Bạo lực gia đình với LGBT: Cha mẹ, con cái đều là nạn nhân
Ở xã hội Việt Nam, các giá trị gia đình được đề cao đồng thời với sự phục tùng ý muốn của người bố mẹ. Với nhiều bố mẹ thì cố gắng ngăn cản con cái “không còn là” đồng tính, song tính, chuyển giới (LGBT) nữa được coi là sự yêu thương dành cho con cái. Từ đó, những áp lực từ bố mẹ được chuyển hóa thành bạo lực lên con cái. Nói cách khác, bố mẹ người đồng tính cũng trở thành nạn nhân của sự kỳ thị đồng tính.
Trong nghiên cứu “Có phải bởi vì tôi là LGBT” (Viện Nghiên cứu kinh tế, xã hội và môi trường iSee), 2.363 người trên 63 tỉnh thành Việt Nam đã trả lời hoàn thiện bảng hỏi trực tuyến, cùng với 10 cuộc phỏng vấn sâu cá nhân, 2 cuộc thảo luận nhóm với tổng cộng 8 người lựa chọn ngẫu nhiên từ những người đã trả lời bảng hỏi trực tuyến về những trải nghiệm phân biệt đối xử, quấy rối và bạo lực bởi vì xu hướng tính dục và bản dạng giới của họ.
![]() |
Ảnh minh họa |
Kết quả cho thấy, gia đình là một trong những môi trường xảy ra nhiều sự phân biệt đối xử với người LGBT nhất.
Cụ thể, ép buộc thay đổi ngoại hình, cử chỉ (62,9%) và la mắng, gây áp lực (60,2%) là các hành vi phổ biến nhất mà người LGBT gặp phải trong gia đình của mình. Các hành vi bạo lực như bị nhốt, cầm giữ, ép buộc hay gợi ý rời khỏi gia đình, bị đánh đập chiếm khoảng 13-14% tổng số người tham gia khảo sát.
Các hành vi phân biệt đối xử chủ yếu hướng tới việc ngăn thông tin về thành viên gia đình là LGBT bị tiết lộ ra ngoài, cố gắng thay đổi xu hướng tính dục và bản dạng giới của người LGBT bằng các biện pháp y học, tâm linh hay lối sinh hoạt và ngăn cản các mối quan hệ tình cảm của họ. 1/5 trong số người LGBT bị ép buộc đi bác sĩ, 1/4 bị ép kết hôn với người họ không mong muốn. Nhóm chuyển giới có tỷ lệ trải nghiệm cao hơn ở tất cả các hành vi phân biệt đối xử so với nhóm đồng tính và song tính, đặc biệt liên quan tới việc ép buộc đi bác sĩ, ép buộc thay đổi ngoại hình, cử chỉ.
Các hành vi phân biệt đối xử khác mà người tham gia khảo sát báo cáo còn có: bị soi mói từ phía họ hàng, bị hàng xóm lấy ra làm ví dụ để răn đe con cái họ, cấm đi học và chơi với tất cả bạn bè, tạo sức ép lên công việc, đe dọa sẽ tới trường học và nơi làm việc nếu còn tiếp tục yêu người cùng giới...
“Nói chung bữa đó tưng bừng hoa lá luôn, đấm đá rồi dao rựa. Ông lấy cây kiếm ông ra nói: “Một là mày chết hai là tao chết, mày chọn đi.” Vậy bây giờ chấp nhận theo ba mẹ thôi chứ biết sao. Mình thì vẫn quen trong kín đáo thôi. Rồi ông bà cứ luôn thúc giục lập gia đình, lấy vợ, có con. Đem cuốn sách gì về, “Tôi là người đồng tính”, để mé mé cho ông ý đọc, ông ý xé, đốt ngay tại chỗ”, một đồng tính nam, TP.HCM chia sẻ.
Bạo lực gia đình với LGBT và những hậu quả
Hai hình thức phổ biến nhất mà người LGBT gặp phải từ các thành viên trong gia đình là bạo lực tinh thần (quát tháo, sỉ nhục, gây áp lực, tổn thương tâm lý) và bạo lực thể xác (hành hung, đánh đập, giam giữ, cầm nhốt). Trong khi đã có nhiều nghiên cứu về bạo lực trên cơ sở giới, ví dụ giữa vợ và chồng (Vũ Hồng Phong, 2006; Hoàng Bá Thịnh, 2009; Nguyễn Vân Anh và cộng sự, 2008; GSO, 2010) thì bạo lực gia đình trên cơ sở xu hướng tính dục và bản dạng giới vẫn chưa được tài liệu hóa và nghiên cứu đầy đủ.
