Cần quan tâm đặc biệt tới trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV
Thực trạng trẻ nhiễm HIV/AIDS không được đối xử bình đẳng vẫn đang xảy ra. Mỗi năm, nước ta ghi nhận khoảng 10.000 người nhiễm HIV mới, trong đó có rất nhiều trẻ em nhiễm HIV bị thiệt thòi vì sự kỳ thị.
Hậu quả của kỳ thị, phân biệt đối xử là sự xa lánh của cộng đồng khiến trẻ nhiễm HIV/AIDS dễ bị tổn thương, không muốn tiếp cận với các dịch vụ tư vấn, chăm sóc và điều trị. Các em không tự tin, sống khép mình, thường lảng tránh bạn bè, ngại tiếp xúc với mọi người vì sợ bị phân biệt. Điều này càng làm tăng nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng.
Luật pháp bảo vệ trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV
Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến công tác chăm sóc, bảo vệ người bị nhiễm HIV/AIDS. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác này đã được ban hành. Quyết định số 84/2009/QÐ-TTG Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch hành động Quốc gia vì trẻ em BAH bởi HIV/AIDS đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Ðảng, Nhà nước vì thế hệ tương lai chịu nhiều thiệt thòi, tạo "đòn bẩy" huy động toàn xã hội hợp sức xoa dịu nỗi đau.
Tổ chức sân chơi cộng đồng cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV tại Bình Dương. Ảnh: Tống Nam
Việc ban hành các văn bản pháp quy về phòng, chống HIV/AIDS (Chỉ thị 61/2008/CT-BGDÐT về tăng cường phòng, chống HIV/AIDS trong ngành giáo dục, các văn bản quy định về công tác y tế trường học đều có nội dung phòng, chống HIV/AIDS); Bộ GDÐT thành lập Ban Ðiều phối về phòng, chống HIV/AIDS; kiện toàn, củng cố hệ thống Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS và tệ nạn ma túy, mại dâm liên vụ (ở Bộ GDÐT), từ cấp sở đến từng trường học; tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ đảm nhiệm công tác này tạo điều kiện cho các hoạt động bài bản, xuyên suốt, hiệu quả hơn từ khâu chỉ đạo đến triển khai thực hiện, kiểm tra, giám sát.
Thế nhưng, vẫn còn đó nhiều vi phạm về sự kỳ thị đối với trẻ nhiễm HIV, thậm chí cả những thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục đã vi phạm luật mà không biết. Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Chăm sóc và bảo vệ trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH) cho biết “Kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS, đặc biệt là trẻ em, vẫn đang còn rất nặng nề. Điều đó làm hạn chế, làm xấu đi, thậm chí làm mất đi những quyền mà lẽ ra trẻ nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS phải được hưởng”.
Sự cần thiết của việc phòng, chống phân biệt đối xử xuất phát từ những hậu quả của nó gây ra với các cá nhân, cộng đồng và toàn nhân loại. Về phương diện cá nhân, phòng, chống phân biệt đối xử có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với việc bảo đảm cho mọi cá nhân được sống trong nhân phẩm và được hưởng thụ các quyền con người một cách bình đẳng như được luật pháp quốc tế và quốc gia ghi nhận. Theo nghĩa đó, phòng, chống phân biệt đối xử cũng chính là một biện pháp cơ bản để bảo đảm thực thi các quyền con người.
Về phương diện cộng đồng, phòng, chống phân biệt đối xử đóng vai trò quan trọng để ngăn ngừa và xóa bỏ những nguy cơ gây ra với cộng đồng từ sự hận thù, khủng bố, nổi loạn... Nhiều nghiên cứu của các chuyên gia đã cảnh báo: Nếu không xóa bỏ được sự kỳ thị và phân biệt đối xử dẫn đến tình trạng người nhiễm HIV/AIDS bị hạn chế một số quyền cơ bản như quyền được chăm sóc sức khỏe, quyền được làm việc, quyền được học hành, quyền được tự do đi lại... thì con người không những không hạn chế được dịch HIV/AIDS mà còn làm cho dịch HIV/AIDS ngày càng trở nên khó kiểm soát hơn. Phân biệt đối xử đẩy người nhiễm HIV/AIDS vào bóng tối, tạo ra tâm lý thù địch xã hội với nhiều người trong số họ, vì thế họ trở nên rất nguy hiểm với cộng đồng.
Điều 7 và 8 của Luật Phòng, chống HIV/AIDS nghiêm cấm hành vi kỳ thị và phân biệt đối xử với người bị nhiễm HIV; công khai tên, địa chỉ, hình ảnh của người nhiễm HIV hoặc tiết lộ cho những người khác mà không được người nhiễm đồng ý. Điều 15 của Luật Phòng, chống HIV/AIDS cũng quy định cơ sở giáo dục không được: Từ chối tiếp nhận, kỷ luật, đuổi học học sinh, sinh viên, học viên vì lý do người đó nhiễm HIV; tách biệt, hạn chế, cấm đoán học sinh, sinh viên, học viên tham gia các hoạt động, dịch vụ của cơ sở vì lý do người đó nhiễm HIV. Tại Khoản 3 Điều 41 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em quy định: Tạo mọi điều kiện cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (trong đó có trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS) được học tập hòa nhập. Điều 9 Luật Giáo dục cũng quy định: Mọi công dân có quyền bình đẳng về cơ hội học tập, không có sự phân biệt đối xử về bất cứ yếu tố nào. Khoản 1 Điều 4 Luật Phòng, chống HIV/AIDS quy định: Người nhiễm HIV có quyền được học văn hóa”.
