Các nước trấn áp tội phạm ma tuý như thế nào?
Không chỉ xây dựng luật cấm ma tuý một cách nghiêm khắc, tăng thêm mức độ xử phạt đối với việc buôn bán ma tuý, nhiều nước trên thế giới còn tăng cường mức độ truy quét, cố gắng loại trừ tận gốc tội phạm ma tuý.
![]() |
Phạt nặng các tội ma tuý
Từ những thập niên 80 thế kỷ XX, việc trồng trọt, buôn lậu và nghiện ma tuý dần lan tràn khắp mọi nơi trên thế giới, Chính phủ các nước đã từng bước hoàn thiện pháp luật, nghiêm trị tội phạm về ma tuý.
Chính phủ Nigeria năm 1995 đã ban bố “Luật chống rửa tiền”. Theo đó, về pháp luật, trao quyền lực độc lập cho cơ quan truy quét ma tuý khám xét, truy bắt bọn buôn bán ma tuý. Luật đó cũng quy định bất cứ ai có tài sản liên quan đến ma tuý đều bị xử lý nghiêm khắc. Nếu người ở nước ngoài buôn bán ma tuý bị dẫn độ về nước cũng sẽ bị nghiêm trị theo luật pháp. Ở Nigeria, tội phạm ma tuý sẽ phải chịu hình phạt cao nhất (có thể là tù chung thân).
Chính phủ Malaysia trong năm 1983 và 1985 đã hai lần ra pháp lệnh về chống ma tuý. Pháp lệnh đó quy định bất cứ ai buôn bán ma tuý từ 15g heroin hoặc 40g cocaine qua điều tra đầy đủ thì đều bị xử tử hình.
Chính phủ Mexico coi việc chống ma tuý là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, đã xây dựng “Đề cương truy quét ma tuý quốc gia” chỉ đạo và phối hợp cuộc đấu tranh chống ma tuý toàn quốc. Chính phủ ban hành các luật liên quan như “Luật về tội phạm có tổ chức”, “Luật đặc biệt về phòng chống và trừng phạt rửa tiền”, “Luật đặc biệt về phòng chống sử dụng thuốc hoá học phi pháp” để tăng cường các biện pháp có hiệu quả cho việc truy quét ma tuý.
Cơ quan lập pháp Quốc hội Brasil trao quyền cho không quân của mình có thể bắn rơi bất cứ máy bay nào chở ma tuý xâm phạm vùng trời của mình. Ngoài ra, chính phủ còn giám sát nghiêm ngặt các xí nghiệp có năng lực sản xuất loại thuốc hoá học trong toàn quốc, đề phòng sản phẩm của các xí nghiệp là nguyên liệu để sản xuất ma tuý.
Ngay từ thập niên 70 thế kỷ XX, Mỹ đã quy định “Luật đề phòng và khống chế lạm dụng ma tuý” vào các năm 1986, 1988, 1990 lần lượt cho ra đời “Luật chống buôn lậu ma tuý”, “Điều lệ chống lạm dụng ma tuý” và “Luật cấm sử dụng thuốc gây mê” để tăng cường toàn diện mức độ trừng phạt trong việc tấn công tội phạm ma tuý.
Sau cách mạng Hồi giáo năm 1979, Iran đã phát động phong trào loại trừ ma tuý đồng thời ban bố một pháp lệnh cấm trồng cây anh túc. Năm 1989, Quốc hội Iran đã phê chuẩn luật cấm ma tuý nghiêm ngặt, quy định bất cứ người nào mang theo 30 gr heroin trở lên hoặc 5.000 gr thuốc phiện trở lên sẽ phải chịu cực hình.
Để tấn công tội phạm ma tuý năm 1994, chính phủ Philippines đã khôi phục hình phạt tử hình đối với tội phạm buôn bán ma tuý. Mới đây, tổng thống Philippines Durtete cho phép lực lượng cảnh sát có thể bắn hạ bất cứ ai liên quan đến ma tuý (trồng, sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép các chất ma tuý).
Tăng cường mức độ truy quét ma tuý
Trước tình hình buôn lậu ma tuý ngày càng nghiêm trọng, chính phủ các nước đã áp dụng nhiều biện pháp để tăng cường cấm ma tuý, cố gắng loại trừ tận gốc ma tuý.
