Bảo đảm chế độ cho người cai nghiện ma túy

17/10/2022 15:22

(Chinhphu.vn) - Thông tư 62/2022/TT-BTC đã thể hiện chính sách nhân văn của Nhà nước, bảo đảm chế độ cho người cai nghiện ma túy cũng như góp phần triển khai có hiệu quả các quy định của Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).

Bảo đảm chế độ cho người cai nghiện ma túy - Ảnh 1.

Học viên tại các cơ sở cai nghiện ma túy công lập được hỗ trợ khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Bố trí kinh phí phù hợp để thực hiện tốt công tác cai nghiện và quản lý sau cai

Tỉnh Hà Giang hiện có 193 xã, phường, thị trấn, trong đó có 70 xã, phường, thị trấn có người nghiện ma tuý; số người nghiện ma tuý ngày càng trẻ hoá, tập trung chủ yếu trong độ tuổi lao động từ 18 đến 40 tuổi; hình thức sử dụng chủ yếu là tiêm chích, một số đã chuyển sang dùng ma tuý tổng hợp.

Theo đánh giá của Sở LĐTB&XH tỉnh Hà Giang, tình hình người sử dụng trái phép và nghiện ma túy trong những năm gần đây trên địa bàn Hà Giang hoạt động ngày càng tinh vi, không tập trung thành các tụ điểm, hoạt động chủ yếu trá hình bằng nhiều hình thức, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong công tác quản lý địa bàn và công tác đấu tranh, triệt phá.

Cùng với đó, việc tổ chức triển khai Luật Phòng, chống ma tuý năm 2021 và Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021 quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy, nhất là công tác cai nghiện tự nguyện tại gia đình và cộng đồng gặp khó khăn do chưa có hướng dẫn nội dung chi, mức chi cho các dịch vụ cung ứng làm công tác cai nghiện ma túy cai nguyện tự nguyện tại gia đình và cộng đồng nên chưa có cơ sở để triển khai.

Theo Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTB&XH), trong thời gian qua để tổ chức triển khai có hiệu quả các chính sách mới về cai nghiện và quản lý sau cai nghiện, trên cơ sở chỉ đạo của Bộ LĐTB&XH, các tỉnh, thành phố đã tổ chức đánh giá, thống kê số lượng người nghiện ma túy, nhu cầu thực tiễn của công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy trên địa bàn để xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn lực, ngân sách theo quy định của pháp luật để tổ chức, triển khai công tác cai nghiện, quản lý sau cai nghiện và thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người cai nghiện và sau cai nghiện ma túy.

Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố cũng chỉ đạo UBND cấp huyện bố trí ngân sách, đào tạo cán bộ, xây dựng hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng, cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy cho người tự nguyện cai nghiện tại gia đình, cộng đồng; chỉ đạo UBND cấp xã tổ chức cho người nghiện ma túy tự nguyện đăng ký cai nghiện, lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc, tổ chức quản lý, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng đối với người sau cai nghiện ma túy.

Đồng thời rà soát thực trạng cơ sở vật chất, cán bộ của các cơ sở cai nghiện ma túy công lập, đối chiếu với các quy định của Nghị định số 116/2021/NĐ-CP để xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, thực hiện các dự án, phương án tăng cường cơ sở vật chất; tuyển dụng, đào tạo nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ của các cơ sở cai nghiện ma túy công lập bảo đảm đủ điều kiện hoạt động cai nghiện ma túy của các cơ sở này theo quy định của pháp luật. Đào tạo, tập huấn về quy trình, thủ tục xác định tình trạng nghiện ma túy, quy trình cai nghiện ma túy cho đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ trực tiếp thực hiện công tác cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện ma túy công lập.

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện vẫn còn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc, trong đó có việc chưa có kinh phí thực hiện chính sách mới. Điều kiện hoạt động của cơ sở cai nghiện bắt buộc chưa bảo đảm, ngân sách bố trí hàng năm cho công tác cai nghiện thấp; chưa có các chính sách hỗ trợ, thu hút cán bộ làm công tác cai nghiện, quản lý sau cai nghiện ma túy…

Do đó, các bộ ngành liên quan cần cân đối, bố trí kinh phí phù hợp để thực hiện được các nhiệm vụ cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện được giao trong Chương trình phòng chống ma túy giai đoạn 2021-2025;  Bộ Tài chính sớm ban hành Thông tư về nội dung chi, mức chi và cơ chế tài chính cho công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy làm cơ sở cho các địa phương xây dựng dự toán ngân sách hàng năm.

Người cai nghiện ma túy được hỗ trợ học văn hóa, học nghề

Vừa qua, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 62/2022/TT-BTC quy định việc quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp từ ngân sách nhà nước thực hiện chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc; công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, cơ sở cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy.

Những quy định trong Thông tư sẽ tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc hiện nay trong công tác cai nghiện và quản lý sau cai của các địa phương khi triển khai các chính sách mới theo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).

Theo đó, thông tư quy định rõ mức chi thực hiện chế độ đối với người cai nghiện bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc (người cai nghiện bắt buộc) trong thời gian cai nghiện tại cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc.

Điển hình như chi học văn hóa cho người cai nghiện bắt buộc từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi gồm: Chi tiền công đối với những người tham gia giảng dạy văn hóa (bao gồm giáo viên thuộc biên chế của cơ sở giáo dục đào tạo công lập và những người ngoài biên chế có đủ tiêu chuẩn, năng lực giảng dạy); chi hỗ trợ học phẩm; chi tài liệu học tập, sách giáo khoa, văn phòng phẩm, thuê trang thiết bị dạy học và các khoản chi cần thiết khác (nếu có) phục vụ trực tiếp công tác dạy và học văn hóa cho đối tượng...

Bên cạnh đó, người cai nghiện bắt buộc chưa có nghề hoặc có nghề nhưng không phù hợp, có nhu cầu học nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng được hỗ trợ một lần chi phí học. Người cai nghiện bắt buộc được chi tiền điện, nước sinh hoạt (mức chi 100.000 đồng/người/tháng); chi tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, đọc sách, báo, xem truyền hình và các hoạt động vui chơi giải trí khác ngoài thời gian học tập và lao động tối thiểu (mức chi 100.000 đồng/người/năm)…

Thực tiễn cho thấy, các đối tượng nghiện ma túy phần lớn không có nghề nghiệp, không có thu nhập ổn định. Vì vậy, việc hỗ trợ của Nhà nước đã tạo điều kiện khuyến khích các đối tượng nghiện ma tuý đi cai nghiện.

Các quy định được ban hành sẽ giúp các địa phương có thêm nguồn lực cũng như căn cứ để đề xuất các giải pháp hỗ trợ, tiếp tục hoàn thiện các chính sách của các địa phương về cai nghiện ma túy trên cơ sở điều kiện thực tiễn của địa phương, qua đó giúp người nghiện ma túy cai nghiện thành công, tái hòa nhập cộng đồng.  

Hoàng Giang

Top