Bảo đảm việc cung ứng thuốc điều trị HIV/AIDS an toàn và hiệu quả

27/05/2021 11:48

(Chinhphu.vn) - Đối với những bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS, việc gián đoạn điều trị ARV trong bối cảnh dịch COVID-19 kéo dài có thể gây ra những hậu quả lâu dài nguy hiểm. Vì vậy cần sự quan tâm và tham gia ủng hộ của không chỉ các cơ quan quản lý chức năng, các tổ chức quốc tế về chuyên môn kỹ thuật và cả cộng đồng người nhiễm HIV/AIDS để bảo đảm việc cung ứng được an toàn và hiệu quả.

Bài 1: Những quan ngại thiếu hụt thuốc điều trị HIV trong bối cảnh dịch COVID-19

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng, COVID-19 là tác nhân chính làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng thuốc trong việc sản xuất, cũng như vận chuyển thuốc do các lệnh đóng cửa biên giới, cách ly xã hội. Tình trạng này khiến nhiều bệnh nhân HIV/AIDS lo ngại thiếu thuốc điều trị khi dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu.

 Nỗ lực đảm bảo thuốc cho bệnh nhân tiếp tục điều trị là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam.

Ảnh: Tống Nam

Phát thuốc 90 ngày để bảo đảm an toàn cho bệnh nhân HIV/AIDS

Để bảo đảm an toàn cho người nhiễm HIV trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tại Việt Nam, từ cuối tháng 3/2020, Bộ Y tế đã đề nghị các Bệnh viện, Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ sở điều trị HIV/AIDS trên địa bàn khẩn trương thực hiện điều trị kê đơn và cấp phát thuốc ARV tối đa 90 ngày sử dụng cho tất cả các phác đồ theo quy định của Bộ Y tế.

Đối với người điều trị thuốc ARV chưa ổn định, bác sĩ, y sĩ điều trị căn cứ vào tình trạng người bệnh, lượng thuốc tồn kho, thực hiện kê đơn, cấp phát với số lượng tối thiểu 60 ngày và tối đa 90 ngày sử dụng đồng thời tư vấn, hướng dẫn người bệnh liên lạc với cơ sở điều trị ngay khi có dấu hiệu bất thường. Khi dịch COVID-19 được công bố kết thúc tại Việt Nam, việc cấp phát thuốc ARV cho người bệnh HIV/AIDS tiếp tục được thực hiện theo quy định cũ.

Theo ghi nhận của phóng viên, tại Hà Nội và Hải Phòng, các bệnh nhân điều trị HIV/AIDS được nhận thuốc điều trị ARV theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế nhằm bảo vệ sức khỏe cho người nhiễm HIV trong bối cảnh dịch COVID-19. Do người nhiễm HIV bị suy giảm hệ thống miễn dịch nên ngành Y tế đã đưa ra hướng dẫn, quy định này để người nhiễm HIV không phải đến cơ sở điều trị nhận thuốc nhiều lần, hạn chế tiếp xúc để tránh bị nhiễm dịch COVID-19.

Chị Phạm Thị Huệ, Trưởng nhóm Hoa phượng đỏ - bệnh nhân HIV đang điều trị ARV cho biết, cứ 3 tháng 1 lần chị đến cơ sở và nhận thuốc điều trị đầy đủ cho 3 tháng. Việc này giúp cho chị hạn chế đi lại, tránh tiếp xúc với các bệnh nhân khác. Nếu có vấn đề về sức khỏe chị có thể liên hệ điện thoại để nghe tư vấn qua đường dây nóng. Hiện chị vẫn uống thuốc đều đặn, sức khỏe tốt. Tính đến thời điểm hiện tại, những người trong nhóm của chị cũng đều được nhận thuốc đầy đủ theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Tuy nhiên, theo phản ánh của một số bệnh nhân điều trị HIV tại Bình Dương, trong thời điểm tháng 4 và tháng 5 vừa rồi, tình trạng thiếu thuốc ARV xảy ra tại một số phòng khám ngoại trú, nguồn thuốc dự trữ theo BHYT đã hết, bệnh nhân phải tự mua tạm thời từ 1-2 tuần thuốc  bên ngoài để đợi nguồn thuốc mới về. Nhiều bệnh nhân tỏ ra lo ngại với sự bếp bênh trong việc cung cấp thuốc.