Năm 2002, chính phủ Malaysia đề ra cố gắng trong 25 năm phấn đấu trở thành một nước không có ma tuý. Để chống tội phạm ma tuý, Malaysia đã sử dụng sách lược “quản lý song hành” – tức là cố gắng khống chế việc hút hít ma tuý, đồng thời, tìm cách giảm bớt nguồn ma tuý nhập vào. Trong hơn 80 thành phố và thị trấn trong toàn quốc đều thiết lập trung tâm phục vụ, cung cấp sự tư vấn và hướng dẫn trên các mặt như chống ma túy, cai nghiện cho xã hội và cung cấp dịch vụ cho những người tự nguyên cai nghiện. Những cơ quan đó còn thông qua các phương thức như tổ chức hội thảo để nâng cao nhận thức của mọi người đối với sự nguy hại của ma túy. Biện pháp trên phương diện giảm bớt nguồn ma túy có: Một là, chính phủ tăng kinh phí cho những nỗ lực ngăn cấm ma túy. Chính phủ quyết định trong 5 năm từ 1996-2000 chi 73 triệu Ringgit Malaysia để thực hiện các kế hoạch chống ma tuý. Hai là, tăng thêm lực lượng truy quét ma túy. Cảnh sát Malaysia trên khu vực biên giới và biển giữa nước mình với Thái Lan đã tăng thêm lực lượng truy quét ma túy, tấn công mạnh mẽ vào hoạt động buôn lậu ma túy. Ba là, xây dựng các cơ quan chuyên trách phòng chống và ngăn chặn ma túy. Năm 1996, chính phủ đã thành lập Hội đồng chống ma túy quốc gia do Thủ tướng đứng đầu. Để phối hợp hành động thực hiện và thực thi các chính sách liên quan đến chống ma túy, Hội đồng đó còn thiết lập một Ủy ban phòng chống ma túy quốc gia trực thuộc Bộ Nội chính.
Chính phủ Mexico cũng đã cải tổ, chỉnh sửa hệ thống hành pháp chống ma túy. Năm 1996, Mexico đã thành lập "Sở Công an quốc gia" phụ trách việc điều hành công tác chống ma tuý trong toàn quốc. Sau đó lại xây dựng "Viện kiểm sát đặc biệt các tội gây nguy hại sức khỏe", "Đội biệt động chống rửa tiền", "Sở tình báo tài chính tiền tệ" là những cơ quan chuyên trách chống ma tuý, chia nhau công việc như kiểm tra thuốc men, phá án và thẩm định. Từ năm 1994 đến năm 1998, Mexico lần lượt phá được 5 vụ buôn bán ma túy lớn, bắt được nhiều tên đầu sỏ và bẳt chúng phải chịu tội trước pháp luật. Trong thời gian đó, các cơ quan chuyên trách còn bắt được gần 40 nghìn tên tội phạm buôn ma túy, tiêu hủy 146 tấn ma túy, phát hiện và giao nộp 160 nghìn tấn ma túy các loại, thu hàng vạn vũ khí và phương tiện vận chuyển ma túy. Ngoài ra, cơ quan truy quét ma túy còn phối hợp mật thiết với cơ quan tài chính, phát hiện ra 47 vụ rửa tiền buôn ma túy, thu giữ và giao nộp khoản tiền lên tới 620 triệu USD.
Hiện nay, Pakistan là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng về ma tuý lớn nhất trên thế giới, số người nghiện hút đã lên đến hàng triệu người. Đứng trước tình hình như vậy, những năm gần đây, Pakistan đã tăng cường kiểm tra hoạt động buôn lậu ma tuý ở biên giới giữa Pakistan-Afghanistan và áp dụng một loạt biện pháp thiết thực. Một là, tấn công mạnh mẽ bọn buôn lậu ma tuý. Pakistan đã thành lập Uỷ ban chống ma tuý mang tính toàn quốc, xây dựng “Lực lượng chống ma tuý” với sự tham gia của cả quân đội, cảnh sát và hải quan để tấn công bọn buôn lậu ma tuý. Hai là, áp dụng biện pháp cưỡng chế để phá huỷ cây anh túc trồng trong nước. Khu vực trồng cây anh túc trên đất Pakistan chủ yếu tập trung ở vùng giáp biên giới Tây Bắc – nơi có kinh tế chưa phát triển, đời sống xã hội còn lạc hậu và khu vực liền kề với Afghanistan. Với những nỗ lực của chính phủ, diện tích trồng cây anh túc từ thập niên 80 thế kỷ XX là 80.000 mẫu Anh giảm xuống còn khoảng 30.000 mẫu Anh năm 1997.
Những năm gần đây, chính phủ Myanmar cũng áp dụng nhiều biện pháp chống ma túy; cấm trồng cây anh túc, trừng trị bọn tội phạm buôn bán ma túy. Chính phủ Myanmar đưa ra chiến lược hai gọng kìm. Một là, coi việc phòng chống ma túy là nhiệm vụ chính phủ cần phải làm. Hai là, nâng cao mức sống của các dân tộc vùng thiểu số để dần dần loại bỏ việc trồng cây anh túc. Myanmar rất coi trọng các công trình “thay thế cây anh túc” của dân tộc thiểu số ở vùng sâu vùng xa, nỗ lực làm cho dân tộc thiểu số thoát khỏi sự phụ thuộc vào việc trồng cây anh túc, thay thế bằng các loại cây kinh tế hoặc giải quyết những nghề phụ để sinh sống. Tháng 4/1997 vùng Măngla, thuộc bang Shan của Myanmar đã chính thức tuyên bố trở thành “khu vực không thuốc phiện”.
