.vn) - Việc nắm bắt tâm lý và trợ giúp những bệnh nhân nhiễm HIV vượt qua những cảm xúc tiêu cực này là cực kì quan trọng, nó ảnh hưởng rất lớn đến việc tiếp cận điều trị, tuân thủ điều trị và chất lượng sống sau này của họ.

Những bác sĩ có chuyên môn tốt không chỉ tư vấn cho một phác đồ điều trị mà giúp bạn cân bằng cảm xúc và tìm được lý tưởng sống. Trong ảnh, bác sĩ đang tư vấn hỗ trợ bệnh nhân sống chung với HIV tại Phòng khám điều trị HIV Nhà Mình. Ảnh: Tống Nam

Suốt 10 năm hỗ trợ cộng đồng trong việc xét nghiệm và điều trị HIV, hàng trăm câu chuyện, hàng trăm tình huống khiến tôi nhận ra rằng, những cảm xúc lẫn lộn sau khi được thông báo kết quả nhiễm HIV có thể tạm phân chia năm giai đoạn của cảm xúc: Từ chối, giận dữ, mặc cả, trầm cảm và sự chấp nhận.

Từ chối

Năm 2011, bệnh nhân đầu tiên mà tôi hỗ trợ, khi tôi dẫn bệnh nhân đi xét nghiệm khẳng định HIV, ngay sau khi bác sĩ đưa ra kết quả dương tính, tôi hiểu rằng bệnh nhân này đã rất sốc và muốn phủ nhận — tránh né, bối rối, sốc, sợ hãi. Thông thường, khi mọi người phủ nhận chẩn đoán dương tính với HIV, họ nói, “Tôi không tin. Anh có chắc chắn không? Tôi muốn được đi xét nghiệm tại cơ sở khác, tôi thấy kết quả này chưa đáng tin,…”.

Rất nhiều bệnh nhân của tôi đi đã được thuyết phục đi xét nghiệm và nhận kết quả dương tính như một “cú trời giáng” làm họ không tin được. Có người thậm chí còn nói rằng thà không xét nghiệm để không phải nhận một kết quả quá tiêu cực như vậy.

Nhiều người đã từng lo lắng về nguy cơ của họ trong quá khứ và việc xét nghiệm với mong muốn được giải tỏa cảm giác lo sợ mình sẽ bị nhiễm, họ đang đặt kì vọng rất cao vào một kết quả tích cực là âm tính. Tuy nhiên, việc thông báo với kết quả trái ngược làm họ không tin tưởng, hoặc cố gắng tìm kiếm một nơi khác để mong kết quả khác. Hãy để bác sĩ làm công việc thông báo kết quả, còn với tư cách một nhân viên hỗ trợ cộng đồng, tôi nghĩ, lúc đó chúng ta cần ân cần và bình tĩnh và lắng nghe những phàn nàn của họ, bởi lúc này họ cần sự chia sẻ và thấu hiểu hơn bao giờ hết.

Sự phẫn nộ

Tôi phải thú thực rằng, tôi đã chứng kiến ​​nhiều khách hàng của mình làm ầm ĩ hoặc chửi bới và đổ lỗi cho bạn tình của họ, người mà có khả năng lây nhiễm cho họ và nơi họ có thể trút giận ngay lúc này. Cảm xúc này gần như đến ngay lập tức khi nhận được kết quả dương tính. Một số bệnh nhân đã tỏ ra thô lỗ từ chối lời đề nghị nói chuyện của bác sĩ và rơi vào một cảm giác cay đắng. Họ cảm thấy tức giận, phẫn nộ và đã sử dụng sự phẫn nộ để thoát khỏi cảm giác như một nạn nhân. 

Tôi hiểu rằng, đó là sự thất vọng, bực bội và lo lắng. Chẩn đoán HIV với bệnh nhân tương đương là đau buồn và mất mát, nó có thể khiến mọi người tức giận. Việc đón nhận kết quả HIV làm họ nghĩ đến bao gồm mất việc làm, các mối quan hệ, cơ hội thăng tiến và các mối quan hệ tình bạn/bạn tình. Nhưng chúng ta nên thấu hiểu, họ chỉ đang cố gắng để không bị người khác làm tổn thương đến họ. Quá trình này cũng chuyển dần thành thương lượng, tranh cãi và đấu tranh để tìm ra ý nghĩa sống của họ phía sau.

