Các địa phương tổ chức thi tìm hiểu pháp luật phòng chống ma túy trong nhà trường

04/04/2024 11:10

(Chinhphu.vn) - Các trường học cần phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức Đoàn, Hội, Đội trong công tác phòng, chống ma túy, đồng thời tích cực đẩy mạnh các hoạt động tìm hiểu pháp luật về phòng, chống ma túy, thi sáng tác các tác phẩm, tiểu phẩm, thi văn nghệ chủ đề phòng, chống ma túy trong học sinh.

Các địa phương tổ chức thi tìm hiểu pháp luật phòng chống ma túy trong nhà trường- Ảnh 1.

Phổ biến nguy hại của ma túy đến các em học sinh

Tại Hải Dương, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội vừa phát động Hội thi tìm hiểu pháp luật phòng chống ma túy năm 2024 tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở Hải Dương. 

Theo đó, từ tháng 4-12/2024, học sinh, sinh viên các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên - giáo dục nghề nghiệp của Hải Dương thi tìm hiểu kiến thức phòng chống ma túy bằng hình thức sân khấu hóa. 

Hội thi năm nay có chủ đề "Vì một cộng đồng khỏe mạnh và an toàn, hãy tránh xa ma túy". Mỗi cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ chọn ra 4 đội thi, mỗi đội gồm 5 thành viên. Các đội sẽ trải qua 4 vòng thi gồm: giới thiệu, hiểu biết, năng khiếu và hùng biện.

Hội thi nhằm nâng cao hiểu biết pháp luật phòng chống ma túy cho học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh; trang bị cho học viên kỹ năng phòng chống ma túy tại học đường, tuyên truyền người thân tránh xa ma túy.

Đại diện Sở LĐTB&XH tỉnh cho biết, sau khi phối hợp, chỉ đạo các cuộc thi thì Sở cũng sẽ tiếp tục triển khai, nhân rộng mô hình phòng, chống ma túy có hiệu quả trong các trường giáo dục phổ thông trên toàn tỉnh; phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện tích hợp, lồng ghép nội dung giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy vào các hoạt hoạt động giáo dục ở tất cả các bậc học dưới các hình thức phong phú, đa dạng... nhằm giáo dục kỹ năng phòng, chống ma túy cho học sinh.

Tại Cao Bằng, với mục đích đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật; bồi dưỡng, cập nhật kiến thức pháp luật, phát huy tinh thần tự giác, chủ động tìm hiểu pháp luật cho học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh. Giáo dục, xây dựng tinh thần thượng tôn pháp luật; nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật nhằm phòng ngừa, giảm thiểu các hành vi vi phạm pháp luật trong học sinh, sinh viên. Cuộc thi là một trong những hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày Pháp luật Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2024.

Đối tượng dự thi là học sinh, học viên, sinh viên các trường THCS, THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trung cấp, cao đẳng (gọi chung là các cơ sở giáo dục) trên địa bàn tỉnh.

Nội dung thi là tìm hiểu các quy định của pháp luật về phòng, chống ma túy; an ninh mạng; phòng, chống tác hại của thuốc lá và các văn bản liên quan.

Hình thức thi mà tỉnh tổ chức là bằng hình thức trực tuyến trên Trang Thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Cao Bằng (pbgdpl.caobang.gov.vn) và Trang Thông tin điện tử Sở Tư pháp (sotuphap.caobang.gov.vn). Người dự thi tham gia thi trực tiếp trên máy vi tính hoặc các thiết bị điện tử khác có kết nối internet (máy tính bảng, điện thoại thông minh…) và trả lời các câu hỏi trắc nghiệm theo bộ đề câu hỏi ngẫu nhiên được thiết kế sẵn.

Tại Kon Tum, UBND tỉnh đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo Công an các huyện, thành phố phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan, đơn vị liên quan nắm cụ thể thông tin về thực trạng tệ nạn ma túy và công tác phòng, chống ma túy tại các cơ sở giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh. Chủ động đề xuất kế hoạch, chương trình phối hợp với lực lượng Công an, Y tế và các đơn vị liên quan tổ chức điều tra, khảo sát, test thử ma túy đối với học sinh, sinh viên, cán bộ, giáo viên nhằm phát hiện các trường hợp nghi vấn liên quan đến tệ nạn ma túy và các trường hợp có nguy cơ sử dụng trái phép chất ma túy để xử lý, quản lý, tư vấn, giúp đỡ.

Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy cho cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên bằng các hình thức, như: Tọa đàm, nói chuyện chuyên đề, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật về ma túy hoặc lồng ghép vào các hoạt động ngoại khóa, chính khóa; treo baner, khẩu hiệu có nội dung phòng, chống ma túy, nhất là vào đầu năm học và trong Tháng cao điểm phòng, chống ma túy (tháng 6 hằng năm). Quán triệt cho cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường và các học sinh, sinh viên ký cam kết không sử dụng trái phép chất ma túy; không có hành vi vi phạm pháp luật về ma túy; phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh thường xuyên nhắc nhở, giáo dục con em phòng ngừa, tránh xa tệ nạn ma túy.

Đồng thời tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên, cán bộ Đoàn, Đội về các nội dung tuyên truyền về phòng, chống ma túy và hình thức tổ chức các hoạt động phòng, chống ma túy trong các trường; tăng cường trang thiết bị cho các cơ sở giáo dục phục vụ công tác tuyên truyền đảm bảo hiệu quả; Cung cấp số điện thoại, đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh của giáo viên, học sinh, sinh viên về phòng, chống ma túy để kịp thời tư vấn, hỗ trợ hoặc có biện pháp xử lý phù hợp.

Tại Đồng Nai, trước tình hình tệ nạn ma túy trong học đường ngày càng diễn biến phức tạp, số người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy trong học sinh, sinh viên có xu hướng gia tăng trong thời gian qua, Ban chỉ đạo phòng, chống AIDS, tội phạm và tệ nạn xã hội tỉnh đã giao Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy các cấp tăng cường phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ thường xuyên trao đổi thông tin, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy tại các cơ sở giáo dục. Phối hợp rà soát, phát hiện các trường hợp người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy là cán bộ giáo dục, học sinh, sinh viên để tổ chức đưa đi cai nghiện hoặc quản lý theo quy định. Tăng cường kiểm tra, phát hiện các hành vi mua bán các loại ma túy, nhất là ma túy "núp bóng" thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử có chứa chất ma túy xung quanh các trường học, trên không gian mạng, các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự để kịp thời ngăn chặn, xử lý.

Ban chỉ đạo cũng giao Sở Giáo dục và Đào tạo đôn đốc, hướng dẫn các nhà trường phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy cho cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên như: tổ chức tọa đàm, giao lưu, nói chuyện chuyên đề, tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật về phòng, chống ma túy; lồng ghép tuyên truyền, giáo dục pháp luật phòng, chống ma túy trong các hoạt động chính khóa, ngoại khóa cho học sinh, sinh viên, nhất là tổ chức các hoạt động trong Tháng Hành động phòng, chống ma túy (tháng 6). Xây dựng tài liệu tuyên truyền và triển khai đến các cơ sở giáo dục bằng hình thức phù hợp…

Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Hải Phòng..., thời gian qua nhiều cơ sở giáo dục đã tổ chức tuyên truyền về phòng chống tội phạm ma túy, tệ nạn ma túy và tổ chức các cuộc thi giúp học sinh, sinh viên hiểu rõ về thực trạng tội phạm ma túy hiện nay, nguy cơ, tác hại về ma túy và các hành vi sẽ bị xử lý nếu vi phạm pháp luật về ma túy.

Vĩnh Hoàng

}
Top