Cần sa: Ranh giới giữa ‘tốt’ và ‘xấu’?

18/04/2017 09:51

Chúng ta đang sống trong một thế giới luôn có nguy cơ bị ma túy rình rập, tấn công bất cứ lúc nào, song các thông tin về tác hại của chúng lại không phải lúc nào cũng sẵn có hoặc có mà không đầy đủ, thậm chí vì lý do này lý do khác còn bị xuyên tạc, bóp méo. Trong đó, cần sa là một ví dụ điển hình.

Cần sa là một loại ma túy lấy từ cây dầu gai có tên là cannabis sativa. Ảnh minh họa

Có thể chúng ta đã từng nghe chuyện ở đâu đó trên thế giới người ta đang dùng cần sa như một bài thuốc để điều trị cho các bệnh nhân mắc bệnh động kinh hoặc ở Hà Lan hay một số bang của Mỹ đã hợp pháp hóa loại ma túy này. Thậm chí, việc hợp pháp hóa cho loại ma túy này đang có xu hướng lan rộng hơn ở một số nước. Đương nhiên, khi đã được một số nước cho phép sử dụng hợp pháp thì chúng ta có quyền nghĩ rằng nó hẳn phải an toàn khi sử dụng, chí ít cũng ít độc hại hoặc không gây nghiện như các loại ma túy khác. Tội phạm ma túy cũng triệt để khai thác khía cạnh này để thuyết phục mọi người sử dụng nhằm mở rộng thì trường tiêu thụ.

Những đối tượng mua bán lẻ đang dùng mọi cách để mê hoặc các khách hàng tiềm năng (chủ yếu là thanh, thiếu niên) bằng cách đặt cho cần sa bằng những cái tên rất gần gũi, để chúng dễ được chấp nhận. Chúng gọi cần sa là “Cỏ” để tạo cảm giác thân thiện giống như việc mọi người dễ chấp nhận các loại chế phẩm có nguồn gốc từ thảo dược hoặc quảng bá cần sa chỉ là loại ma túy nhẹ, không nghiện, không nguy hiểm. Tuy nhiên, thực tế thì hoàn toàn khác.

Khi sử dụng, cơ thể con người không quan tâm vấn đề ma túy hợp pháp hay không hợp pháp mà nó chỉ đơn thuần cảm nhận và chịu tác động được tạo ra từ một loại ma túy. Mặc dù hiện vẫn còn nhiều khoảng trống lớn giữa những nghiên cứu về tác hại của cần sa và những điều bí ẩn xung quanh nó. Những tác hại trước mắt và lâu dài về loại ma túy này là khá nghiêm trọng.

Loại ma túy bị lạm dụng nhiều nhất

Thực chất, cần sa là tên một loại ma túy được kiểm soát theo Công ước quốc tế của Liên Hợp Quốc và pháp luật Việt Nam cũng cấm sử dụng chất này dưới dưới mọi hình thức. Cần sa thuộc họ cây gai dầu, được phát hiện trồng tại Ấn Độ cách đây khoảng 2.000 năm để sử dụng như một chất gây ảo giác. Đến năm 2014, số quốc gia thông báo phát hiện trồng cần sa lên đến 129 nước. Trong đó, khu vực trồng cần sa tập trung chủ yếu ở các nước châu Phi (Maroc), Afghanistan và Bắc Mỹ.

Cũng theo báo cáo của Cơ quan Phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC), vào năm 2014, 14% số cần sa thu giữ tại các nước Bắc Mỹ có nguồn gốc từ châu Phi và 5% đến từ Châu Âu. Lượng cần sa thảo mộc thu giữ là 5.834 tấn và nhựa cần sa là 1.433 tấn.

Trong cần sa, hàm lượng chất THC chính là yếu tố xác định mức độ mạnh, yếu của chất ma túy. Hàm lượng THC trong cây gai dầu không ổn định và đang ngày càng có chiều hướng tăng lên. Theo một nghiên cứu, năm 1969, hàm lượng trung bình của THC trong cần sa chỉ vào khoảng 1%. Đến năm 1997, hàm lượng THC bình quân đã ở mức 5.1% và đến năm 2008 thì con số này là 10,2%. Bằng các kỹ thuật hiện đại, ngày nay những người trồng gai dầu đã tạo ra những chủng loại mới với hàm lượng cao hơn hẳn gai dầu thế hệ trước, có khi đạt mức 32%.