Mặc cả

Thời gian mới nhiễm thực sự là một khoảng thời gian thực sự khó khăn với bệnh nhân, họ vẫn còn bàng hoàng và chưa tin được rằng mình sẽ sống cả đời với virus HIV và sẽ uống thuốc suốt thời gian còn lại của cuộc đời. Họ liên tục tâm sự với tôi rằng tôi đã "làm mọi đúng mọi thứ": Tôi chưa bao giờ sử dụng ma túy, và tôi luôn sử dụng các biện pháp tình dục an toàn khi quan hệ với bạn tình, hoặc là tôi chung thủy một vợ một chồng… Họ chia sẻ rất nhiều, nó giúp làm dịu đi cảm giác tội lỗi của bản thân và cũng mong người đối diện thấu hiểu họ.

Sau khi nhận được chẩn đoán của mình, bệnh nhân thường hợp lý hóa rằng họ không thể dương tính cho đến khi tình trạng dương tính với HIV của bạn tình được xác nhận. Tôi hiểu rằng, họ đang hy vọng, đang mặc cả rằng nếu bạn tình của họ không chuyển đổi huyết thanh, thì họ cũng không thể có. 

Và có rất nhiều người đã chia sẻ rằng họ đã đi tin vào các biện pháp tâm linh (như đi chùa) để tự an ủi mình, họ đã hứa với ông trời rằng họ sẽ dành thật nhiều thời gian và tiền bạc để làm từ thiện hoặc ăn chay nếu như kết quả của họ âm tính. Họ tiếp tục mặc cả. Bệnh nhân cũng chia sẻ họ rất khỏe mạnh, họ đã làm việc không mệt mỏi, họ mới mua một căn nhà,…và họ tin rằng họ sẽ không thể làm được tất cả những điều đó nếu bị nhiễm HIV. Nhưng tất cả chỉ là thương lượng và sự thật về tình trạng của họ đều không thay đổi được. Điều chúng ta cần là kiên nhẫn lắng nghe và hỗ trợ họ, bởi các phương án điều trị hiện đại ngày nay giúp họ có một sức khỏe tốt để tiếp tục làm những việc mà họ yêu thích.

Phiền muộn/trầm cảm

Một bệnh nhân mà tôi hỗ trợ năm ngoái (2020) đã chia sẻ rằng bạn ấy đang quá mệt mỏi và cảm thấy quá tải liên tục trong 1 tháng, bạn ấy trầm cảm và liên tục mất ngủ, bạn cũng cho biết rằng bạn trốn tránh mọi thứ và cố gắng chạy trốn khỏi vấn đề nhiễm HIV nhưng bất lực. Và bạn đó không phải là trường hợp duy nhất, trầm cảm xảy ra ở những người nhiễm HIV thường xuyên hơn so với dân số chung.

Cảm giác chán nản có thể xuất hiện theo nhiều cách khác nhau, bao gồm cô lập bản thân vì bạn muốn nói với mọi người về tình trạng của mình nhưng lại sợ bị từ chối. Ngoài ra, còn có nỗi sợ bị cộng đồng từ chối. Rất nhiêu bệnh nhân không để thuốc trong nhà vì sợ người nhà phát hiện ra mình có quan hệ tình dục với nam giới khác hoặc mình đang nhiễm HIV. Nhiều bệnh nhân tin rằng anh ta sẽ bị cả gia đình và cộng đồng xa lánh nếu ai đó phát hiện ra. Tất cả tạo lên những áp lực làm họ luôn trong tình trạng mệt mỏi, trầm cảm.

Nếu trầm cảm không được điều trị, nó sẽ không biến mất vĩnh viễn. Cảm xúc có thể giảm bớt, để bạn cảm thấy dễ chịu hơn, nhưng có khả năng bạn sẽ mắc một đợt trầm cảm khác trong tương lai. Các phương pháp điều trị tâm lý cho bệnh trầm cảm rất hiệu quả và có thể làm giảm nguy cơ tái phát bệnh trầm cảm. Nếu bạn nghĩ rằng bệnh nhân cần trợ giúp chuyên môn, bác sĩ tại cơ sở điều trị HIV sẽ có thể giúp đỡ. Các bác sĩ HIV đã rất quen với việc làm việc với những người đang bị trầm cảm. Nhiều phòng khám HIV lớn có đội ngũ chuyên gia sức khỏe tâm thần bao gồm bác sĩ tâm thần, nhà tâm lý học và tư vấn viên đồng đẳng. Tôi muốn nói rằng, đây là một căn bệnh đã được công nhận và có thể điều trị được, bằng 'liệu pháp nói chuyện' hoặc thuốc chống trầm cảm, hoặc cả hai.

