Bảo đảm tài chính cho ARV - Nâng cao uy tín quốc gia trong phòng, chống HIV/AIDS

28/09/2015 11:57

Đầu tư tài chính cho thuốc ARV điều trị HIV/AIDS không chỉ đem lại nhiều lợi ích cho người nhiễm HIV mà còn nâng cao uy tín quốc gia thông qua việc thực hiện các cam kết quốc tế trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.

 

Điều trị thuốc kháng ARV cho người nhiễm HIV/AIDS hiện là phương án hiệu quả nhất hiện nay - Ảnh minh họa

Cam kết trong cuộc chiến chống HIV/AIDS

HIV/AIDS là đại dịch nguy hiểm, là hiểm họa đối với tính mạng, sức khỏe con người và tác động trực tiếp đến sự phát triển bền vững của tất cả các quốc gia trên thế giới.

Năm 2000, ngăn chặn HIV/AIDS đã là một trong tám mục tiêu thiên niên kỉ được 189 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc nhất trí thông qua. Tại Hội nghị quốc tế về AIDS lần thứ 20 tổ chức tại Melbourne (Úc) cũng đã đưa ra mục tiêu toàn cầu là kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030.

Để đạt được mục tiêu đó, Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) đã đề ra mục tiêu đến năm 2020 là 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% người nhiễm HIV phải được điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV) và 90% người nhiễm HIV được điều trị ARV có tải lượng virus thấp dưới ngưỡng phát hiện.

Nhận thức được đây là mục tiêu hết sức khó khăn nhưng cũng hết sức ý nghĩa với tính mạng, sức khỏe người nhiễm HIV và với lợi ích của quốc gia và cộng đồng nên Chính phủ Việt Nam đã là nước đầu tiên khu vực châu Á – Thái Bình Dương cam kết thực hiện các mục tiêu để tiến tới kết thúc dịch HIV/AIDS vào năm 2030.

Thực trạng điều trị HIV/AIDS tại Việt Nam hiện nay

Đối với các mục tiêu và cam kết chính trị cần thực hiện, Việt Nam đã và đang thu được một số thành quả nhất định bằng việc xây dựng được mạng lưới phòng, chống HIV/AIDS rộng khắp từ trung ương đến địa phương, áp dụng hiệu quả các phương pháp hiện đại, tiên tiến, tăng độ bao phủ của các dịch vụ dự phòng và điều trị HIV/AIDS.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), mặc dù Việt Nam đã cơ bản kìm hãm được tốc độ gia tăng của đại dịch HIV/AIDS, số người nhiễm mới và số người chết vì AIDS hằng năm đã giảm xuống, nhưng vẫn còn 12.000 -14.000 người nhiễm mới mỗi năm và mới chỉ khoảng hơn 70% bệnh nhân HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình. Tính đến tháng 6/2015, mới chỉ có khoảng 40% số người nhiễm HIV được phát hiện đã được tiếp cận điều trị bằng thuốc ARV - phương án điều trị HIV/AIDS hiệu quả nhất hiện nay.

Nguy cơ HIV bùng phát trở lại vì bị cắt nguồn viện trợ

Những năm qua, có đến gần 80% kinh phí dành cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS và 95% kinh phí để mua thuốc kháng virus ARV từ các nguồn viện trợ quốc tế. Tuy nhiên, hai nhà tài trợ lớn là Chương trình cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về phòng, chống HIV/AIDS (PEPFAR) và Quỹ Toàn cầu (hiện hỗ trợ khoảng hơn 91.000 người điều trị ARV) đang giảm nhanh mức hỗ trợ. Thời điểm hiện tại không có tổ chức quốc tế nào có cam kết hỗ trợ thuốc ARV cho Việt Nam sau năm 2017.

Chi phí ước tính cho một bệnh nhân điều trị bằng ARV hiện chỉ khoảng 10.000 đồng/ngày. Tuy nhiên, đa số người nhiễm HIV điều trị ARV là người nghèo. Do vậy, hầu hết người nhiễm HIV sẽ không có khả năng chi trả tiền điều trị nếu nhà nước không có giải pháp hỗ trợ thuốc cho người nhiễm HIV/AIDS.

Theo TS. Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, thời gian tới, nếu Việt Nam không huy động đủ kinh phí ít nhất được như hiện tại, công tác phòng chống HIV/AIDS sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Cụ thể, các hoạt động xét nghiệm để phát hiện người nhiễm HIV sẽ không thể triển khai được, hàng trăm nghìn người nhiễm HIV sẽ không được điều trị, do đó số người nhiễm mới HIV trong cộng đồng sẽ tăng nhanh, dịch HIV/AIDS không còn ở mức độ tập trung vào một số nhóm nguy cơ cao như hiện nay, mà sẽ lan nhanh ra cộng đồng. Điều này khiến nguy cơ dịch HIV/AIDS bùng phát trở lại, gây tác động lớn đến sức khỏe, an ninh, trật tự và phát triển kinh tế, xã hội. Đây không phải là một viễn cảnh mà đã và đang xảy ra ở một số quốc gia không có sự đầu tư đầy đủ cho công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Trong những năm qua, Việt Nam đã được thế giới đánh giá rất cao về các cam kết chính trị cũng như là điểm sáng trong triển khai công tác phòng, chống HIV/AIDS. Vì vậy, trước thách thức kết thúc tài trợ quốc tế, chính phủ cần có kế hoạch bảo đảm tài chính cho thuốc ARV nhằm bảo vệ sức khỏe người nhiễm HIV, sự an toàn của cộng đồng, đồng thời giữ vững và nâng cao vị thế quốc gia trong các cam kết quốc tế.

Như vậy, việc chủ động phân bổ nguồn ngân sách nhà nước cho điều trị HIV/AIDS nói chung và điều trị ARV nói riêng là điều cấp thiết. Ngoài ra, cũng cần kêu gọi nguồn lực tài chính từ địa phương cùng chung tay với chính phủ trong công tác chi trả cho thuốc ARV trước mắt để bù đắp thiếu hụt cho nguồn thuốc do viện trợ quốc tế cắt giảm. Về lâu dài, việc bảo đảm tài chính thuốc ARV điều trị cho người nhiễm HIV cần được chính phủ xây dựng lộ trình với những giải pháp cụ thể.
Top