Điển hình là trường hợp của bệnh nhân Trà V.Q (OPC Thủ Dầu Một) cho biết: “Em thực sự lo ngại với việc mới bắt đầu chương trình điều trị được vài tháng, nhưng thời gian gần đây phát thuốc cầm chừng từ 1 tháng xuống còn nửa tháng, có khi 1 tuần, và giờ phải mua thuốc ngoài để uống đợi nguồn thuốc của Y tế”.

Một số trường hợp khác cũng phản ánh phải tìm kiếm mua thuốc từ các phòng khám tư nhân (với giá khoảng 30 ngàn/viên) để tiếp tục duy trì điều trị từ 1-2 tuần đợi thuốc về. Ngoài ra, việc phải liên tục đi nhận thuốc với mật độ ngắn hạn (1 tuần- 2 tuần tái khám một lần) làm nhiều bệnh nhân bị buộc phải nghỉ làm.

Không để bệnh nhân nào bị bỏ lại phía sau

Do tình trạng thiếu hụt nguồn thuốc trong bối cảnh dịch COVID-19,  ngành Y tế đã nhanh chóng đưa ra giải pháp sử dụng loại thuốc điều trị HIV mới để ứng phó với tình trạng thiếu thuốc. Việc cấp thuốc mới đã nhanh chóng được triển khai đồng bộ tại một số địa phương để bảo đảm thuốc cho bệnh nhân được điều trị liên tục.

BS Vương Thế Linh, Quản lý chương trình điều trị HIV, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Bình Dương cho biết: Nhằm bảo đảm kết quả công tác điều trị bền vững, Bộ Y tế và Sở Y tế Bình Dương đã thay đổi kế hoạch điều trị, chỉ đạo CDC Bình Dương nhanh chóng điều chuyển thuốc giữa các cơ sở để bảo đảm thuốc cho bệnh nhân. Tình trạng thiếu thuốc là tình trạng chung của cả quốc gia, và Bình Dương cũng nỗ lực để không có bệnh nhân nào bị bỏ lại phía sau.

“Hiện tại nếu cơ sở nào hết thuốc phác đồ TLE(Tenofovir 300mg, Lamivudine 300mg và Effavirenz 600mg) thì được chuyển toàn bộ sang TLD (Tenofovir (TDF) 300mg, Lamivudine (3TC) 300mg và Dolutegravir (DTG) 50mg). Và rất vui mừng rằng tất cả bệnh nhân đều đã được bảo đảm thuốc điều trị và ngăn chặn tình trạng gián đoạn thuốc”, BS Vương Thế Linh cho hay.

Còn tại TPHCM, nơi đang điều trị cho gần 6.000 bệnh nhân sống chung với HIV thì lại khả quan hơn. Bệnh nhân không phải tự đi mua thuốc, nhưng không được cấp phát thuốc 3 tháng 1 lần, mà chỉ được cấp phát thuốc 1 tháng 1 lần hoặc nửa tháng 1 lần. Bác sĩ Văn Hùng, Trưởng khoa Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Phòng chống bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, do dự trù và phân bổ thuốc tốt, nên TP HCM vẫn bảo đảm thuốc cho bệnh nhân. Ngoài ra, HCDC cũng bảo đảm điều chuyển thuốc giữa các cơ sở để tránh tình trạng thiếu thuốc, đứt thuốc. Tuy nhiên, BS Hùng cho biết, tình trạng nguồn thuốc cạn kiệt là tình trạng chung của cả nước, các bệnh nhân tuân thủ điều trị tốt trước kia được cấp thuốc 3 tháng 1 lần thì giờ cũng phải rút gọn xuống còn 1 tháng, thậm chí nửa tháng để bảo đảm phân bổ thuốc đồng đều cho các bệnh nhân.

