Báo động tình trạng thanh thiếu niên phạm tội gia tăng

19/07/2022 15:02

(Chinhphu.vn) - Hiện nay, tình trạng thanh thiếu niên phạm tội đang có chiều hướng gia tăng cả về số vụ và mức độ phạm tội. Đa số các đối tượng vi phạm pháp luật đều bỏ học sớm, thiếu sự quản lý của gia đình, dính vào ma túy, thực hiện các hành vi đua xe trái phép, trộm cắp, gây mất trật tự xã hội.

Báo động tình trạng thanh thiếu niên phạm tội gia tăng - Ảnh 1.

Công an Hà Nội vây bắt hơn 40 đối tượng tụ tập đua xe trái phép vào ngày 21/11/2021. Ảnh: Công an TP Hà Nội

Gia tăng những vụ án nghiêm trọng

Ngày 29/1/2022, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an thành phố Hà Nội) đã khởi tố 16 đối tượng về hành vi đua xe, lạng lách đánh võng gây mất trật tự công cộng. Các quyết định khởi tố đã được Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội phê chuẩn.

Nhóm đua này phóng với tốc độ 80-90km/h trên đường phố, rú ga, bấm còi inh ỏi, lạng lách, đánh võng gây nguy hiểm cho người đi đường và mất trật tự công cộng. Thấy lực lượng chức năng truy bắt thì các đối tượng tìm cách bỏ chạy. Khi đến ngã tư Trần Hưng Đạo - Phan Huy Chú (quận Hoàn Kiếm) thì các đối tượng đã bị bắt giữ.

Tiếp đó, ngày 10/3, Công an Hà Nội đã chỉ đạo lực lượng cảnh sát hình sự tiến hành lăn tay, chụp hình, lập hồ sơ gần 100 thanh thiếu niên phóng xe máy náo loạn đường phố Hà Nội. Những thanh thiếu niên này đều không có giấy phép lái xe, đi xe máy không biển số, chạy thành hàng, lạng lách. Quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện các đối tượng mang theo vũ khí thô sơ, bình khí cười... Nhiều vụ việc đã gây ra những cái chết thương tâm cho người tham gia giao thông.

Không chỉ tổ chức đua xe, cổ vũ đua xe trái phép gây náo loạn đường phố, các đối tượng thanh thiếu niên còn tụ thành các nhóm hàng chục đối tượng mang theo dao kiếm, tuýp sắt gắn dao bầu đi thanh toán lẫn nhau, gây ra những vụ "hỗn chiến" kinh hoàng trên đường phố.

Cũng trong thời gian qua, Cơ quan điều tra của Công an TP Hà Nội và các quận, huyện cũng bắt giữ nhiều đối tượng gây ra các vụ án giết người, cướp giật tài sản rất manh động như vụ cướp ngân hàng ở phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm; vụ cướp giật tài sản xảy ra sáng 22/2/2022 tại Đường 19/5 (phường Văn Quán, quận Hà Đông); vụ 4 đối tượng dùng hung khí cướp xe máy của nữ công nhân môi trường gây xôn xao, bức xúc trong dư luận xã hội. Các đối tượng gây án tuổi đời rất trẻ, mới 18-20 tuổi, để có tiền ăn chơi đã rủ nhau mang kiếm đi cướp tài sản.

Không chỉ riêng Hà Nội, số thanh thiếu niên phạm tội ở nhiều tỉnh thành trên cả nước cũng ngày càng gia tăng. Đơn cử như ngày 12/3 vừa qua, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hồ Chí Minh đã tạm giữ 7 thiếu niên có tuổi đời còn rất trẻ (trong đó có cả học sinh) trong băng nhóm gây ra hàng loạt vụ cướp giật tài sản táo tợn trên địa bàn. Cầm đầu băng cướp "nhí" này là đối tượng Nguyễn Văn Tâm, 17 tuổi, quê ở tỉnh Bình Phước.

Báo động tình trạng thanh thiếu niên phạm tội gia tăng - Ảnh 2.

Nhóm cướp "nhí" do Nguyễn Văn Tâm 17 tuổi cầm đầu đã bị bắt giữ sau 24 giờ gây án. Ảnh: Công an TPHCM cung cấp

Theo cơ quan công an, từ tháng 1/2022 đến khi bị bắt, Tâm cùng đồng bọn đã thực hiện khoảng 20 vụ cướp giật tài sản của người đi đường. Nhóm này sau khi bàn bạc, sẽ chạy xe máy rảo quanh trên các tuyến đường ít người qua lại, tìm người có tài sản để đeo bám, sau đó áp sát, cướp tài sản. Trong nhiều trường hợp, nhóm này còn sử dụng hung khí như dao, bình xịt hơi cay và vật giống súng uy hiếp nạn nhân để cướp điện thoại, túi xách, nữ trang... Tài sản cướp giật được sẽ mang đi bán, lấy tiền chia nhau tiêu xài.

