Bảo vệ thế hệ trẻ khỏi ma túy: Nhiệm vụ chiến lược lâu dài

12/07/2016 17:00

Với chủ đề “Hãy bảo vệ thế hệ trẻ khỏi hiểm họa của ma túy”, Tháng hành động phòng chống ma túy theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ vừa kết thúc với nhiều hoạt động được đẩy mạnh thành cao trào mạnh mẽ và sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân. Từ thực tiễn, chủ đề của Tháng hành động phòng chống ma túy năm nay vẫn cần được tiếp tục vì thông điệp này có ý nghĩa sâu sắc, kịp thời, mang tính chiến lược lâu dài.

Diễu hành tuyên truyền phòng, chống ma túy. Ảnh Nhật Thy

Kịp thời, sâu sắc, mang tính chiến lược

Những năm qua, mặc dù các cơ quan chức năng đã truy quét bắt giữ quyết liệt nhưng các loại ma túy buôn bán, vận chuyển trái phép vào nước ta vẫn chưa giảm mà số lượng ngày càng lớn hơn, nhiều loại mới xuất hiện, đặc biệt các loại ma túy tổng hợp dạng Amphetamine (ATS), hết sức độc hại, tàn phá sức khỏe, hệ thống thần kinh, gây ảo giác, hoang tưởng trong đó có ma túy dạng đá (Methamphetamine)...

Các loại ma túy mới này có “ma lực” lôi kéo lớp trẻ vốn tò mò, năng động, ham muốn tìm hiểu, khám phá nhưng lại ít kiến thức về ma túy, gắn với các sinh hoạt tập thể như hội hè, các hoạt động văn hóa, giải trí đông người; chưa kể các thủ đoạn nham hiểm, dụ dỗ, lôi kéo giới trẻ của bọn tội phạm bán buôn, bán lẻ ma túy ngày càng tinh vi.

Số người trẻ tuổi chiếm tỷ lệ ngày càng cao trong tổng số nghiện ma túy hiện nay và chủ yếu sử dụng ma túy tổng hợp. Làm một so sánh: cuộc tổng điều tra người nghiện ma túy do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì năm 1995, trong tổng số 68.276 người nghiện thì số người từ 30 tuổi trở xuống mới chiếm 42,4%, trong đó dưới 18 tuổi 2,7%. Đến năm 2015, theo khảo sát của Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, có đến 76% người nghiện dưới 35 tuổi, 60% sử dụng ma túy lần đầu ở độ tuổi dưới 25. Ma túy đã không trừ ai trong giới trẻ, từ thành thị đến nông thôn, miền núi, đủ thành phần, nghề nghiệp, xâm nhập vào trường học…

Ai cũng biết cơn lốc đen của ma túy gây ra những hậu quả khôn lường cho xã hội. Nhưng một khi người nghiện lứa tuổi trẻ không ngừng tăng lên, trong khi các loại ma túy mới nguy hiểm chiếm “soái ngôi” thì đó là sự báo động đỏ, là hiểm họa không những cho thế hệ trẻ mà là nguy cơ của một quốc gia.

“Tuổi trẻ là mùa xuân của nhân loại”. Thế hệ trẻ là lực lượng chủ chốt xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tiến tới mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh”. Mục tiêu đó sẽ không thể đạt được khi tuổi trẻ bị ma túy hủy hoại, trở thành những người lười nhác, bệnh hoạn, phá phách, chỉ biết đến khoái lạc. Do vậy, bảo vệ thế hệ trẻ khỏi hiểm họa ma túy, hơn lúc nào hết, là mục tiêu, nhiệm vụ, là lời hiệu triệu mang tính chiến lược.

Phòng ngừa luôn phải chủ động

Trong phòng chống ma túy, ba nhiệm vụ: giảm cung, giảm cầu, giảm hại tác động, hỗ trợ lẫn nhau. Làm tốt nhiệm vụ giảm cung như ngăn chặn có hiệu quả việc buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sản xuất, tiêu thụ ma túy…cũng bao hàm yếu tố phòng ngừa. Tuy nhiên, phòng ngừa trong nhiệm vụ giảm cầu là trực tiếp nhất.

Để thanh thiếu niên nhận thức ma túy là nguy hiểm, nhất là ma túy tổng hợp, tự thắng được sự lôi kéo, cám dỗ, thoát được ra khỏi những hoàn cảnh “hiểm nghèo” để không sa vào nghiện ngập cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội gắn với quá trình quản lý, nuôi dạy, sinh hoạt, học hành, phát triển nhân cách, lao động nghề nghiệp của các em.