Trong nghiên cứu do CCIHP và iSEE (2011) thực hiện về bạo lực với nhóm đồng tính nam, 13 trong tổng số 17 trường hợp bị bạo hành là gây ra bởi chính thành viên trong gia đình của họ. Hậu quả của bạo lực, dù là thân thể hay tinh thần, đều ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người LGBT. Tất cả 17 trường hợp trong nghiên cứu CCIHP, iSEE (2011) đều trải qua trầm cảm ở các mức độ khác nhau, 6 trường hợp từng tự tử. Gây áp lực tinh thần vẫn là hành vi phổ biến nhất, đặc biệt ở nghiên cứu này cũng cho thấy các hình thức gây áp lực lên người thứ ba có ảnh hưởng tới người LGBT (người yêu) cũng được sử dụng nhiều (28.0%).
Sự phân biệt đối xử từ gia đình cũng có liên hệ chặt chẽ với phân biệt đối xử trong trường học. Một gia đình ủng hộ con cái mình là LGBT sẽ giúp người trẻ có nghị lực và tự tin để không bị ảnh hưởng nhiều từ những khó khăn xảy ra ở nhà trường. Ngược lại khi bố mẹ chối bỏ con mình, người LGBT càng gặp khó khăn hơn trong môi trường giáo dục, thậm chí gia đình chính là nguyên nhân cản trở khả năng được đầu tư vào việc học hành, cơ hội việc làm trong tương lai và cả chuyện tình cảm riêng tư.
“Cái bản tính của em là những cái gì mà em không thích thì em không làm. Thì lúc đó là mẹ em họp nguyên cả một cái gia đình, cái lúc đó là bà ngoại, cậu, dì bây giờ nó như vậy đó, bây giờ nó trái tính trái nết như vậy, nó không muốn mặc áo dài, bây giờ một mình em không biết xử lí nó như thế nào. Xong rồi cả gia đình, cả dòng họ em xuống, xong rồi cuối cùng em nghỉ học thì vẫn là nghỉ học thôi”, một người chuyển giới nam chia sẻ.
Cha mẹ và con cái cùng là nạn nhân
Một nghiên cứu tại Hoa Kỳ (Viện Williams, 2012) cho thấy 40% trẻ em đường phố nhận mình là LGBT, và nguyên nhân hàng đầu khiến những trẻ em này tham gia vào đời sống đường phố là do gia đình không chấp nhận xu hướng tính dục và bản dạng giới. Nghiên cứu khác tại Việt Nam (Nguyễn Thu Hương và cộng sự, 2012) về trẻ em đường phố LGBT cho thấy thời điểm bỏ nhà đi của trẻ cũng rơi vào thời kỳ các em ý thức được những đặc điểm giới tính và xu hướng tình dục của mình, phải chịu nhiều phản ứng gay gắt từ phía gia đình và cộng đồng và không thể tìm được ai chia sẻ.
Ở xã hội Việt Nam, các giá trị gia đình được đề cao đồng thời với sự phục tùng ý muốn của bố mẹ. Với nhiều bố mẹ thì cố gắng ngăn cản con cái “không còn là” đồng tính, song tính, chuyển giới nữa được coi là sự yêu thương dành cho con cái. Thực tế và khoa học đã chứng minh, chưa cha mẹ nào thành công trong việc biến con mình từ đồng tính thành dị tính. Nhưng họ vẫn cố gắng mọi cách, từ rất khắc nghiệt cho đến rất đẫm nước mắt. Nhiều người chỉ đơn giản nghĩ rằng mình đang làm những điều tốt đẹp cho con, mà không biết rằng nó đã bị tổn thương nghiêm trọng như thế nào. Đánh đập, la mắng, gây áp lực tinh thần, trầm cảm... không bao giờ có thể là biểu hiện đúng đắn của sự yêu thương.
Đôi khi, không phải bố mẹ không chấp nhận nổi việc con mình là người đồng tính, mà là họ không chấp nhận nổi cái cách xã hội đối xử với người đồng tính. Từ đó họ lo sợ gia đình mình sẽ phải đối mặt với định kiến và áp lực về thể diện, sau đó chuyển hóa tất cả nỗi sợ đó thành sức ép lên con cái của mình. Nói cách khác, cha mẹ người đồng tính cũng trở thành nạn nhân của sự kỳ thị đồng tính.
Điều này có thể lý giải việc hành vi bố mẹ “ép buộc thay đổi ngoại hình, cử chỉ” là cao nhất (62.9%) vì đó là những thứ có thể khiến bố mẹ sợ hãi nhất khi người ngoài nhận ra, nghi ngờ về con cái của họ.
(Bài viết có tham khảo tài liệu của iSee)