Phần có chứa chất gây nghiện chủ yếu đến từ hoa và chồi non, lá non của loại cây này. Sản phẩm cần sa xuất hiện trên thị trường bất hợp pháp là một hỗn hợp gồm lá, cành, hoa và hạt đã được làm khô. Chúng có các màu từ xanh, nâu hoặc xám. Nhựa cần sa có màu nâu hoặc đen, thường được đóng thành các bánh. Khi hút, cả cần sa thảo mộc hoặc nhựa cho một mùi hăng hắc, dịu ngọt rất đặc trưng.

So với các loại ma túy hiện đang lưu hành bất hợp pháp, cần sa là loại ma túy bị lạm dụng nhiều nhất trên thế giới. Theo báo cáo năm 2016 của UNODC, năm 2014, ước tính 183 triệu người sử dụng cần sa trên toàn thế giới, chiếm 3,8% dân số thế giới.

Cần sa có thể quấn thành điếu hút giống thuốc lá hoặc có thể hút qua tẩu tương tự tẩu thuốc hoặc hút bằng một dạng điếu giống điếu cày hoặc điếu bát giống như ở Việt Nam. Người sử dụng cần sa ở một số nước trên thế giới không hút mà trộn cần sa với một số loại đồ ăn, thức uống. Dầu cần sa có thể được hòa trộn với các loại nước ngọt, bánh ngọt, soda,... hoặc hãm cần sa thảo mộc trong nước sôi để uống như nước chè. Một số khác lại hút cùng thuốc lá hoặc xì gà bằng cách phết dầu cần sa lên điếu thuốc hoặc khoét điếu xì gà rồi nhồi cần sa vào trong điếu thuốc. Cần sa cũng có thể sử dụng kèm với các loại ma túy khác, thường là ma túy đá, cocaine để tăng độ phê.

Tác hại trước mắt và lâu dài khá nghiêm trọng

Với cách sử dụng cần sa trộn với đồ ăn, thức uống, người sử dụng cảm nhận tác động sau khoảng 30-45 phút do cần một thời gian nhất định để tiêu hóa. Vì vậy thời gian tổng thể để cần sa tác động lên cơ thể sẽ dài hơn. Nói một cách khác, vì chưa cảm nhận được tác động của cần sa lên cơ thể nên người đó có thể ăn, uống nhiều hơn. Khi đã cảm nhận được tác động của cần sa lên cơ thể có khi đã quá muộn vì lượng ma túy trong cơ thể đã quá nhiều. Do không kiểm soát được lượng THC trong cơ thể nên không ít trường hợp đã ngộ độc hoặc có các dấu hiệu hoang tưởng nghiêm trọng. Chuyện xảy ra đối với một phóng viên từ New York Times, sau khi ăn một thanh kẹo có trộn dầu cần sa đã rơi vào tình trạng hoang tưởng tới 8 tiếng đồng hồ. Hoặc một thanh niên ăn hết một chiếc bánh tẩm cần sa đã nhảy từ tầng 4 của tòa nhà và tử vong.

Khi hít khói cần sa, chất THC sẽ tác động lên cơ thể người sử dụng sau vài phút. Cảm nhận đầu tiên là nhịp tim nhanh, mất cảm giác thăng bằng và có dấu hiệu mơ màng, bay bổng. Sau đó là cảm giác mệt mỏi lan tỏa khắp cơ thể. Cảm giác này có thể kéo dài trong vòng 2-3 giờ đồng hồ hoặc lâu hơn tùy thuộc vào liều lượng cần sa hoặc hàm lượng của THC trong cần sa hoặc phụ thuộc vào các loại ma túy khác mà người đó dùng kèm.

