Bước đầu thực hiện có hiệu quả việc ngăn chặn ma túy từ xa
(Chinhphu.vn) - Trong thời gian qua, Chính phủ tập trung chỉ đạo triển khai Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và các phương án tăng cường đấu tranh với tội phạm về ma túy trên các tuyến trọng điểm. Công tác phòng chống tội phạm ma túy đã được triển khai quyết liệt và bước đầu thực hiện có hiệu quả việc ngăn chặn ma túy từ xa.
Thảo luận tại hội trường Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022, ngày 8/11, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ đặc biệt quan tâm đến tình hình tội phạm về ma túy.
Đánh giá cao những nỗ lực của cơ quan chức năng trong phòng chống ma túy, các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ Công an, các cơ quan tư pháp và chính quyền các tỉnh, thành phố cần tăng cường hơn nữa các biện pháp phòng ngừa, nâng cao hiệu quả đấu tranh triệt phá tội phạm ma túy trong thời gian tới.
Phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tội phạm do người nghiện ma túy gây ra
Đại biểu Phạm Đình Thanh, Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum cho hay, cử tri đồng thuận với kết quả phòng, chống ma túy trong thời gian qua, nhưng cũng lo ngại khi tội phạm ma túy có dấu hiệu phức tạp trở lại sau đại dịch, nhiều đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy trái phép xuất hiện, công tác quản lý người nghiện còn bất cập, hạn chế.
Đại biểu cũng nhấn mạnh yêu cầu chỉ đạo quyết liệt và triển khai đồng bộ hơn về công tác cai nghiện ma túy và biện pháp quản lý người nghiện ma túy ở địa phương, nhất là người nghiện ma túy ở ngoài cộng đồng; thực hiện hiệu quả, chặt chẽ công tác theo dõi, phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tội phạm do người nghiện ma túy gây ra.
Đồng quan điểm, đại biểu Trần Công Phàn, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương bày tỏ băn khoăn số lượng lớn các đối tượng nghiện ma túy dù ở trong cơ sở cai nghiện hay ở ngoài xã hội mà quản lý không chặt thì đây có thể là nguồn tội phạm
Do đó, đại biểu Trần Công Phan đề nghị rà soát và quản lý chặt nhóm đối tượng này. Sau đó tính toán đến hiệu quả của công tác cai nghiện. Cũng theo đại biểu Trần Công Phàn điều quan trọng là hạn chế người nghiện, giảm tỷ lệ người nghiện, quản chặt cửa khẩu, quản lý biên giới.
Cho ý kiến về công tác về đấu tranh tội phạm ma túy, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn đánh giá công tác đấu tranh với tội phạm về ma túy đã đạt được những kết quả tích cực.
Tuy nhiên, trong thời gian qua lực lượng chức năng nhiều đường dây ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam qua tuyến đường bộ chủ yếu từ hướng Lào, Campuchia, đường hàng không chuyển phát nhanh từ một số nước Châu Âu. Số người sử dụng trái phép chất ma túy ngày càng gia tăng, đặc biệt là sử dụng ma túy tổng hợp, hình thức sử dụng phong phú, đa dạng, từ hút hít sang tiêm chích, uống, ngậm ma túy tổng hợp, thuốc hướng thần…
Thời gian qua, trên thế giới Việt Nam xuất hiện hai dạng ma túy núp bóng pha trộn, đóng gói dưới dạng thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, điện tử, thảo mộc. Đại biểu nêu một số ví dụ về các vụ ngộ độc do sử dụng các loại ma túy như tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh; vụ bán "nước xoài" có chứa chất ma túy tại TPHCM.
Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân nhận định, ma túy hiện diện khắp nơi, nhiều dạng khác nhau bằng các thủ đoạn tinh vi, các đối tượng thuận tiện trong giao dịch mua bán. Do đó, đại biểu cho rằng cần có đánh giá cụ thể, phân tích kỹ nguyên nhân để từ đó có giải pháp quyết liệt, triệt để, bảo đảm phù hợp với tình hình tội phạm ma túy hiện nay, nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh.