Costa Rica không phải là nước sản xuất ma túy, nhưng do vị trí địa lý nên trở thành một trạm trung chuyển ma túy của các tập đoàn buôn lậu ma túy quốc tế. Để khống chế việc mua bán, chống buôn lậu ma túy, chính quyền Costa Rica đã áp dụng nhiều biện pháp tăng cường việc chống buôn lậu ma túy. Một là, tăng cường việc thắt chặt biên giới. Ma túy tới Costa Rica chủ yếu từ Colombia và Panama, sau đó vận chuyển sang Guatemala, Mexico, Mỹ và châu Âu. Chính quyền Costa Rica tăng cường lực lượng cảnh sát ở khu vực biên giới, tăng cường việc kiểm tra xe cộ qua lại để ngăn chặn ma túy xâm nhập, cắt đứt đường thông thương ma túy. Hai là, tăng cường huấn luyện cảnh sát, nâng cao trình độ khám xét ma túy, để kiểm tra nhanh chóng và chính xác ma túy. Costa Rica một mặt tăng cường huấn luyện cảnh sát, mặt khác cử một số cảnh sát đến các nước khác học tập nắm được kỹ thuật khám xét ma túy tiên tiến. Do năng lực kiểm tra ma túy được nâng cao đã giảm nhiều những phần tử buôn bán ma túy trà trộn vượt qua biên giới.
Iran mỗi năm phải chi đến 400 triệu USD để chống buôn lậu ma túy. Chính phủ Iran đã triển khai trong toàn quốc hoạt động chống ma túy quy mô lớn, áp dụng một loạt biện pháp "vây, truy, bắt". Tăng cường khống chế vùng biên giới phía Đông, trên biên giới với Pakistan và Afghanistan, Iran đã xây dựng một hàng rào dài 600km ở hai nước láng giềng, đào hào, lập các trạm gác, căng dây thép gai để đề phòng bọn buôn lậu vượt biên. Lực lượng an ninh của Iran tăng cường hoạt động tuần tra, lập các trạm kiểm soát trên đường giao thông, phát hiện và ngăn chặn các loại ma tuý lọt vào Iran. Mỗi năm nước này bình quân thu giữ được 160kg ma tuý.
Kiên quyết chống ma tuý là chính sách nhất quán của chính phủ Thái Lan. Chính phủ Thái Lan áp dụng các biện pháp nhằm quét sạch nguồn cung cấp ma tuý và giảm bớt nhu cầu về ma tuý. Từ thập niên 60 thế kỷ XX, chính phủ Thái Lan đã bắt đầu quản lý chặt chẽ khu vực buôn bán ma tuý ở miền Bắc. Trước tiên là quét sạch các nhóm buôn bán ma tuý có vũ trang, phá huỷ các nhà máy gia công, triệt phá cây anh túc, đồng thời ra sức thúc đẩy phát triển vùng miền núi. Chính phủ Thái Lan cử cán bộ chuyên môn lên vùng miền Bắc Thái Lan để phổ biến kỹ thuật tiên tiến làm thuỷ lợi, nâng cao sức sản xuất nông nghiệp, giúp đỡ nhân dân địa phương thay đổi tập quán trồng cây anh túc, đổi thành các loại cây như cà phê, chè, thuốc lá và hoa quả. Chính phủ Thái Lan thực hiện các chương trình tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu về sự nguy hại và phân biệt được các loại ma tuý, sửa đổi pháp lệnh nhằm trừng trị nghiêm khắc những kẻ vẫn cố tình sản xuất và buôn bán ma tuý, chúng đều bị xử phạt nặng, thậm chí chịu án tử hình. Những biện pháp trừng trị của chính phủ Thái Lan đã đem lại hiệu quả, diện tích trồng cây anh túc ở khu vực Bắc Thái Lan đã giảm đi đáng kể. Hiện tượng cây anh túc được trồng bạt ngàn đã không còn tồn tại, chỉ sâu trong rừng, đôi khi còn phát hiện những khu đất nhỏ rải rác trồng cây này, các nhà máy gia công ma tuý cũng dần biến mất.
Ở Nigeria, cây cần sa là loại ma tuý chủ yếu, diện tích trồng cây cần sa không ngừng gia tăng. Đứng trước tình hình như vậy, cơ quan chống ma tuý một mặt tăng cường kiểm soát biên giới để chống ma tuý, mặt khác, tích cực và triệt để phá huỷ cây cần sa. Năm 1997, cơ quan chống ma tuý ở Nigeria đã triển khai “Hành động tiêu diệt loại cỏ độc” trong phạm vi cả nước, tổng cộng đã phá huỷ 870 điểm trồng cần sa, tiêu huỷ 1,33 triệu kg cần sa và bắt giữ 231 người trồng cần sa trái phép.
* Bài viết tham khảo tư liệu của Học viện Cảnh sát Nhân dân; sách "Đại chiến ma tuý thế giới", NXB Pháp luật.