Đặc biệt là gần đây cũng gia tăng tình trạng thanh thiếu niên tụ tập sử dụng ma túy trái phép. Vào ngày 17/3/2022, tại phòng 701, Khách sạn Cánh Diều, phường Phương Lâm, Công an TP Hòa Bình phát hiện, bắt quả tang 4 đối tượng, gồm: Lê Thị V. (SN 2002), trú tại phường Quỳnh Lâm; Vũ Mạnh C. (SN 1992), Nguyễn Gia L. (SN 1993), Đinh Khánh H. (SN 2007) cùng trú tại phường Tân Thịnh tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Qua đấu tranh khai thác, Công an TP Hòa Bình ra quyết định giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Nguyễn Văn H. (SN 1994), trú tại xã Yên Bồng (Lạc Thủy) về hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; tạm giữ hình sự đối với các đối tượng V., C., L., H. (trong đó H. chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự) để xử lý theo pháp luật.

Tiếp đến, ngày 2/5, tại phòng hát số 202, quán karaoke Luxury thuộc xã Hòa Sơn (Lương Sơn), Công an huyện đã phát hiện, bắt quả tang 4 đối tượng, sinh từ năm 2004 - 2006 tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Đáng nói, chính tại địa điểm này đã từng xảy ra vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng làm 3 người chết, 5 người bị thương sau khi hung thủ sử dụng ma túy bị ảo giác dùng dao đâm bạn hát. Trước đó, ngày 18/1, tại xã Phú Nghĩa, Công an huyện Lạc Thủy đã bắt quả tang 13 đối tượng gồm 7 nam, 6 nữ sử dụng trái phép chất ma túy do Trần Đức H. (SN 1999), trú tại xã Phú Nghĩa cầm đầu, thu giữ 0,67 gram Ketamine. Đáng nói, trong số các đối tượng bị bắt giữ có nhiều đối tượng trong độ tuổi thanh thiếu niên.

Hồi chuông cảnh báo về tình trạng phạm tội trong thanh thiếu niên

Theo thống kê của Bộ Công an, từ năm 2018 đến quý I/2021, cả nước ghi nhận hơn 10.000 vụ người chưa thành niên vi phạm pháp luật, với 16.000 đối tượng có liên quan. Trong đó, nữ giới chiếm 5%, nam giới chiếm đến 95%.

Trung tá Bùi Tiến Nam, Phó trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy tỉnh Hòa Bình chia sẻ: Qua thực tế đấu tranh, bắt giữ, xử lý tội phạm về ma túy từ đầu năm 2022 đến nay, nhiều đối tượng tham gia và liên quan còn trong độ tuổi vị thành niên. Không chỉ bị bắt giữ về hành vi sử dụng trái phép, nhiều đối tượng bị lực lượng chức năng bắt giữ về hành vi mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy. Điều này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng phạm tội ma túy trong thanh thiếu niên cũng như xu thế trẻ hóa tội phạm về ma túy.

Theo đồng chí Nguyễn Thị Linh Ngọc, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Hòa Bình, tình trạng gia tăng số người nghiện ma túy, nhất là người nghiện trong thanh thiếu niên chính là sự cảnh báo nghiêm túc về lối sống thiếu lành mạnh trong giới trẻ. Vấn đề này tiềm ẩn và gây ra những hệ lụy rất lớn đối với đời sống xã hội nếu không có giải pháp kịp thời, đồng bộ để ứng phó, giải quyết một cách hiệu quả.

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ, luật sư Hoàng Đình Giáp (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng: Pháp luật hình sự Việt Nam hiện hành đã có quy định rất cụ thể về việc người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định cụ thể tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật Hình sự; còn người từ đủ 16 tuổi trở lên thì phải chịu trách nhiệm hình sự đối với mọi loại tội phạm.