Bố mẹ và người thân trong gia đình cần có hiểu biết về ma túy để tư vấn, dạy cho con kỹ năng sống, biết chối từ ma túy trong mọi hoàn cảnh. Cùng với gương mẫu trong lối sống lành mạnh, duy trì gia đình hòa thuận, hạnh phúc, không ai gần gũi, yêu thương con cái bằng bố mẹ, có thể biết tính nết, thói quen, sở thích, các biểu hiện sinh hoạt không bình thường, uốn nắn những lệch lạc trong cuộc sống thường nhật. Bố mẹ cần được cung cấp kiến thức về ma túy, phương pháp giúp đỡ con cái một cách có hệ thống.

Dường như nhà trường lâu nay vẫn còn một khoảng trống trong giáo dục, truyền thông về phòng chống ma túy cho học sinh, sinh viên (HSSV). Nếu có thì cũng là những chương trình còn khô khan, dập khuôn, thiếu truyền cảm, không có chương trình với học sinh nguy cơ về ma túy. Kinh phí thiếu cũng là một lý do.

Thực tế các em HSSV tự tìm hiểu về ma túy chủ yếu qua các phương tiện truyền thông, qua mạng Internet. Do vậy, xảy ra hiện tượng kiến thức của các em nhiều khi còn phiến diện như: ma túy tổng hợp, ma túy đá không phải là ma túy, khó gây nghiện, ít độc hại. Khi dùng có cảm giác hưng phấn, khỏe khoắn; khi bạn bè mời mọc, lôi kéo, các em hút thử tài mà, shisha mà tin chắc rằng mình không bao giờ nghiện; hoặc khi người ta đã nghiện thì coi như hết đời, không thể cai; có thái độ kỳ thị với người nghiện…

Mối liên lạc giữa nhà trường và gia đình thông qua sổ liên lạc và các cuộc họp phụ huynh thường đầy ắp các chương trình học hành, thi cử, đóng góp, ít khi đề cập đến vấn đề ma túy, ngay cả với học sinh “cá biệt” cũng vậy. Ma túy là vấn đề nhạy cảm, giáo viên cũng không thể theo dõi tỷ mỷ nên không thể nhận xét, trao đổi theo định tính với gia đình.

Rõ ràng, nhà trường cần xem xét bố trí thời gian thích đáng cho giáo dục, truyền thông phòng chống ma túy với một chương trình đầy đủ, sinh động, đa dạng, cả ngoại khóa, pháy huy vai trò của tổ chức Đoàn thanh niên trong nhà trường.

Không thể nói, xã hội thời gian qua không quan tâm đến phòng ngừa ma túy cho giới trẻ. Từng cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất, các tổ chức xã hội, từ thiện, hệ thống truyền thông các cấp…đều tích cực và vận hành các chương trình truyền thông, tư vấn, cảnh báo phòng ngừa. Điểm yếu phải chăng là chưa đủ thời lượng cần thiết, chất lượng còn thấp, chưa tập trung đến được người có nguy cơ cao, chưa có sự phối hợp chặt chẽ các lực lượng, việc kiểm soát các quảng cáo về ma túy còn hạn chế…

Công tác phòng ngừa cần phải xây dựng thành chiến lược với các thành tố là Gia đình-Nhà trường-Xã hội.

Dự phòng và điều trị

Bảo vệ giới trẻ khỏi hiểm họa ma túy bao hàm cả việc giúp đỡ những người đã sử dụng ma túy. Chúng ta phân biệt rõ các mức độ sử dụng chất gây nghiện: Sử dụng thường xuyên: cho mục đích giải trí hoặc mục đích khác gây ra rất ít các hậu quả cho sức khỏe và xã hội; Lạm dụng: việc sử dụng bắt đầu có các hậu quả có hại cho cá nhân, bạn bè, gia đình (như ảnh hưởng đến khả năng lái xe; sử dụng quá đà, có các nguy cơ khác…);  Lệ thuộc/nghiện: là sử dụng thành thói quen và mang tính bắt buộc (không thể không sử dụng) dù biết các hậu quả dù biết các hậu quả về sức khỏe và xã hội.

Mức độ 1 và 2 nêu trên chưa phải là nghiện, các biện pháp can thiệp chủ yếu là quản lý, giáo dục, tư vấn, thay đổi lối sống.

Chương trình can thiệp, bao gồm phát hiện và can thiệp, càng sớm càng mang lại hiệu quả. Khi phát hiện HSSV sử dụng ma túy, giáo viên và gia đình cần bình tĩnh tìm hiểu, không kỳ thị và hoảng loạn để có phương án hỗ trợ khoa học, tích cực.

Với người đã nghiện (mức độ 3 nêu trên trên) thì điều trị, cai nghiện càng sớm càng tốt. Thực hiện các biện pháp y tế, tâm lý, xã hội. Mở rộng các loại hình cai nghiện để cho họ có sự lựa chọn phù hợp, nhất là cai nghiện tự nguyện. Quá trình phục hồi diễn ra dần dần nên có thể phải cai nghiện nhiều lần.

}
Top