Anh: Lật lại vụ bê bối làm 30.000 người bị truyền máu viêm gan C, nhiễm HIV

10/10/2022 14:51

(Chinhphu.vn) - Vụ bê bối truyền máu nhiễm HIV và viêm gan C khiến 30.000 người trở thành nạn nhân ở Anh đang trở thành tâm điểm trong thời gian gần đây. Cuộc điều tra công khai do ông Brian Langstaff, cựu thẩm phán tòa án tối cao, đang xem xét những gì đã thực sự xảy ra.

Anh: Lật lại vụ bê bối làm 30.000 người bị truyền máu viêm gan C, nhiễm HIV - Ảnh 1.

Vụ việc truyền máu nhiễm HIV, viêm gan C là thảm họa tồi tệ nhất trong lịch sử y tế nước Anh. Ảnh: The Guardian

Theo tờ Guardian, khoảng thời gian từ cuối thập niên 1970 đến đầu những năm 1980, đã có hàng nghìn bệnh nhân rối loạn đông máu ở Anh nhận hoặc mua máu nhiễm HIV và viêm gan C mà không hề hay biết.

Hậu quả là khoảng 30.000 người có thể đã mắc viêm gan C và khoảng 1.500 trường hợp nhiễm HIV, đến năm 2017 có khoảng 2.400 bệnh nhân đã tử vong. Đối với gia đình và bản thân các nạn nhân của vụ bê bối rung động lịch sử nước Anh này, 30 năm qua không chỉ là cuộc đấu tranh chống chọi với bệnh tật mà còn là cuộc đấu tranh vì công lý.

Trước đó, vào cuối tháng 9/2018, một cuộc điều tra độc lập về nguyên nhân hàng nghìn người bị truyền máu nhiễm độc đã được thực hiện. Ngài Brian Langstaff, Thẩm phán Tòa án Tối cao đã nghỉ hưu, cam kết sẽ hành động "không sợ hãi, không vụ lợi" trong việc bắt giữ những người chịu trách nhiệm và xem xét các cáo buộc về việc che đậy vụ án.

Rất nhiều nạn nhân cho biết họ không thể làm việc, không thể có con hoặc bị buộc phải phá thai và phải chịu áp lực rất lớn từ sự kỳ thị của xã hội với căn bệnh họ mắc phải. Nữ diễn viên Isla Blair phát biểu trong buổi tưởng niệm các nạn nhân: "Nó đã lấy đi ước mơ, hy vọng, phẩm giá, sự tỉnh táo, tương lai, thậm chí là gia đình và hôn nhân của hàng trăm người vô tội".

Cuộc điều tra do thủ tướng yêu cầu vào năm 2017 được cho là một trong những cuộc điều tra có quy mô lớn nhất trong lịch sử với sự tham gia của hơn 1.270 nạn nhân cùng thành viên gia đình và hơn 100.000 tài liệu được thu thập. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có những kết luận cụ thể cho vụ bê bối này, do đó một cuộc điều tra đầy đủ đang sắp diễn ra.

Theo dữ liệu từ cuộc điều tra, cho đến hiện tại con số bệnh nhân nhiễm HIV và viêm gan đã lên tới 7.500 người, gây ra khoảng 3.000 ca tử vong. Tuy nhiên, trong lời tuyên bố mở đầu của mình, ông Brian cho biết rằng quy mô của vụ bê bối có thể lớn hơn nhiều và rất nhiều người vẫn chưa biết cuộc sống của họ đang bị đe dọa. Ông cũng đề xuất đưa ra các phiên xét xử theo sau cuộc điều tra độc lập khi hứa rằng sẽ điều tra các cáo buộc về việc che đậy vụ án và bắt giữ những người chịu trách nhiệm có liên quan.

Họ cho biết mình gần như đã sống gần nửa cuộc đời dưới cái bóng của bệnh tật và kêu gọi cuộc điều tra được hoàn thành càng sớm càng tốt để những người còn sống có thể nhìn thấy phán quyết cuối cùng của tòa.

Ông Alan Burgess, 60 tuổi, một nạn nhân nhiễm cả HIV và viêm gan C cho biết: "Cuộc điều tra đến quá muộn. Chúng tôi đã chờ đợi quá lâu và rất nhiều người đã chết khi chúng tôi chờ đợi. Tôi vừa mất một người bạn chỉ vài tuần trước. Còn với tôi, tôi cũng không biết mình còn bao nhiêu thời gian nữa. Mỗi ngày tôi phải uống hàng tá thuốc để duy trì sự sống. Tôi chỉ hy vọng rằng mình còn sống đến ngày công lý được thi hành".

Một người đàn ông khác cho biết, ông bị truyền máu nhiễm độc khi 8 tuổi do bị sưng đầu gối và bị chẩn đoán nhầm với bệnh rối loạn đông máu. Mãi đến năm 43 tuổi ông mới biết rằng mình đã nhiễm viêm gan C do lần truyền máu đó. "Khi họ nói với tôi điều họ đã làm, tôi đã đứng trên một cây cầu cao tốc để nhảy xuống, thực ra nó đã trở thành cuộc sống của tôi kể từ đó. Tôi mất tất cả mọi thứ, tôi mất cả đời mình trong ngày tôi phát hiện ra điều đó. Mọi thứ đã chấm dứt", người đàn ông chia sẻ.

Những người khác thì nói rằng họ đã nhận giấy chẩn đoán nhiễm HIV qua bưu điện. Bà Michelle Tolley, hiện 53 tuổi, đã bị nhiễm bệnh do truyền máu sau khi sinh 2 đứa con, một đứa vào năm 1987 và một đứa khác vào năm 1991. Cuối cùng bà phát hiện ra mình nhiễm viêm gan C vào năm 2015. Trong một cuộc phỏng vấn về vụ án bà nói "Đây là thảm kịch tồi tệ nhất trong lịch sử y tế Anh và nó không bao giờ được phép xảy ra một lần nữa, tuyệt đối không bao giờ".

Một trong những nạn nhân nổi tiếng khác của thảm kịch này phải kể đến cậu bé Colin, cậu nhiễm HIV khi mới 3 tuổi rồi qua đời năm 1990 vì AIDS. Lúc ra đi cậu bé chưa tròn 8 tuổi, nặng vỏn vẹn 6 kg. Hơn 30 năm trôi qua, bố mẹ cậu bé vẫn luôn phẫn nộ khi nhớ lại những ngày chứng kiến con trai "sống trong địa ngục". Mẹ cậu bé, bà Janet Smith khẳng định giới chức nước nhà nhận thức rõ nguy cơ ngay từ đầu mà làm ngơ, bà cho biết "Đáng lẽ con tôi sẽ không bao giờ bị nhiễm độc".

Ông Brian nói rằng ông rất mong cuộc điều tra sớm tìm được câu trả lời, ông cho biết: "Cuộc điều tra càng dài, càng ít nạn nhân còn sống để nhìn thấy phán quyết của tòa". Ông cũng nói với các nạn nhân rằng quá trình điều tra "sẽ nhanh chóng hết sức trong khả năng cho phép" nhưng ông cũng phải thừa nhận rằng đây sẽ là "một nhiệm vụ khổng lồ".

Ông cho biết cuộc điều tra sẽ xem xét "liệu có thật sự có những cố ý che giấu chi tiết về chuyện đã xảy ra" qua việc hủy tài liệu và giấu kín thông tin. Cuộc điều tra đầy đủ sẽ được tiến hành vào tháng 4 năm tới và dự kiến sẽ kéo dài tối thiểu 15 tháng.

Thùy Chi (Theo Guardian)

Top