 Tư vấn tại cộng đồng. Ảnh: Tống Nam

Chấp thuận

Ngay khi chấp nhận việc mình sống chung với HIV bao gồm việc xác định sống chung với HIV một cách bình thường, bệnh nhân có xu hướng chia sẻ kết quả của mình để tìm được sự chấp thuận từ người xung quanh. Đây quả là một quá trình đầy cảm xúc tích cực, nhưng cần lưu ý rằng để được chấp nhận có thể mất nhiều thời gian. Đối với một số người, đó là một vài tháng; đối với những người khác, có thể mất hàng năm trời hoặc hơn.

Khi tôi trò chuyện với Nguyễn Hoàng V (Bình Dương) – một bệnh nhân đã chia sẻ kết quả dương tính với người thân, V cho biết: “Em đã chia sẻ kết quả với người mà em tin tưởng nhất – mẹ em. Mẹ cũng rất bất ngờ, mẹ đã khóc nhưng mẹ chấp nhận và quan tâm em nhiều hơn. Với em, được sự quan tâm và chấp nhận của người thân là cực kì có ý nghĩa. Và nó thôi thúc em sống tốt hơn, phải điều trị và phải khỏe mạnh, vì em và vì mẹ của em”.

Không phải ai cũng may mắn như vậy, đặc biệt là vì cảm thấy đủ an toàn để tiết lộ tình trạng của mình. Tôi muốn những khách hàng của tôi hiểu rằng: “Bạn không thể rút lại lời sau khi nói với ai đó, vì vậy bạn phải thực sự sáng suốt về việc ai và tại sao bạn lại nói với ai đó”, giống như quảng cáo cho một bữa tiệc. “Một khi tờ rơi quảng cáo xuất hiện, mọi người đều biết, đặc biệt nếu chúng ta đang làm việc với mạng xã hội và internet”.

Một bệnh nhân của tôi đã phải chuyển chỗ ở vì chia sẻ tình trạng dương tính với một người không đáng tin, kết quả nguyên khu nhà trọ của anh ta đã biết, anh ta buộc phải rời đi do sự kì thị ngầm. Trường hợp của khách hàng khác cũng chia sẻ rằng sau khi nói với những người bạn mà họ cho là đáng tin cậy, những người đó đã biến mất khỏi cuộc sống của họ. Vì vậy, khi lựa chọn người để bạn chia sẻ, tâm sự về tình trạng bệnh của mình cần phải chọn một người mà bạn hoàn toàn tin tưởng.

Khi nói đến tình trạng bệnh của mình, một số bệnh nhân lựa chọn việc giữ điều đó làm bí mật cho riêng mình bởi họ sợ bị người thân, bạn bè xa lánh. Đây là lý do khiến việc tiếp cận với các dịch vụ sức khỏe tâm thần thích hợp là điều cần thiết. Nó giúp bảo đảm rằng bạn sẽ có người bênh vực và hỗ trợ bạn khi bạn vượt qua những thời khắc khó khăn.

Quan trọng hơn nữa, khi tiết lộ và tìm kiếm sự chấp nhận từ người khác, người ta không thể bảo đảm sẽ nhận được một phản ứng tích cực. Nhưng với một bác sĩ lâm sàng, nhân viên xã hội, các nhóm đồng đẳng được cấp phép phù hợp hoặc sự hỗ trợ từ tổ chức dịch vụ AIDS hoặc phòng khám cộng đồng, bạn được bảo đảm sẽ có nhiều lựa chọn thay thế hữu ích từ những người đã được đào tạo để đối phó với hoàn cảnh khó khăn và những người muốn giúp bạn trở lại cuộc sống của mình tốt nhất. Quan trọng nhất, nếu họ gây rối, tổ chức đó sẽ chịu trách nhiệm và tìm một người thậm chí còn tốt hơn để hỗ trợ bạn.

Nếu bạn đang sống chung với HIV và chưa bao giờ làm việc với chuyên gia chăm sóc tâm thần, hãy thử lên lịch thăm khám với nhân viên xã hội hoặc những người đồng đẳng giống bạn. Nếu bạn không, hãy thử gọi đường dây nóng miễn phí về HIV/AIDS để được trợ giúp tìm một tổ chức cộng đồng/phòng khám thân thiện với người sống chung với HIV ngay tại địa phương để trực tiếp giải quyết vấn đề sức khỏe tình dục và tâm thần. Bạn có thể không cảm thấy điều đó là cần thiết, nhưng tôi nghĩ tất cả chúng ta đều có thể có lợi khi nói chuyện với ai đó về cảm giác/cảm xúc của chúng ta, ngay cả khi nó chỉ để phản ánh chúng ta đã đi được bao xa khi sống chung với virus.
}
Top