Hà Nam: Hơn 2.500 phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV

23/07/2024 10:59

(Chinhphu.vn) - Trong 6 tháng đầu năm 2024, Hà Nam không phát hiện trường hợp nào lây truyền HIV từ mẹ sang con. Có 2.510 phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV, trong đó phát hiện 1 phụ nữ mang thai dương tính với HIV.

Hà Nam: Hơn 2.500 phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV- Ảnh 1.

Tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Ảnh: VGP/Thùy Chi

Tỉ lệ người mắc HIV chủ yếu đang trong độ tuổi sinh đẻ

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nam cho biết, trường hợp nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện tại tỉnh vào năm 1996. Tính đến ngày 30/6/2024 số lũy tích ca nhiễm HIV là 1.650 ca. Số ca nhiễm HIV hiện còn sống 867 người. Số bệnh nhân AIDS hiện còn sống 526 người. Số người nhiễm HIV/AIDS đã tử vong 783 trường hợp. Số người nhiễm HIV phát hiện mới trong 6 tháng đầu năm 2024 là 12 người.

Tỉ lệ hiện nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư của toàn tỉnh hiện nay là 0,09%. Tỉ lệ hiện nhiễm trong nhóm người lớn (15-49) là 0,08%. 108/109 số xã, phường, 100% số huyện, thị xã, thành phố phát hiện có người nhiễm HIV/AIDS. Trong 6 tháng đầu năm 2024 toàn tỉnh phát hiện mới 12 trường hợp nhiễm HIV, 01 người nhiễm HIV/AIDS tử vong.

Trong số người phát hiện HIV có 83,3% là nam giới, nữ 16,7%. Nhóm tuổi lây nhiễm HIV chủ yếu là nhóm 25-34 tuổi (50%) và nhóm 35-49 tuổi chiếm 33,3%. Như vậy, tỉ lệ người mắc HIV chủ yếu đang trong độ tuổi sinh đẻ. Đường lây chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn (66,7%), không rõ đường lây (33,3%).

Tỉ lệ nhiễm HIV/AIDS phân bố không đồng đều ở các địa bàn dân cư: thành phố Phủ Lý là địa bàn có tỉ lệ hiện nhiễm HIV cao nhất chiếm tỉ lệ (26,2%), tiếp đó là huyện Kim Bảng (21,1%) và Lý Nhân (20,3%); Thanh Liêm (12,8%) Bình Lục và Duy Tiên có tỉ lệ nhiễm thấp lần lượt là 10,4% và 9,2%.

Dịch HIV đang có xu hướng giảm số ca nhiễm HIV phát hiện, chuyển AIDS và tử vong do AIDS. Tuy nhiên mức độ giảm của dịch chưa sâu, không ổn định. So với trước đây, hiện nay một số hành vi nguy cơ liên quan đến HIV/AIDS đang có những thay đổi theo hướng phức tạp và khó kiểm soát, can thiệp.

Nguy cơ lây nhiễm qua đường tình dục ngày càng tăng

Trong khi nguy cơ lây truyền HIV qua đường máu đang có xu hướng giảm thì nguy cơ lây nhiễm qua đường tình dục ngày càng tăng. Đáng chú ý là có sự gia tăng trong nhóm đối tượng có hành vi quan hệ tình dục, phụ nữ bán dâm, nhóm nam có quan hệ tình dục đồng giới... cảnh báo sự lây lan của dịch trong cộng đồng dân cư.

