Áp dụng bệnh án điện tử HIV trực tuyến và ứng dụng hỗ trợ theo dõi, chăm sóc sức khoẻ
(Chinhphu.vn) - Việc áp dụng bệnh án điện tử HIV trực tuyến rất quan trọng để quản lý công tác điều trị HIV/AIDS, đây là một trong những biện pháp quan trọng trong việc quản lý nguồn lây, hạn chế việc lây nhiễm ra cộng đồng.
PGS.TS.BS Phạm Đức Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho biết, chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ giao cho các bộ ngành, đơn vị để xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý.
Bên cạnh đó, hiện Cục Phòng, chống HIV/AIDS cũng đang phối hợp với các Vụ, Cục chức năng của Bộ Y tế và một số Bộ, ngành khác, cùng với sự hỗ trợ của PATH và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ để xây dựng kế hoạch chuyển đổi số cho chương trình HIV/AIDS góp phần đạt mục tiêu kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030.
Theo PGS.TS.BS Phạm Đức Mạnh, TPHCM là đơn vị đi đầu cả nước về áp dụng chuyển đổi số, việc áp dụng bệnh án điện tử HIV trực tuyến rất quan trọng để quản lý công tác điều trị HIV/AIDS, đây là một trong những biện pháp quan trọng trong việc quản lý nguồn lây, hạn chế việc lây nhiễm ra cộng đồng.
Chia sẻ kinh nghiệm triển khai, áp dụng mô hình áp dụng bệnh án điện tử HIV trực tuyến, Ths. BS. Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM cho biết, thành phố luôn luôn nhận thức được là đơn vị đang quản lý số lượng người nhiễm và điều trị người nhiễm HIV/AIDS cao nhất cả nước.
Gánh nặng trong quản lý người bệnh lớn cùng với nhu cầu quản lý dữ liệu chất lượng tốt, đòi hỏi thành phố cần phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều trị HIV/AIDS. Đáp ứng với tình hình đó, từ năm 2013, ngành y tế thành phố đã xây dựng và triển khai hệ thống quản lý điều trị bệnh nhân HIV/AIDS, với tên gọi là eClinica, nhằm giúp các cơ sở y tế trong việc quản lý chăm sóc, điều trị và báo cáo người bệnh tại từng cơ ở khám và điều trị.
Tuy nhiên, theo Ths. BS. Lê Hồng Nga, cùng với sự gia tăng số lượng người nhiễm, nhu cầu theo dõi tình hình chuyển gửi giữa các cơ sở điều trị, cũng như các yêu cầu thay đổi trong biểu mẫu báo cáo, tăng tính chủ động của người bệnh đòi hỏi cần có một hệ thống bệnh án điện tử HIV trực tuyến và ứng dụng di động cho người bệnh nhằm hỗ trợ các yêu cầu trên một cách toàn diện hơn. Vì vậy, bệnh án điện tử HIV trực tuyến và ứng dụng hỗ trợ theo dõi, chăm sóc sức khỏe đã được phát triển, nâng cấp và triển khai.
Hiện nay, bệnh án điện tử HIV trực tuyến được sử dụng tại 32 cơ sở khám và điều trị HIV trên toàn thành phố. Bên cạnh đó, để có thể hỗ trợ người bệnh tốt hơn trong việc theo dõi và chăm sóc sức khỏe tốt hơn, ứng dụng iCare đã được phát triển và bắt đầu thí điểm từ tháng 7 năm 2023 tại 6 cơ sở khám và điều trị HIV với hơn 2500 người bệnh đã cài đặt và sử dụng.
Ứng dụng đã hỗ trợ người bệnh tuân thủ điều trị tốt hơn thông quan việc nhắc lịch khám, lịch uống thuốc. Đồng thời, người bệnh có thể biết kết quả xét nghiệm sau khi xét nghiệm, xem lại lịch sử các lần thăm khám, kết nối tư vấn trực tiếp với cán bộ y tế… rất nhanh chóng và thuận tiện.
Thùy Chi