Nếu người hút cần sa nhiều khói và giữ lâu trong phổi cần sa sẽ tác động mạnh đến phổi. Bên cạnh việc gây ra bệnh viêm họng, hút cần sa sẽ tăng nguy cơ ung thư phổi. Hút thuốc lá trộn cần sa thảo mộc trong cùng một loại điếu giống điếu bát được một số người gọi là “mướn”. Các hóa chất có trong thuốc lá và cần sa sẽ tác động cả lên hệ thần kinh và cơ thể nói chung. Các chất này làm giảm khả năng hô hấp dẫn đến thiếu oxy và do vậy làm giảm khả năng định hướng và vận động. Các tác động này nhiều khi không thể phục hồi. Một số người gặp khó khăn kể cả việc bước từ giường nằm sang nhà vệ sinh trong phòng ngủ.

Chất THC được chiết xuất dưới dạng dầu có thể hút hoặc thường đốt nóng trong các dụng cụ chuyên dụng  thành hơi để hút. Sau một vài công đoạn tinh chế, dầu cần sa sẽ có dạng chất giống tinh thể, dễ vỡ vụn và nóng chảy và bay hơi nhanh dưới tác động của nhiệt độ cao. Người sử dụng có thể đốt nóng và hít nó qua một dụng cụ có tên là “giàn khoan”. Cách sử dụng này cho người ta cảm nhận tức thì của cần sa do mức độ đậm đặc của THC trong đó (thường từ 60-90%).

Các bác sỹ điều trị nghiện cần sa cho biết so với tác động do THC đậm đặc gây ra thì tác động lên hệ thần kinh bằng cách hút cần sa thảo mộc là nhỏ hơn nhiều. Những người sử dụng cần sa đậm đặc mô tả các dấu hiệu loạn thần và ảo thanh thường họ bắt gặp sau khi hít kiểu này đồng thời có cảm giác rất khó chịu như có côn trùng bò trên da. Vì cần sa đậm đặc rất mạnh nên đã xuất hiện một số ca quá liều phải đề nghị y tế can thiệp.

Kéo theo sử dụng các loại ma tuý khác

Tác động tức thì của cần sa lên cơ thể người sử dụng có thể dưới các dạng sau: Tăng nhịp tim, mất khả năng định hướng, mất khả năng phối hợp giữa các động tác hoặc rơi vào trầm cảm hoặc buồn ngủ rũ rượi. Một số người khác lại có cảm giác sợ hãi bị tấn công hoặc bồn chồn lo lắng. Tuy nhiên đó mới là khởi đầu.

Một số nghiên cứu cho biết chất THC là một hoạt chất chính trong cần sa có thể lưu lại trong cơ thể hàng tuần, thậm chí hàng tháng. Khói cần sa chứa nhiều chất gây ung thư hơn khói thuốc từ 50-70%. Riêng một điếu cần sa có thể gây nguy hại cho phổi bằng hút 5 điếu thuốc lá liên tục. Hút cần sa có thể gây viêm đường hô hấp nặng. Sử dụng cần sa trong một thời gian nhất định sẽ gây tổn thương não bộ. Tổn thương càng nặng hơn nếu sử dụng cần sa kèm với các chất hướng thần khác.

Tác động của các chất trong cần sa lên hệ thần kinh là tương đối mạnh. Các nghiên cứu cho thấy người hút cần sa thường có dấu hiệu sa sút về trí tuệ, như: giảm trí nhớ và năng lực xử lý tình huống kém hơn các nhóm đối chứng. Các nghiên cứu trên nhóm thanh niên hút cần sa cho thấy các dấu hiệu bất thường về tâm lý; giảm động lực phấn đấu và giảm sút khả năng đưa ra quyết định; kết quả học tập kém và thường hay bỏ học giữa chừng; những đứa trẻ sử dụng cần sa thường gặp khó khăn trong suy nghĩ; hay gây gổ với người thân, bạn bè; dễ trở thành người nghiện các loại ma túy nhóm thuốc phiện.