Quyền được học tập của con trẻ
Đến trường là mong ước cháy bỏng của trẻ nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Thời gian qua, các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế đã cùng với cấp ủy, chính quyền các địa phương triển khai có hiệu quả “Kế hoạch Hành động Quốc gia vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tầm nhìn 2020” theo Quyết định số 84/QĐ-TTg ngày 4/6/2009 của Thủ tướng Chính phủ, quyền học tập của trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được thực hiện đầy đủ hơn.
Hiện nay, công tác truyền thông giáo dục về Luật và kiến thức, kỹ năng phòng chống HIV/AIDS, các hoạt động thực hiện mục tiêu giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS cũng được triển khai rộng khắp trên cả nước, giúp mọi người hiểu rõ bản chất vấn đề để vượt qua rào cản tâm lý. Song song với việc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, cần tuyên truyền tại buổi họp phụ huynh trong trường học, cho học sinh và bản thân các em nhiễm HIV về con đường lây nhiễm và cách phòng tránh HIV, cách chơi với bạn như thế nào để hai bên cùng được an toàn… Bên cạnh đó, việc khơi dậy lòng nhân ái, sự đùm bọc yêu thương đối với những trẻ em không may bị nhiễm HIV là điều quan trọng để nhận thức, hiểu biết của người dân về trẻ em và HIV/AIDS đầy đủ, rõ ràng hơn.
Chị Lê Thị K. (Bình Dương) cho biết 2 con chị đã được đi học và, 1 bé đã tốt nghiệp và học cao đẳng tại Sài Gòn, còn chị Nguyễn Thị Tr (Bình Dương) thì cho biết con chị cũng đã đi học cấp 1 và hòa nhập cùng bạn bè, thấy được con cắp ba lô đi học cùng bạn bè trang lứa chị rất mừng, chị Tr chia sẻ, trước đây vì lo ngại bị kì thị, nên chỗ ở không ổn định, nên con chị không được theo học, nay bé đã được đi học và nhà trường cũng không kì thị làm chị rất mừng.
Có thể thấy, các chế độ chính sách dành cho trẻ nhiễm HIV và bị ảnh hưởng bởi AIDS đã cơ bản đầy đủ. Tuy nhiên, trong thời gian qua, công tác chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS vẫn còn gặp nhiều thách thức. Việc tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục và phúc lợi xã hội khác của trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS vẫn còn những rào cản và ít nhiều vẫn có sự phân biệt đối xử; vẫn còn trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS và gia đình của trẻ chưa tiếp cận được với các dịch vụ theo yêu cầu; các dịch vụ hỗ trợ được hình thành nhưng thiếu sự liên kết trong việc hỗ trợ trẻ và gia đình của trẻ. Mặt khác, một số cán bộ quản lý, người chăm sóc trẻ còn thiếu kiến thức, kỹ năng cơ bản về bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS
TS. Ngũ Duy Anh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất, Bộ GD&ĐT cho biết : bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều khó khăn vướng mắc như hạn chế về nhận thức của một số cấp ủy Ðảng, chính quyền các cấp và cộng đồng về công tác phòng, chống HIV/AIDS, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Nhận thức của cán bộ, giáo viên và học sinh sinh viên đã được nâng cao nhưng chưa đầy đủ; đội ngũ cán bộ y tế trường học, làm công tác phòng, chống HIV/AIDS còn rất thiếu, bất cập về chất lượng và chế độ đãi ngộ; chưa có nhiều các dịch vụ tại cộng đồng, thiếu đội ngũ cán bộ xã hội trong chăm sóc tư vấn tâm lý cho trẻ em nói chung, trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS nói riêng...
Cục Chăm sóc và bảo vệ trẻ em đã triển khai nhiều hoạt động nhằm cụ thể hóa Kế hoạch hành động quốc gia vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS giai đoạn 2014-2020. Bà Vũ Thị Kim Hoa, Phó Cục trưởng Cục Chăm sóc và bảo vệ trẻ em, cho biết: “Từ năm 2010, cục đã triển khai mô hình kết nối dịch vụ chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Mục tiêu chung là xây dựng và phát triển mô hình chăm sóc toàn diện cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tại gia đình và cộng đồng”
Cục Chăm sóc và bảo vệ trẻ em đã có báo cáo đánh giá kết quả thực hiện mô hình tại các địa phương, đồng thời phối hợp với các chuyên gia xây dựng Bộ tiêu chí giám sát, đánh giá việc thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS giai đoạn 2014-2020. Đây là bộ công cụ giúp các cơ quan quản lý nhà nước theo dõi việc thực hiện kế hoạch cũng như đánh giá kết quả, hiệu quả của kế hoạch đến năm 2020, làm cơ sở quan trọng để xây dựng kế hoạch giai đoạn tiếp theo và sẽ sớm được ban hành trong thời gian tới.