Các nước tiểu vùng sông Mekong khẳng định cam kết mạnh mẽ trong giải quyết vấn nạn ma túy
(Chinhphu.vn) - Các quốc gia trong khu vực tiểu vùng sông Mekong đã và đang phải đối mặt với hiểm hoạ ma tuý diễn ra ngày càng phức tạp, khó lường. Trước tình hình đó, Chính phủ các nước khẳng định cam kết mạnh mẽ trong giải quyết vấn nạn ma túy trong khu vực và trên thế giới.
Ngày 5/9, Hội nghị Quan chức cấp cao các nước thành viên tham gia Bản Thỏa thuận về hợp tác phòng chống ma túy tiểu vùng sông Mekong năm 1993 (MOU) đã diễn ra tại Bắc Kinh, Trung Quốc.
Dự Hội nghị có 70 đại biểu từ các nước tiểu vùng sông Mekong gồm: Campuchia, Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC). Đoàn đại biểu Việt Nam do Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an làm Trưởng đoàn tham dự Hội nghị.
Hiểm hoạ ma tuý đang diễn ra ngày càng phức tạp, khó lường
Phát biểu tại Hội nghị, ông Jeremy Douglas, Trưởng đại diện UNODC khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cho biết, trong năm 2022, khu vực Đông và Đông Nam Á đã thu giữ hơn 151 tấn ma túy các loại, trong đó chủ yếu là ma túy tổng hợp. Thu giữ ketamine (một loại ma túy tổng hợp nguy hiểm, phổ biến trong năm 2022) là 27,4 tấn, tăng 167% so với năm 2021.
Các quốc gia trong khu vực tiểu vùng sông Mekong đã và đang phải đối mặt với hiểm hoạ ma tuý đang diễn ra ngày càng phức tạp, khó lường, ảnh hưởng nghiêm trọng tới phát triển kinh tế - xã hội, trật tự an toàn xã hội của các nước trong khu vực và trên toàn thế giới.
Khu vực Tam giác vàng, nằm sát khu vực biên giới các nước Lào, Myanmar, Thái Lan, được xác định là nguồn "cung" ma túy lớn thứ hai trên thế giới, hàng năm cung cấp ra thị trường trên 80 tấn heroin và hàng nghìn tấn ma túy tổng hợp các loại. Từ đây, ma túy được vận chuyển đến các nước trong khu vực tiểu vùng sông Mekong tiêu thụ và chuyển đi nước thứ ba với nhiều hình thức, thủ đoạn tinh vi.
Bên cạnh đó, ghi nhận xu hướng các thị trường ma túy trên thế giới ngày càng liên kết chặt chẽ hơn, xuất hiện nhiều đường dây mua bán vận chuyển ma túy xuyên quốc gia, liên lục địa, nhiều loại ma túy có nguồn gốc được sản xuất tại châu Âu, châu Mỹ được phát hiện tại thị trường Tiểu vùng. Tội phạm ma túy ngày càng manh động, tệ nạn ma túy diễn biến phức tạp, thực tế đó đặt ra rất nhiều áp lực đối với công tác phòng, chống ma túy ở các nước Tiểu vùng sông Mekong.
Chia sẻ tại Hội nghị Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy nhấn mạnh, trước thách thức chung của thế giới về vấn đề ma túy, Chính phủ Việt Nam quan tâm và chỉ đạo một cách quyết liệt. Trên tầm vĩ mô, Việt Nam đề ra Chiến lược quốc gia phòng, chống ma túy tầm nhìn đến năm 2030.
Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, như: Duy trì, đẩy mạnh hợp tác song phương, đa phương với lực lượng hành pháp các nước trong khu vực, đặc biệt là các nước có chung đường biên giới; nâng cao năng lực cho lực lượng hành pháp phòng, chống ma túy của Việt Nam với sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế, đặc biệt là UNODC; đẩy mạnh công tác kiểm soát, phòng ngừa thất thoát tiền chất.
Việt Nam cũng tích cực tham gia các diễn đàn đa phương phòng, chống ma túy trong khu vực và trên thế giới, coi đó là một trong những giải pháp phòng ngừa ma túy từ xa giúp giảm áp lực cho công tác phòng, chống ma túy trong nước. Đồng thời tranh thủ được sự quan tâm, ủng hộ của các nước đối tác, các tổ chức quốc tế cho công tác phòng, chống ma túy trong nước.
Hội nghị đã tiến hành rà soát kết quả thực hiện các hoạt động theo các lĩnh vực ưu tiên của Kế hoạch hành động tiểu vùng lần thứ 11, đồng thời xem xét, thống nhất các nội dung trong Kế hoạch hành động tiểu vùng lần thứ 12 giai đoạn 2023-2025; Tuyên bố chung Bắc Kinh về vấn đề ma túy và Sáng kiến của Trung Quốc trong giải quyết vấn đề ma tuý tổng hợp ở khu vực tiểu vùng sông Mekong để đệ trình và thông qua tại Hội nghị cấp Chủ tịch Uỷ ban quốc gia sẽ diễn ra vào ngày 6/9/2023.
Hội nghị lần này diễn ra đúng dịp kỉ niệm 30 năm ký kết Bản thỏa thuận về phòng, chống ma túy giữa các nước trong khu vực tiểu vùng sông Mekong và UNODC. Vì vậy, hội nghị có ý nghĩa quan trọng và khẳng định cam kết mạnh mẽ của Chính phủ các nước tiểu vùng sông Mekong trong giải quyết vấn nạn ma túy trong khu vực và trên thế giới.
Hoàng Giang