Mặc dù Bộ Y tế đang nỗ lực để bảo đảm các kết quả trong công tác điều trị, tuy nhiên nhiều bệnh nhân HIV/AIDS do lo sợ thiếu thuốc trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên đã đặt mua thuốc tư nhân từ các phòng khám chuyên khoa HIV để dự trữ, bảo đảm việc điều trị không bị gián đoạn. Một bệnh nhân 40 tuổi tại TPHCM cho biết, anh đã chuẩn bị cho việc các đợt dịch COVID-19 sẽ bùng phát trong thời gian tới, và sẽ còn ảnh hưởng đến nguồn thuốc, chính vì vậy, a đã mua thuốc ARV có date sử dụng xa để dự trữ cho việc điều trị lâu dài của mình. Một trường hợp khác, do lo sợ thiếu thuốc nên bệnh nhân đã lên mạnh tìm mua nguồn thuốc ở trên mạng. Tuy nhiên, việc mua thuốc trên mạng internet từ nguồn thuốc không bảo đảm rất đáng lo ngại. Bởi nếu nguồn thuốc không bảo đảm thì thậm chí không chữa được bệnh mà còn làm ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân HIV/AIDS.

Hậu quả do gián đoạn điều trị trong bối cảnh COVID-19

Yếu tố quan trọng nhất quyết định tỷ lệ tử vong liên quan đến HIV trong bối cảnh COVID-19 là gián đoạn việc cung cấp thuốc điều trị ARV (ART). Một số nghiên cứu cho thấy, việc gián đoạn 3 tháng điều trị đối với 40% những người điều trị ARV có thể gây ra tỷ lệ tử vong tương đương với số người có thể dự phòng COVID-19 thông qua giãn cách xã hội. Nếu 60–90% số người đang điều trị ARV bị gián đoạn trong 9 tháng có thể khiến số ca tử vong do HIV vượt quá số ca tử vong do COVID-19 gây ra . Tuy nhiên, nếu việc cung cấp ARV được duy trì, bắt đầu điều trị mới, gia tăng điều trị dự phòng trước phơi nhiễm, thì ước tính tỷ lệ tử vong do HIV sẽ được giới hạn ở mức 7% trong vòng 5 năm.

Tỷ lệ xét nghiệm tại các cơ sở y tế cũng sụt giảm, số lượng nhóm nguy cơ tiếp cận với các phương án dự phòng như bao cao su, chất bôi trơn, bơm kim tiêm sạch hay điều trị dự phòng trước phơi nhiễm đều ghi nhận suy giảm do nhiều yếu tố từ khách quan đến chủ quan.

Gián đoạn thuốc cũng ảnh hương nghiêm trọng đến tỷ lệ tuân thủ điều trị. Khi tuân thủ điều trị, tải lượng virus HIV của một người giảm xuống mức không thể phát hiện được, giữ cho người đó khỏe mạnh và ngăn ngừa việc lây truyền virus về sau. Khi một người không thể điều trị bằng thuốc kháng virus thường xuyên, tải lượng virus sẽ tăng lên, ảnh hưởng đến sức khỏe của người đó, cuối cùng có thể dẫn đến tử vong. Ngay cả những gián đoạn điều trị tương đối ngắn hạn cũng có thể có tác động tiêu cực đáng kể đến sức khỏe và khả năng lây truyền HIV của một người.

Mặc dù tình hình dịch COVID-19 vẫn đang rất phức tạp, các lệnh giãn cách hoặc phong tỏa vẫn ưu tiên. Tuy nhiên, tỷ lệ nhiễm HIV mới tại Việt Nam lại không hề suy giảm, mà còn gia tăng mạnh mẽ, bao gồm cả HIV và đồng nhiễm STIs. Trong một báo cáo của Cục Phòng,chống HIV/AIDS (VAAC), Bình Dương có tỷ lệ nhiễm mới và bắt đầu điều trị mới thuộc top đầu Việt Nam, trong khi 2019 chỉ có 691 ca nhiễm mới, thì trong bối cảnh dịch COVID-19, tỷ lệ nhiễm mới đã tăng thêm 23%, đạt 871 ca. Việc gia tăng ca nhiễm mới cũng làm trầm trọng gánh nặng cung ứng thuốc cho các bệnh nhân mới điều trị và bệnh nhân điều trị lâu năm. Tuy nhiên, VAAC vẫn cam kết ưu tiên hàng đầu ở Việt Nam vẫn là bảo đảm điều trị ARV liên tục trong thời kỳ đại dịch.

Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc WHO cho biết : “Các quốc gia và các đối tác phát triển phải làm tất cả những gì có thể để bảo đảm rằng những người cần điều trị HIV tiếp tục được tiếp cận với thuốc ARV. Chúng ta không thể để đại dịch COVID-19 làm mất đi những thành quả đã đạt được trong phản ứng toàn cầu đối với căn bệnh này.

Cần làm gì để bảo đảm kết quả điều trị bền vững?

COVID-19 có nguy cơ làm trầm trọng thêm tình hình dịch HIV/AIDS nếu các quốc gia chỉ quan tâm tới việc phòng chống dịch COVID-19 mà không để ý đến việc phòng, chống HIV hoặc các bệnh lây truyền khác. WHO gần đây đã đưa ra hướng dẫn cụ thể cho các quốc gia về cách duy trì an toàn khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế thiết yếu trong thời kỳ đại dịch, bao gồm tất cả những người sống chung hoặc bị ảnh hưởng bởi HIV. Hướng dẫn này khuyến khích các quốc gia hạn chế sự gián đoạn trong việc tiếp cận điều trị HIV thông qua “cấp phát nhiều tháng”, một chính sách theo đó thuốc được kê trong thời gian dài hơn - lên đến 6 tháng. Đến nay, 129 quốc gia đã áp dụng chính sách này.

Các quốc gia cũng đang giảm thiểu tác động của sự gián đoạn việc cung ứng thuốc cho bệnh nhân bằng cách nỗ lực duy trì các chuyến bay và chuỗi cung ứng, thu hút cộng đồng cùng tham gia ứng phó với tình trạng thuốc khan hiếm và làm việc với các nhà sản xuất để bảo đảm việc đấu thầu và đàm phán giá được nhanh chóng.

Chuyển đổi phác đồ điều trị sang các loại thuốc điều trị HIV khác cũng là phương án dự phòng những rủi ro trong việc gián đoạn nguồn thuốc. Nhiều tỉnh thành đã chuyển đổi phác độ điều trị TLE phổ biến sang phác đồ điều trị mới TLD để bảo đảm bệnh nhân tiếp tục được duy trì điều trị, giảm thiếu tối đa tình trạng bỏ trị, mất dấu hay tử vong.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực phòng chống HIV/AIDS cho rằng, các nhà chức trách cần tập hợp tất cả các bên liên quan để có được những hiểu biết sâu sắc, nắm bắt tình hình thực tế cũng như lập bản đồ về tác động tiềm tàng của COVID-19 đối với nguồn cung cấp thuốc ở Việt Nam. Bằng cách này, chính phủ sẽ nhanh chóng có phương án dự phòng thuốc hiệu quả.

Ngoài ra, các tổ chức cộng đồng cũng là yếu tố then chốt để có thể nhanh chóng hỗ trợ bệnh nhân. Đặc biệt tại Việt Nam, với mạng lưới các cá nhân, tổ chức rải khắp các tỉnh thành thì việc phản ứng nhanh với các trường hợp thiếu thuốc/mất thuốc hoặc những ảnh hưởng khác đều được các tổ chức cộng đồng hỗ trợ. Bên cạnh đó, việc phối hợp chặt chẽ giữa cơ sở y tế nhà nước và cộng đồng được cho là sẽ lấp đầy khoảng trống trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.

Một lần nữa chúng ta nhấn mạnh sự cần thiết của những nỗ lực khẩn cấp để bảo đảm tính liên tục của các dịch vụ dự phòng và điều trị HIV nhằm ngăn chặn tử vong do HIV cũng như ngăn chặn sự gia tăng tỷ lệ nhiễm HIV mới trong đại dịch COVID-19. Điều quan trọng là phải ưu tiên đẩy mạnh chuỗi cung ứng và bảo đảm rằng những người đã được điều trị có thể tiếp tục điều trị bền vững, lâu dài.

* Bài 2: Giải quyết tình trạng thiếu hụt thuốc ARV trong bối cảnh dịch COVID

 

}
Top