Trong thời gian qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam đã có nhiều hoạt động thực hiện dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, đặc biệt đẩy mạnh các hoạt động truyền thông dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Nội dung truyền thông tập trung nói về lợi ích của xét nghiệm sớm HIV cho phụ nữ mang thai. Thời điểm phụ nữ nhiễm HIV có thể mang thai an toàn giảm nguy cơ lây nhiễm HIV cho con. Lợi ích của điều trị ARV sớm cho người nhiễm HIV và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Lợi ích của theo dõi tải lượng virus HIV đối với phụ nữ mang thai nhiễm HIV để sinh ra những đứa con khỏe mạnh. Lợi ích của điều trị dự phòng ARV cho trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV hoặc mẹ có xét nghiệm HIV có phản ứng khi chuyển dạ, khi sinh. Lợi ích của việc thực hiện chẩn đoán sớm nhiễm HIV ở trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV. Lợi ích của điều trị ARV sớm cho trẻ được chẩn đoán nhiễm HIV do lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Công tác truyền thông cũng tập trung vào việc nói về lợi ích của việc quản lý thai, khám thai sớm trong 03 tháng đầu để được tư vấn và xét nghiệm HIV sớm. Điều trị bằng thuốc ARV sớm ngay trong những tháng đầu của thai kỳ ở phụ nữ mang thai nhiễm HIV trong việc giảm lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Bên cạnh đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nam cũng quảng bá các dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tại địa phương... Tư vấn cho phụ nữ mang thai tự nguyện đi làm xét nghiệm HIV sớm, bảo đảm kịp thời quản lý và điều trị thuốc ARV cho phòng lây truyền từ mẹ sang con theo quy định của Bộ Y tế.

Tư vấn phụ nữ nhiễm HIV có kế hoạch sinh con xem xét kỹ thời điểm có thai, đó là khi tải lượng HIV của mình thấp, tốt nhất là dưới ngưỡng phát hiện dưới 200 bản sao HIV/mml máu để giảm thiểu nguy cơ lây truyền HIV sang con. Đồng thời khám, quản lý thai nghén tại các cơ sở chăm sóc điều trị HIV/AIDS.

Đẩy mạnh các chương trình can thiệp phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam cũng phối hợp với các cơ sở điều trị HIV/AIDS và cơ sở sản khoa, cơ sở chăm sóc sức khỏe sinh sản trên địa bàn tỉnh trong việc thực hiện các can thiệp phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con theo quy định. Thực hiện tư vấn, lấy mẫu máu xét nghiệm HIV cho trường hợp phụ nữ mang thai đến khám, điều trị sinh con tại các bệnh viện.

Cùng với đó, thực hiện quy trình kết nối chuyển gửi, phản hồi giữa các cơ sở chăm sóc sức khỏe sinh sản với cơ sở điều trị HIV/AIDS và theo dõi quản lý ca bệnh, cặp mẹ - con nhằm bảo đảm tất cả phụ nữ mang thai nhiễm HIV và con của họ sau sinh đều được chuyển tiếp thành công đến cơ sở điều trị HIV/AIDS; 100% trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Nhờ đẩy mạnh các hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, công tác này đã đạt những kết quả tích cực. Năm 2022, 2023 số phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV là 12.694 người, trong đó có 08 người có kết quả dương tính. Số phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị ARV trong năm là 13 người, trong đó điều trị trước khi có thai là 05 người, Điều trị trong khi chuyển dạ đẻ 08 người. Số trẻ đẻ sống từ mẹ nhiễm HIV là 13 trẻ. Số trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV được làm xét nghiệm PCR lần 1 là 13 trẻ, kết quả đều âm tính.

Hướng tới "Loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030", ngành y tế Hà Nam sẽ nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là phụ nữ mang thai, vợ của người nhiễm HIV trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có hành vi nguy cơ cao về lợi ích của xét nghiệm HIV sớm và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con sớm.

Bên cạnh đó, kêu gọi xóa bỏ kỳ thị và phân biệt đối xử với phụ nữ mang thai nhiễm HIV và trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội trong dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con.

Tăng cường cung cấp các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con như xét nghiệm phát hiện nhiễm HIV cho phụ nữ mang thai, cung cấp thuốc ARV cho phụ nữ nhiễm HIV bao gồm phụ nữ nhiễm HIV mang thai, cung cấp thuốc ARV điều trị dự phòng lây nhiễm HIV cho con, chẩn đoán sớm nhiễm HIV ở trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV, đẩy mạnh các can thiệp và tăng cường chất lượng các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Thùy Chi

hiv
}
Top