Bộ Y tế - CDC Hoa Kỳ: Hợp tác bền chặt để duy trì thành quả phòng, chống HIV/AIDS

24/07/2024 16:59

(Chinhphu.vn) - Trong khuôn khổ Hội nghị khoa học về HIV (IAS) diễn ra tại thành phố Munich, Cộng hòa Liên bang Đức, ngày 22/7, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã có buổi gặp gỡ và trao đổi với Tiến sĩ Hank Tomlinson, Giám đốc Chương trình HIV & Lao Toàn cầu của CDC Hoa Kỳ.

Tham dự cùng Đoàn công tác của Bộ Y tế Việt Nam có ông Hà Anh Đức, Chánh Văn Phòng Bộ Y tế Việt Nam; ông Đỗ Trung Hưng - Vụ trưởng Vụ Pháp chế; ông Võ Hải Sơn - Phó Cục trưởng, Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Phó giám đốc Ban quản lý dự án EPIC; bà Dương Thúy Anh, Phó Chánh Văn phòng, Cục Phòng, chống HIV/AIDS; ông Bùi Hoàng Đức, Phó phòng Giám sát và Xét nghiệm, Cục Phòng, chống HIV/AIDS.

Bộ Y tế - CDC Hoa Kỳ: Hợp tác bền chặt để duy trì thành quả phòng, chống HIV/AIDS- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên trao đổi với Tiến sĩ Hank Tomlinson, Giám đốc Chương trình HIV & Lao Toàn cầu của CDC Hoa Kỳ tại Đức. Ảnh: VAAC cung cấp

Chính phủ Việt Nam và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hoa Kỳ có lịch sử hợp tác lâu dài và liên quan nhiều lĩnh vực. Trong 26 năm qua, CDC Hoa Kỳ đã trở thành cơ quan đối tác chính của Bộ Y tế Việt Nam, cung cấp chuyên môn về kỹ thuật nhằm hỗ trợ và mở rộng các chương trình nhắm đến một số bệnh ưu tiên như HIV, lao (TB) và cúm.

CDC Hoa Kì tại Việt Nam hợp tác chặt chẽ với Bộ Y tế nhằm tăng cường hệ thống phòng xét nghiệm và giám sát, phát triển và sử dụng các trung tâm hoạt động khẩn cấp, ngăn ngừa tình trạng kháng kháng sinh và nhiễm khuẩn trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe, ngăn ngừa các bệnh lây truyền từ động vật sang người và các bệnh có thể phòng ngừa bằng vaccine trong cộng đồng, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực y tế trong thế kỷ 21, và đặc biệt là gần đây, để hỗ trợ ứng phó với các đợt bùng phát dịch bệnh.

Hiện nay, CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam đang hỗ trợ tích cực Cục Phòng, chống HIV/AIDS trong việc triển khai Chiến lược quốc gia kết thúc AIDS vào năm 2030 trực tiếp tại 6 tỉnh trọng điểm và hỗ trợ kỹ thuật cho nhiều tỉnh thành phố khác. Triển khai, nâng cao chất lượng, độ bao phủ xét nghiệm HIV; xây dựng hệ thống giám sát ca bệnh HIV và triển khai Đáp ứng theo chùm y tế công cộng (PHCR) tại 5 tỉnh, thành phố.

Bên cạnh đó, triển khai nhiều chương trình: chương trình PrEP; chương trình điều trị ARV; các mô hình, sáng kiến mới K=K (không phát hiện = không lây nhiễm); giới thiệu thành công các phương pháp phát hiện ca bệnh mới, bao gồm dịch vụ thông báo phối hợp và chiến lược mạng xã hội (PNS/SNS), … Hơn 95% khách hàng dương tính với HIV đã được kết nối thành công với liệu pháp điều trị kháng virus (ART).

Trao đổi về những thách thức đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam. Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, hiện Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn dịch tập trung trong nhóm đối tượng có hành vi nguy cơ cao gồm nghiện chích ma túy, nam có quan hệ tình dục đồng giới (MSM), phụ nữ bán dâm.

Nhóm MSM đang được đánh giá là nhóm nguy cơ chính lây lan dịch HIV ở Việt Nam hiện nay và trong thời gian tới (chiếm gần 60% số ước tính nhiễm mới HIV hằng năm).

Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm, nhóm nguy cơ cao nên ảnh hưởng lớn việc tiếp cận dịch vụ của các nhóm này. Thiếu hụt nguồn lực, nên diện bao phủ các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS còn nhiều hạn chế, đặc biệt ở 50% tỉnh không có hỗ trợ từ các nhà tài trợ. Vẫn còn tỉ lệ đáng kể người nhiễm HIV chưa được phát hiện hoặc chưa tham gia điều trị ARV, nên gặp nhiều thách thức đạt được mục tiêu 95-95-95 của UNAIDS khuyến nghị cho các quốc gia.

Hằng năm Việt Nam vẫn phát hiện hơn 10.000 người nhiễm HIV, vẫn cao hơn 10 lần mục tiêu kết thúc AIDS của Chiến lược quốc gia (phát hiện 1.000 trường hợp vào năm 2030).

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên thể hiện mong muốn tiếp tục hợp tác với CDC Hoa Kỳ để duy trì các thành quả lâu dài mà Việt Nam và CDC Hoa Kỳ đã cùng nhau xây dựng, đạt được trong hơn 20 năm qua, đồng thời tiếp tục phát huy khả năng của Việt Nam trong việc tiên phong triển khai các mô hình mới, hiệu quả, chia sẻ bài học kinh nghiệm với các quốc gia PEPFAR khác.

Để đáp ứng với tình hình mới về dịch HIV/AIDS trong bối cảnh tài trợ cho phòng, chống HIV/AIDS cắt giảm trong thời gian tới, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết: Việt Nam đang khẩn trương xây dựng lộ trình bền vững cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS nhằm kiểm soát dịch HIVAIDS sau năm 2030.

Chính phủ đã giao cho Bộ Y tế phải hoàn thành Đề án tăng cường công tác phòng, chống HIV/AIDS tiến tới cơ bản chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 và bảo đảm kiểm soát dịch bệnh AIDS không tái bùng phát sau năm 2030.

Thứ trưởng đánh giá cao sự đồng hành lâu dài, hỗ trợ hiệu quả của CDC Hoa Kỳ; vai trò tiên phong đề xuất, triển khai các sáng kiến, mô hình can thiệp hiệu quả trong lĩnh vực y tế nói chung và lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS nói riêng.

Bộ Y tế Việt Nam cam kết thúc đẩy quan hệ đối tác bền chặt với CDC Hoa Kỳ, phối hợp chặt chẽ với CDC Hoa kỳ trong triển khai các hỗ trợ đối với lĩnh vực y tế, lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS; đồng thời cam kết và nỗ lực tối đa để thực hiện mục tiếu kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030 và bảo đảm kiểm soát bền vững dịch HIV/AIDS sau năm 2030.

Thùy Chi

hiv
}
Top