Tuy nhiên trên thực tế cho thấy, rất nhiều thanh, thiếu niên không biết được việc làm sai trái của mình có thể bị pháp luật xử lý. Nhiều em bị dụ dỗ phạm tội hay gián tiếp phạm tội mà không biết mình đã vi phạm pháp luật. Theo luật sư Hoàng Đình Giáp, sở dĩ điều này, một phần là do nhận thức còn hạn chế của thanh thiếu niên về các quy định pháp luật, một phần do định hướng của gia đình, nhà trường, xã hội đối với lứa tuổi thanh, thiếu niên chưa đạt được hiệu quả. Số trẻ em vi phạm pháp luật thường sống trong môi trường thiếu lành mạnh, bố mẹ không quan tâm, có những trẻ có hoàn cảnh đáng thương (như bố mẹ ly hôn; bố mẹ đang chấp hành án phạt tù; bố hoặc mẹ đã chết, các em phải sống với ông, bà, người thân hoặc sống lang thang... bị tổn thương về tâm lý do tự ti, mặc cảm; thiếu thốn tình cảm, thiếu điều kiện học tập, vui chơi; thiếu quản lý, giáo dục), từ đó nhiều thanh thiếu niên phát triển theo chiều hướng lệch lạc và tạo nên hành vi nổi loạn, bất cần, hay bị lôi kéo bởi các đối tượng xấu…

Theo chuyên gia tâm lý Lê Thị Thu Hương, Phó giám đốc Trung tâm Ứng dụng kỹ năng sống Thời Đại, tình trạng để trẻ phạm tội thì trách nhiệm thuộc về gia đình, nhà trường và xã hội. Cụ thể là các đoàn thể, tổ chức giáo dục phải có trách nhiệm nhiều hơn trong việc định hướng lối sống, văn hóa, đạo đức cũng như nâng cao ý thức pháp luật cho thanh thiếu niên. Gia đình phải là nơi nương tựa, chốn trở về và nơi để con trẻ gửi gắm niềm tin khi sa cơ lỡ bước. Muốn làm được điều đó thì người lớn phải gương mẫu, phải là chỗ dựa tinh thần của con cái.

Chuyên gia tâm lý, ThS Hà Văn Phúc, Giám đốc Công ty Đào tạo và phát triển giáo dục V.LIFE, phân tích, người dưới 18 tuổi được xác định là người chưa thành niên, là người chưa phát triển đầy đủ về nhân cách và đạo đức. Đây là độ tuổi phát triển nhanh chóng về thể chất nhưng về tâm sinh lý có những bất ổn, thậm chí nổi loạn, thiếu hụt các kỹ năng sống như kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng quản lý cảm xúc… khiến trẻ vị thành niên dễ thực hiện những hành vi có tính chất bộc phát, thiếu sự điều khiển của lý trí và có thể dẫn đến hành vi phạm tội.

Ngoài ra, do tác động của mặt trái kinh tế thị trường; lối sống hưởng thụ, thực dụng đã và đang tồn tại ở một bộ phận thanh, thiếu niên hiện nay cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hành vi phạm tội trong thanh, thiếu niên.

Luật sư Hoàng Đình Giáp kiến nghị, về phía các cơ quan chức năng, cần xây dựng các chuyên đề để tìm kiếm những giải pháp đấu tranh, phòng ngừa gia tăng xu hướng trẻ hóa tội phạm một cách phù hợp. Trong đó, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, cũng như tinh thần thượng tôn pháp luật đến đối tượng thanh thiếu niên. Bên cạnh đó chú trọng xây dựng các mô hình phòng ngừa, quản lý, giáo dục người chưa thành niên vi phạm pháp luật dựa vào cộng đồng; quản lý, cảm hóa người chưa thành niên có quá khứ vi phạm pháp luật đang sinh sống tại địa bàn, khu dân cư... thông qua những mô hình như: Phụ nữ với pháp luật, Tổ tự quản về an ninh trật tự... 

Đồng thời, các cơ quan chức năng cần tiếp tục hoàn thiện luật pháp, chính sách về tư pháp đối với người dưới 18 tuổi, đặc biệt là nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật Tư pháp người dưới 18 tuổi toàn diện; sửa đổi Bộ luật Hình sự năm 2015 theo hướng tăng cơ hội áp dụng hình phạt khác ngoài hình phạt tù cho người dưới 18 tuổi phạm tội. 

Đối với công tác xử lý các vi phạm của người dưới 18 tuổi, cần tăng cường áp dụng các biện pháp giáo dục, đặc biệt từng bước tăng cường sự đa dạng và chất lượng của chương trình giáo dục, phục hồi tại cộng đồng với sự tham gia chủ động, tích cực của gia đình, nhà trường, cộng đồng...

Về phía gia đình và xã hội, cần quan tâm đến tâm lý lứa tuổi, có biện pháp giáo dục phù hợp để tạo sự gần gũi, chia sẻ từ phía các em đến gia đình.

Giang Oanh

Top