'Bắt đầu có hậu' cùng người chuyển giới, đa dạng giới
(Chinhphu.vn) - Trong khuôn khổ Chiến dịch Tự do và Bình đẳng của Liên Hợp Quốc và Tuần lễ Hanoi Pride 2023, ngày 22/9, Liên Hợp Quốc tại Việt Nam đã phối hợp cùng Tổ chức vận động về quyền của người chuyển giới, đa dạng giới IT’S T TIME và Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) tổ chức sự kiện Hành trình Tự do và Bình đẳng năm 2023.
Bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho biết, Chiến dịch Tự do và Bình đẳng là một chiến dịch toàn cầu của Liên Hợp Quốc nhằm ủng hộ quyền bình đẳng và được đối xử công bằng của người LGBTIQ+.
Năm 2023, với chủ đề "Tờ A4 - Bắt đầu có hậu", Chiến dịch Tự do và Bình đẳng tại Việt Nam hướng tới việc thúc đẩy và tạo ra những bắt đầu có hậu cho người chuyển giới - những người có bản dạng giới khác với giới tính sinh học khi sinh.
Sự kiện hôm nay nhằm nhìn lại hành trình và thành quả của Chiến dịch Tự Do và Bình đẳng 2023, hướng tới việc nâng cao nhận thức về những thách thức và nhu cầu của người chuyển giới, đa dạng giới tại Việt Nam và thúc đẩy cho những bắt đầu có hậu của cộng đồng. Đồng thời mở ra không gian cho những cuộc gặp gỡ, thảo luận giữa cộng động người chuyển giới, đa dạng giới với những chuyên gia, người làm luật, những đại diện của các đơn vị, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và báo chí, truyền thông đang làm việc và có mối quan tâm tới những vấn đề của người chuyển giới, đa dạng giới tại Việt Nam.
Bà Pauline Tamesis cũng nhấn mạnh UN luôn mong muốn những cộng đồng nhạy cảm, rủi ro nhất được bảo vệ; đồng thời kêu gọi ủng hộ sự đa dạng giới.
Đem lại hạnh phúc trọn vẹn hơn cho người chuyển giới, đa dạng giới
Theo Tổ chức vận động về quyền của người chuyển giới, đa dạng giới IT’S T TIME, "Tờ A4" được xây dựng dựa trên dáng hình của một tờ giấy mang tính pháp lý có thể đem lại hạnh phúc trọn vẹn hơn cho người chuyển giới, đa dạng giới hay bất kỳ ai cảm nhận sự hạnh phúc của họ qua tờ giấy này. Nó có thể là tờ giấy công nhận tên mới hay xác nhận là người chuyển đổi giới tính, một tờ giấy đăng ký kết hôn hay một thông báo trúng tuyển... Mọi dáng hình hạnh phúc có thể liên tưởng qua hình hài của một vật thể mỏng nhưng chứa đựng trong đó bao sự đấu tranh, nỗ lực, dũng cảm của người chuyển giới.
Tại phiên họp ngày 2/6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Nghị quyết này chốt việc đưa dự án Luật chuyển đổi giới tính vào Chương trình và Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 8, diễn ra vào tháng 10/2024. Đây là một tin vui với cộng đồng người chuyển giới Việt Nam.
Như vậy, tính đến năm 2025 là tròn 10 năm thuật ngữ “người chuyển đổi giới tính” được đưa vào điều 37 Bộ luật Dân sự 2015. Suốt thời gian trước đó, bên cạnh những khó khăn về mặt tâm lý, xã hội, người chuyển giới phải chung sống với những bất cập về mặt pháp lý như đổi tên và giới tính trên giấy tờ cá nhân, hạn chế trong giao dịch dân sự, sử dụng dịch vụ công, tiếp cận việc làm, ổn định sinh kế, hôn nhân và gia đình.
Trước thực tế này, từ tháng 7/2023 - 9/2023, Chiến dịch Tự do và Bình đẳng năm 2023 (UN Free and Equal) của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam đã phối hợp cùng với Tổ chức vận động về quyền của người chuyển giới, đa dạng giới IT’S T TIME và Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) tổ chức một chuỗi các hoạt động nghiên cứu, truyền thông xã hội và kết nối cộng đồng hướng đến việc tạo nên những BẮT ĐẦU CÓ HẬU về văn hóa - xã hội - pháp lý với cộng đồng người chuyển giới, đa dạng giới tại Việt Nam.
Sau hơn 3 tháng triển khai, Chiến dịch Tự do và Bình đẳng năm 2023 đã triển khai thành công một số hoạt động. Theo đó, đã phỏng vấn và thu thập hơn 30 câu chuyện đa dạng từ cộng đồng người chuyển giới, đa dạng giới tại Việt Nam.
Những câu chuyện này tập trung ghi lại những trải nghiệm sống và những rào cản mà cộng đồng đang phải đối mặt trong đời sống hàng ngày; những câu chuyện về khát vọng sống cùng những mong đợi với Dự thảo luật chuyển đổi giới tính của hơn 30 người chuyển giới, đa dạng giới ở những độ tuổi và khu vực địa lý khác nhau.
Bên cạnh đó, chiến dịch truyền thông “Tờ A4 - Bắt đầu có hậu” do các thành viên thuộc cộng đồng chuyển giới, đa dạng giới, LGBIAQ+ và đồng minh thực hiện nhằm lan tỏa những tri thức về quyền và pháp lý liên quan tới dự thảo luật và mở ra những cuộc thảo luận trực tuyến về văn hóa - xã hội - pháp lý xoay quanh đời sống của người chuyển giới, đa dạng giới.
Tờ A4 cũng đã lan tỏa hơn 15 câu chuyện đặc sắc và điển hình thu thập được từ nghiên cứu cộng đồng và phối hợp với một số người có ảnh hưởng (Key Opinion Leaders, Influencers) để lan tỏa những thông điệp và câu chuyện về những BẮT ĐẦU CÓ HẬU. Hiện tại, chiến dịch đã và đang tiếp cận tới hơn 425.000 người trên các mạng xã hội.
Ngoài ra, Chiến dịch còn có sự kiện kết nối cộng đồng với báo chí, truyền thông “Human Library - Trang sách sống”. Được tổ chức theo hình thức mới mẻ - Thư viện sống, sự kiện đã kết nối gần 20 nhà báo với hơn 15 người kể chuyện là người chuyển giới, đa dạng giới-15 cuốn sách sống với những trải nghiệm đa dạng trong một không gian an toàn và qua những trải nghiệm kết nối chân thành, thẳng thắn.
Sự kiện là cầu nối giữa báo chí - cộng đồng và là cánh cửa mở ra những BẮT ĐẦU CÓ HẬU giữa báo chí, truyền thông với cộng đồng, điều thực sự cần thiết trong bối cảnh Dự thảo Luật chuyển đổi giới tính đang có những diễn biến tích cực. Sau sự kiện, các câu chuyện của các nhân vật trong “Human Library - Trans sách sống” cũng đã được một số kênh thông tấn, báo chí đón nhận và đưa tin.