Báo động tình trạng người dân trồng cây chứa chất ma túy

10/05/2021 17:02

Thời gian gần đây, tại nhiều địa phương, các lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện tình trạng người dân trồng cây có chứa chất ma túy (cây thuốc phiện, cây cần sa). Đáng chú ý tình trạng không chỉ diễn ra ở địa bàn biên giới hẻo lánh mà còn ở các tỉnh, thành phố nội địa.

 Số cần sa được trồng trong rẫy nhà ông Năm

Mặc dù lực lượng chức năng tỉnh Đắk Lắk đã đưa ra khuyến cáo người dân tuyệt đối không được trồng các loại cây có chứa chất ma túy như cây cần sa để phục vụ bất cứ mục đích gì. Trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, thời gian qua trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, cơ quan chức năng liên tục phát hiện nhiều đối tượng trồng cây cần sa trái phép. 

Mới đây nhất, ngày 10/5, Công an huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk cho biết đang tiếp tục mở rộng điều tra để xử lý cặp vợ chồng trồng gần 500 cây cần sa trái phép.

Theo thông tin điều tra, trước đó, một Tổ công tác Công an huyện Krông Năng phối hợp cùng Công an xã Ea Tân tiến hành kiểm tra khu vực rẫy cà phê của gia đình ông Mai Năm (SN 1968, trú tại thôn Quyết Tâm, xã Ea Tân) thì phát hiện, bắt quả tang tại rẫy của gia đình trồng 275 cây cần sa tươi, có chiều cao từ 15 đến 20cm và 54 gốc cần sa khô.

Qua làm việc, vợ chồng ông Mai Năm khai nhận, trong một lần đi xe khách, có một người “lạ mặt” cho một ít hạt giống cây cần sa về trồng với mục đích “chữa bệnh cho gà”. Sau khi đưa số giống này về trồng được khoảng 3 tháng, vợ chồng ông Mai Năm đã thu hoạch phơi khô, lấy hạt giống ươm được khoảng 300 cây con tiếp tục mang đi trồng.

Ngoài ra, quá trình làm việc, lực lượng Công an còn thu giữ 10,6kg cây cần sa khô, 2 lọ thuỷ tinh đựng hạt hoa cần sa có trọng lượng hơn 1kg được cất giấu ở nhà hàng xóm. Theo ông Năm, đây là số cần sa vợ chồng ông sợ bị lực lượng Công an phát hiện nên đã mang sang nhà hàng xóm cất giấu.

Hay như ngày 3/4, Phòng CSĐT tội phạm về ma túy (Công an tỉnh Đắk Lắk ) phát hiện trong rẫy của một hộ dân ở buôn Kô Tam, xã Ea Tu, TP.Buôn Ma Thuột đang trồng 410 cây cần sa. Để tránh bị phát hiện, các đối tượng đã xây tường rào cao bao bọc xung quanh rẫy… Đáng nói, trong các khu rẫy, có cả khu vườn ươm với hệ thống đèn Led chiếu tia cực tím đắt tiền để chăm sóc cho cây cần sa phát triển tốt.

 Trang bị hệ thống đèn Led chiếu tia cực tím đắt tiền để chăm cây cần sa

Tại một số xã của thị xã Sa Pa (Lào Cai), trong 3 tháng đầu năm 2021, lực lượng công an cơ sở liên tục phát hiện tình trạng người dân (chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông) lén lút trồng cây thuốc phiện trên các nương ruộng thành từng luống như rau ăn. Khi bị phát hiện, phá nhổ họ đều khai nhận do bị ảnh hưởng dịch COVID-19, kinh tế khó khăn nên trồng cây thuốc phiện bán cho khách du lịch để tăng nhu nhập, cải thiện kinh tế gia đình.

Trong khi đó, trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng đã xuất hiện một số trường hợp trồng cây thuốc phiện (hay còn gọi là cây anh túc), hoặc trồng "nấm thức thần" trái phép tại nhà. Điển hình như ngày 21/3, qua công tác tuần tra, kiểm soát tình hình địa bàn, Công an quận Bắc Từ Liêm phát hiện tại nhà ông Đặng Trần Thành, SN 1969, HKTT tại tổ dân phố Thượng 1, phường Tây Tựu, Bắc Từ Liêm, Hà Nội có nhiều cây thuốc phiện được trồng tại vườn.

Tại thời điểm phát hiện, lực lượng chức năng kiểm đếm có 365 cây thuốc phiện cao gần 1m, nở hoa và một số cây đã có quả nhỏ tương đương bằng quả quất. Tại trụ sở Công an quận, ông Thành khai nhận, do bản thân có bệnh lâu năm không khỏi, được một số người thông tin là cây anh túc ngâm rượu có thể chữa bệnh nên đã đặt mua giống cây anh túc trên mạng xã hội về trồng ngay tại vườn nhà.

