Phát hiện, bắt giữ nhiều vụ vận chuyển cần sa, ma túy tổng hợp vào Việt Nam

02/04/2022 08:08

(Chinhphu.vn) - Chiều 1/4, Tổng cục Hải quan có báo cáo gửi báo chí, thông báo về tình hình vận chuyển trái phép các chất ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam hiện nay. Trong đó nhấn mạnh: Tội phạm ma túy trong và ngoài nước đã câu kết chặt chẽ với nhau, ngày càng manh động, liều lĩnh.

Cảnh báo nguy cơ Việt Nam thành điểm trung chuyển ma túy - Ảnh 1.

Ngày 23/3, Cục Hải quan Thanh Hóa bắt giữ vụ vận chuyển trái phép 12.000 viên ma túy tổng hợp nghi ngờ đưa từ Lào về Việt Nam tiêu thụ

Theo Tổng cục Hải quan, hiện nay tình hình vận chuyển trái phép các chất ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam diễn biến khá phức tạp, mang tính chất nghiêm trọng. Tội phạm ma túy trong và ngoài nước đã câu kết chặt chẽ với nhau, hình thành đường dây, tổ chức tội phạm xuyên quốc gia, hoạt động với phương thức che giấu nhân thân và ngụy trang tinh vi, thủ đoạn vận chuyển ngày càng manh động, mang tính liều lĩnh.

Lực lượng hải quan đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ vận chuyển trái phép cần sa từ Mỹ, Canada và ma túy tổng hợp MDMA (thuốc lắc) với quy mô, số lượng lớn từ một số quốc gia châu Âu dưới hình thức quà biếu phi mậu dịch thông qua đường hàng không, bưu điện, chuyển phát nhanh vào Việt Nam và xuất ma túy tổng hợp methamphetamine trái phép sang Hồng Kông.

"Đặc biệt, từ đầu năm 2022 đến nay, các lực lượng chức năng đã phát hiện và bắt giữ nhiều vụ vận chuyển trái phép lượng ma túy tổng hợp methamphetamine, heroin... cực lớn từ Myanmar, Lào, Campuchia xâm nhập qua các cửa khẩu đường bộ chuyển về TPHCM, sau đó tập kết xuất sang Đài Loan, Philippines bằng đường biển, đây là hiện tượng đáng báo động", Văn phòng Tổng cục Hải quan cảnh báo.

Năm 2021, toàn ngành đã trực tiếp và phối hợp bắt giữ 242 vụ việc vi phạm liên quan đến ma túy với 231 đối tượng. Tang vật thu giữ gồm: 98,312 kg và 52 bánh heroin; 763 kg cần sa; 9,6 kg thuốc phiện; 505,77 kg và 581.246 viên ma túy tổng hợp; 304,3 kg ketamine; 1.020 viên là chất hướng thần.

Tổng cục Hải quan nhận định một số địa bàn có nguy cơ cao về tội phạm ma túy, trên tuyến biên giới đường bộ, tập trung vào các cửa khẩu thuộc các tỉnh giáp ranh biên giới Trung Quốc, Lào, Campuchia như: Điện Biên, Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Gia Lai, Long An, Bình Phước, Tây Ninh.

Đối với tuyến đường biển, cảng biển, cảng sông quốc tế, tập trung vào khu vực cảng biển có lưu lượng hàng hóa lớn thuộc các tỉnh, thành phố như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, TPHCM, Bà Rịa-Vũng Tàu; khu vực đường sông thuộc các tỉnh như: An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang.

Tuyến hàng không, bưu điện, chuyển phát nhanh tập trung vào các sân bay quốc tế Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Tân Sơn Nhất; các Bưu điện Hà Nội, Bưu điện TPHCM; các kho hàng chuyển phát nhanh...

Giang Oanh

Top