Trong khi đó, đại biểu Phạm Thị Hồng Diễm, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh đề nghị tăng cường các giải pháp phòng, chống ma túy, tập trung nguồn lực cho các địa phương thực hiện các hoạt động kiểm soát các tụ điểm ma túy, thực hiện tuyên truyền tập trung cho thanh thiếu niên, đặc biệt trong môi trường học đường.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, trong thời gian qua, công tác phòng chống tội phạm ma túy đã được triển khai quyết liệt và bước đầu thực hiện có hiệu quả việc ngăn chặn ma túy từ xa. Chính phủ tập trung chỉ đạo triển khai Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và các phương án tăng cường đấu tranh với tội phạm về ma túy trên các tuyến trọng điểm.
Lực lượng chức năng triển khai phương án tăng cường đấu tranh với tội phạm về ma túy trên 4 tuyến trọng điểm (Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc miền Trung - Tây Nguyên, Tây Nam); rà soát, triệt phá các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy; quản lý chặt chẽ người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy; đẩy mạnh hợp tác với các lực lượng chức năng của Lào, Campuchia, góp phần ngăn chặn ma túy từ xa.
Lực lượng chức năng đã phát hiện 24.383 vụ, 38.489 đối tượng phạm tội về ma túy; khởi tố 23.624 vụ, 32.757 bị can; thu giữ 648,91 kg heroin, 2.005 kg và hơn 2,542 triệu viên ma túy tổng hợp; 110,6 kg thuốc phiện; 543,82 kg cần sa.
Công tác tấn công trấn áp tội phạm ma túy đạt nhiều kết quả nổi bật, nhất là đã triệt phá được nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia thu giữ số lượng ma túy lớn. Điển hình như: Công an Lạng Sơn bắt 1 đối tượng vận chuyển 446 kg ma túy tổng hợp; Công an TPHCM bắt 1 đối tượng nguyên là cảnh sát Hàn Quốc, thu 164 kg ma túy tổng hợp, 19 bánh heroin...; vụ phát hiện, triệt phá đường dây mua bán ma túy qua đường hàng không từ Anh đưa về Việt Nam, bắt quả tang 01 đối tượng, thu giữ 01 kg và 500 viên ma túy tổng hợp tại Nghệ An; vụ bắt 2 đối tượng chuyển 48kg ma túy chuyển phát quốc tế từ CH Czech về Việt Nam tại Hà Nội; vụ bắt 4 đối tượng vận chuyển trái phép chất ma túy từ CHLB Đức về Việt Nam thu giữ 17kg và 500 viên ma túy tổng hợp; vụ bắt 4 đối tượng vận chuyển…
Tuy nhiên, tình hình tội phạm và tệ nạn về ma túy có dấu hiệu phức tạp trở lại sau dịch COVID-19; phát hiện nhiều đường dây ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam qua tuyến đường bộ (chủ yếu từ hướng Lào, Campuchia), đường hàng không, chuyển phát nhanh (từ một số nước châu Âu).
Tình trạng các đối tượng lợi dụng cơ sở đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự, dịch vụ nhạy cảm, nhà chung cư... để tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, tình trạng trồng cây cần sa trái phép còn xảy ra tại một số địa phương. Số người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy trong nước còn nhiều trong khi công tác cai nghiện còn nhiều hạn chế, tạo khó khăn, áp lực rất lớn cho công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy
Trong công tác phòng chống tội phạm, theo Bộ trưởng Tô Lâm, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo, thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; tăng cường xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật; tăng cường đấu tranh các loại tội phạm, vi phạm pháp luật; triển khai toàn diện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực...
Trong đó, chú trọng chỉ đạo các lực lượng chức năng tiếp tục tăng cường đấu tranh các loại tội phạm, vi phạm pháp luật, nhất là tội phạm có tổ chức liên quan đến "tín dụng đen", tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm hoạt động núp bóng doanh nghiệp, tội phạm chống người thi hành công vụ, tội phạm sử dụng vũ khí, vật liệu nổ gây án, tội phạm xâm phạm trẻ em, mua bán người, giết người do nguyên nhân xã hội, tội phạm cướp, cướp giật, trộm cắp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mua bán người, ma túy...
Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các biện pháp xử lý hành chính, đặc biệt là công tác giáo dục đối tượng tại xã, phường, thị trấn; tăng cường quản lý đối tượng tâm thần, "ngáo đá"... Quản lý, giúp đỡ số đối tượng chấp hành hình phạt ngoài hình phạt tù, số mãn hạn tù, đối tượng được đặc xá năm 2022, số cai nghiện bắt buộc, số giáo dục cải tạo bắt buộc trở về địa phương sớm tái hòa nhập cộng đồng, không tái phạm tội…
Hoàng Giang