Trước thực trạng trên, lực lượng chức năng Công an thành phố Hà Nội cũng đã đưa ra cảnh báo về những trường hợp cố tình trồng cây thuốc phiện, "nấm thức thần" hay các loại cây có chất ma tuý dưới mọi hình thức sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Công an Hà Nội đề nghị người dân không trồng cây chứa chất ma tuý, tham gia sản xuất ma tuý dưới mọi hình thức. Khi phát hiện có đối tượng trồng cây có chứa chất ma túy phải báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất biết để xử lý kịp thời. Những trường hợp cố tình vi phạm hoặc bao che, không tố giác đều bị xử lý nghiêm.

Đối với Công an các quận, huyện, thị xã, cần làm tốt công tác phòng ngừa xã hội; tăng cường các hoạt động tuyên truyền phòng chống ma tuý trên địa bàn, đặc biệt là hiện tượng trồng cây có chứa chất ma tuý trái phép, nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về hiểm hoạ, tác hại của tệ nạn ma tuý để người dân tự phòng ngừa, phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia phòng chống tội phạm, góp phần ngăn chặn, kiềm chế, tiến tới làm giảm tội phạm về ma tuý.

Theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm ma túy, tình trạng người dân trồng, sử dụng cây có chất ma túy đang gia tăng và có dấu hiệu diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phố như: TP.Hà Nội, tỉnh Bắc Giang, Đắk Nông, Đắk Lắk... Thủ đoạn phổ biến là trồng tại nhà riêng, vườn nhà hoặc trồng đan xen với cây công nghiệp, nông nghiệp... để ngâm rượu, chữa bệnh hoặc sử dụng vào mục đích khác. Thậm chí, lực lượng chức năng còn phát hiện cả những vườn ươm cần sa được đối tượng trang bị hệ thống tưới tiêu, đèn LED đắt tiền.

Hầu hết trong các vụ việc trên, người dân chỉ bị xử lý hành chính (do chưa đến mức xử lý hình sự) nên hiệu quả răn đe thấp, dẫn đến tình trạng trồng cây chứa chất ma túy vẫn có nguy cơ diễn ra tại nhiều địa phương, không kể ở khu vực nông thôn, miền núi hay thành thị.

Cùng với việc một số đối tượng cố ý trồng cây thuốc phiện để kiếm lời; không ít trường hợp người dân trồng cây thuốc phiện do thiếu hiểu biết pháp luật, hoặc khi bị phát hiện thì viện lý do đời sống khó khăn, phải tìm kế sinh nhai khiến cơ quan chức năng gặp nhiều lúng túng trong xử lý, chủ yếu là nhắc nhở hoặc xử phạt vi phạm hành chính dẫn đến hiệu quả răn đe không cao. Vì vậy, nếu không phát hiện, ngăn chặn kịp thời thì tình trạng trồng, sử dụng sản phẩm từ cây có chứa chất ma túy sẽ có nguy cơ lan rộng, bị tội phạm lợi dụng vào hoạt động sản xuất ma túy trái phép gây phức tạp về ANTT.

Bên cạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính và công an cơ sở (nhất là công an cấp xã) tăng cường công tác quản lý hành chính, rà soát nắm chắc nhân hộ khẩu đề phòng ngừa, phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm các đối tượng trồng, chế biến, sử dụng trái phép sản phẩm từ cây có chứa chất ma túy. Chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện những đối tượng có nghi vấn liên quan đến tội phạm, vi phạm pháp luật về ma túy, đặc biệt là việc rao bán hạt giống, hướng dẫn phương thức, cách trồng cây có chứa chất ma túy trên mạng internet (qua các mạng xã hội Zalo, Facebook, Instagram…) để có biện pháp đấu tranh, ngăn chặn.

Ngoài ra, hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới, một số nước trong khu vực Đông Nam Á có chủ trương hợp pháp việc hóa trồng, sử dụng cần sa nhằm tạo sức hút cho các ngành du lịch, dịch vụ để phát triển kinh tế trong bối cảnh bị ảnh hưởng nặng nề cua dịch COVID-19. Do đó, các cơ quan chức năng của Việt Nam, nhất là lực lượng Công an cần nắm chắc tình hình để tham mưu Chính phủ chủ động có các giải pháp đối phó nhằm thực hiện nhất quán quan điểm “không hợp pháp hóa các chất ma túy” được nêu tại Chỉ thị 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị; đồng thời chủ động phòng ngừa, ngăn chặn những ảnh hưởng, tác động tiêu cực của chủ trương trên đối với công tác phòng, chống ma túy.

Điều 247 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về " Tội trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy" cụ thể như sau:

1. Người nào trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định  thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã được giáo dục 02 lần và đã được tạo điều kiện ổn định cuộc sống;

b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Với số lượng từ 500 cây đến dưới 3.000 cây.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Với số lượng 3.000 cây trở lên;

c) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

4. Người nào phạm tội thuộc khoản 1 Điều này, nhưng đã tự nguyện phá bỏ, giao nộp cho cơ quan chức năng có thẩm quyền trước khi thu hoạch, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.

Top