Việc sử dụng thường xuyên làm tăng khả năng dung nạp của cơ thể và bắt buộc người sử dụng phải tăng liều hoặc sử dụng kèm các loại ma túy khác nhằm đáp ứng độ “phê”. Khi đã cảm thấy mệt mỏi, một số người lại muốn dùng một loại ma túy khác mạnh hơn để giúp vượt qua sự mệt mỏi này. Cần sa không tự nó đưa người sử dụng đến với các loại ma túy khác mà mong muốn vượt qua các rắc rối do cần sa mang lại đưa người đó đến với một loại ma túy mới. Người hút cần sa không chỉ tự làm hại mình mà họ còn gây nhiều bất ổn cho xã hội. Họ là tác nhân gây ra tai nạn giao thông hoặc gây ra các tai nạn trong quá trình làm việc hoặc bỏ làm không có lý do.

Cần đưa ra quyết định đúng đắn

Chất THC trong cần sa có thể làm thay đổi cấu trúc tinh trùng ở nam giới và làm rối loạn chu kỳ kinh nguyệt ở phụ nữ. Phụ nữ hút cần sa có nguy cơ sinh con dị tật hoặc đẻ non, thiếu cân. Trẻ con của những phụ nữ này sau đó được ghi nhận thiếu tính năng động, thiếu khả năng tập trung và khó hòa nhập cuộc sống. Giảm các chỉ số IQ (tới 8 điểm nếu việc sử dụng kéo dài và bắt đầu từ tuổi vị thành niên).

Mặc dù, theo thống kê của Bộ Công an, năm 2015, tỷ lệ sử dụng cần sa ở nước ta tạm thời mới chiếm khoảng từ 1,6-2% số người nghiện nhưng tình hình sử dụng cần sa đang có xu hướng gia tăng trong nhóm thanh thiếu niên. Do thiếu hiểu biết về tác hại của loại ma túy này, do tâm lý nhóm, tự ái trước sự công kích của  những người bạn đã sử dụng cần sa hoặc tâm lý tò mò,… mà việc phòng ngừa sử dụng cần sa cho thanh, thiếu niên nói chung, học sinh sinh viên nói riêng.

Theo nghiên cứu của nước ngoài và báo cáo của Viện Nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy (PSD), độ tuổi học sinh bắt đầu sử dụng cần sa thường từ 15 tuổi (độ tuổi cuối trung học cơ sở). Cần sa thường được sử dụng theo nhóm cùng nhau trong lễ hội hoặc các bữa tiệc. Khi đó, sẽ có một người đề nghị sử dụng một hay nhiều loại ma túy mạnh khác và điều này dễ được nhóm chấp nhận. 90% người sử dụng cocaine đã bắt đầu con đường ma túy của mình từ thuốc lá, cần sa hoặc rượu.

Một khảo sát trong nhóm vị thành niên ở Úc cho thấy, 55% trong số người đến với cần sa do áp lực bạn bè. Họ muốn là những người chịu chơi và nổi tiếng. Những kẻ buôn ma túy biết rõ tâm lý này ở thanh thiếu niên. Bằng cách này hay cách khác,  các đối tượng này sẽ tìm đến với các em và đề xuất cách thức làm cho họ trở nên nổi tiếng hoặc được tiếng là chịu chơi. Chúng sẽ thuyết phục “Cỏ” không gây nghiện và không làm cho bạn phải chuyển sang các loại ma túy nguy hiểm khác. Đó là những kẻ không quan tâm đến việc ma túy làm hỏng cuộc đời các em miễn là chúng được trả tiền.

Những kẻ đã từng tham gia buôn bán ma túy thổ lộ rằng chúng xem khách hàng của mình chỉ như một con tốt trên bàn cờ. Để không bị lợi dụng như một con “tốt”, các bạn trẻ cần tự đưa ra quyết định đúng đắn cho bản thân mình.

Đại tá Tạ Đức Ninh, Văn phòng Thường trực phòng, chống tội phạm và ma túy, Bộ Công an

Bài viết tham khảo: Báo cáo năm 2016 của Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC); Báo cáo tổng kết tình hình và kết quả công tác phòng, chống ma túy năm 2015 của Bộ Công an; Báo cáo năm 2016 của Viện nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy (PSD); Sự thật về cần sa-Tài liệu phổ biến kiến thức của UNODC.

}
Top