Chấm dứt phân biệt đối xử, kỳ thị trong tiếp cận việc làm, y tế, giáo dục cho người nhiễm HIV
(Chinhphu.vn) - Nhiễm HIV không đồng nghĩa với án tử hình, chính sự kỳ thị của cộng đồng mới khiến người bệnh chết nhanh hơn.
"HIV không giết người nhanh bằng sự kỳ thị"
Cho đến thời điểm hiện tại, ngành y tế vẫn chưa có thuốc đặc trị cho người nhiễm HIV/AIDS. Bệnh nhân HIV/AIDS chỉ có thể dùng thuốc kháng virus để ức chế sự phát triển của HIV, từ đó giữ được hệ miễn dịch khỏe mạnh và không bị nhiễm trùng cơ hội hoặc phát triển sang giai đoạn AIDS. Việc sử dụng thuốc kháng virus HIV (ARV) giúp duy trì sức khỏe và kéo dài tuổi thọ cho người bệnh. Điều trị HIV sớm thì chi phí chữa trị, các chi phí thuốc men, khám chữa bệnh, chi phí nằm viện sẽ giảm. Nguy cơ lây lan virus sang cho người khác cũng giảm.
Virus HIV có sức tàn phá sinh học đáng sợ song sự kỳ thị của những người xung quanh còn đáng sợ hơn, bởi nó giết chết ý chí và dập tắt khát vọng sống của người bệnh.
Từ năm 2012, Hội nghị quốc tế lần thứ 19 với sự tham gia của hơn 800 học giả và 300 nhà hoạt động xã hội từ khắp nơi trên thế giới đã đưa thông điệp rất rõ ràng: "HIV không giết người nhanh bằng sự kỳ thị". Nhiễm HIV không đồng nghĩa với án tử hình, chính sự kỳ thị của cộng đồng mới khiến người bệnh chết nhanh hơn.
Các nhà khoa học chỉ ra rằng nếu được phát hiện sớm và chăm sóc tốt thì người nhiễm HIV thì có thể sống khỏe hơn 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn. Nhưng sự kỳ thị, phân biệt đối xử có thể giết chết người nhiễm virus HIV nhanh chóng.
Sự kỳ thị đối với người nhiễm HIV/AIDS một cách công khai hay ngấm ngầm xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trước hết, kỳ thị do bản chất của bệnh. HIV/AIDS là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm dẫn đến chết người, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như vaccine phòng bệnh. Sinh hoạt tình dục thiếu biện pháp phòng vệ và tiêm chích ma túy là hai trong các đường lan truyền HIV nên HIV/AIDS được mặc định bị lây nhiễm do tệ nạn xã hội.
Thứ hai, kỳ thị do thiếu hiểu biết hoặc hiểu biết không đúng, không đầy đủ về HIV/AIDS. Nhiều người vẫn cho rằng HIV rất dễ lây, kể cả qua tiếp xúc thông thường.
Thứ ba, kỳ thị do trong một thời gian dài, việc truyền thông quá nhấn mạnh đến đường lây truyền mà không giải thích rõ ràng, nhất là ít nói về đường không lây của HIV.
Các chuyên gia y tế cho rằng việc kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS rất nặng nề không chỉ đối với người bệnh mà đối với cả cộng đồng. Quan niệm "tránh xa người nhiễm HIV/AIDS" đã gây khó khăn cho việc phòng, chống HIV/AIDS.
Do sợ bị kỳ thị nên người nhiễm HIV/AIDS che giấu tình trạng bệnh tật, tránh tiếp xúc với cộng đồng, không hợp tác với chương trình phòng chống HIV/AIDS. Bởi vậy, người bệnh có thể truyền HIV cho người khác.
Việc thiếu sự cảm thông, giúp đỡ của cộng đồng có thể dẫn đến tâm lý bi quan, thậm chí uất ức và nảy sinh ý muốn "trả thù đời" của người nhiễm HIV khiến cho căn bệnh càng dễ lây truyền. Do không tiếp cận được với người nhiễm HIV nên cơ quan chức năng khó biết được số ca bệnh chính xác, từ đó khó ước tính và dự báo chính xác được về tình hình dịch.
Xã hội bỏ phí một nguồn lực lớn, không phát huy được tiềm năng của người nhiễm HIV. Người nhiễm HIV vẫn có thời gian dài khỏe mạnh nên họ vẫn có thể cống hiến cho gia đình và xã hội.
Nhiều người nhiễm HIV có thể là những tuyên truyền viên rất hiệu quả nên sự kỳ thị đã làm mất đi một lực lượng tham gia công tác phòng, chống HIV/ AIDS.
Nhiều bệnh nhân không tiếp cận với điều trị kháng virus HIV vì sợ bị kỳ thị
Sự kỳ thị và phân biệt đối xử dẫn đến hạn chế một số quyền cơ bản của công dân nhiễm HIV như quyền được chăm sóc sức khỏe, làm việc, học hành, tự do đi lại...
Một cuộc khảo sát về cuộc sống của những người nhiễm HIV/AIDS do Trường Đại học Y Dược Huế và Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Thừa Thiên-Huế phối hợp thực hiện, cho thấy sự kỳ thị và phân biệt đối xử tác động đến cả thể chất và tinh thần của người nhiễm - số người nhiễm có ý định tự tử chiếm 10%, số người có hành vị tự cô lập bản thân với gia đình và bạn bè chiếm khoảng 20%. Có tới 72,5% số người được hỏi nói rằng họ không tiếp cận các phòng tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện vì sợ bị kỳ thị; 16,7% đối tượng không thể tiếp cận với điều trị kháng virus HIV vì sợ bị kỳ thị.
Cho đến thời điểm hiện tại, phân biệt đối xử trong việc tiếp cận việc làm, y tế và giáo dục đã được cải thiện nhưng chưa chấm dứt, được thể hiện một cách kín đáo hơn như người nhiễm HIV bị điều chuyển công tác, cắt hợp đồng với lý do không rõ ràng, phụ huynh học sinh không cho con họ chơi chung với con người nhiễm HIV học cùng lớp, cùng trường.
Kết quả khảo sát cho thấy những người nhiễm HIV đã kết hôn có khả năng bị kỳ thị cao hơn gấp nhiều lần so với những người nhiễm chưa kết hôn. Những người nhiễm HIV không được gia đình chăm sóc khi ốm đau có nguy cơ bị kỳ thị cao hơn hẳn so với những người có sự chăm sóc của gia đình.
Theo các bác sỹ tham gia cuộc khảo sát, sự hỗ trợ của gia đình và cộng đồng đặc biệt rất quan trọng về cả tinh thần và thể chất của người nhiễm HIV/AIDS. Hầu hết các bệnh nhân đều mong muốn nhận được sự đối xử bình đẳng, cảm thông của cộng đồng để họ vượt qua sự mặc cảm, sống chung lâu dài và khỏe mạnh với HIV.
Sự kỳ thị khiến người nhiễm HIV không muốn tiết lộ tình trạng của mình với những người xung quanh vì những định kiến tiêu cực. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, sự kỳ thị và phân biệt đối xử hiện tại là rào cản lớn nhất đối với việc xét nghiệm, tiếp nhận và tuân thủ điều trị của người nhiễm HIV. Sự kỳ thị và phân biệt đối xử làm suy yếu các nỗ lực phòng ngừa HIV bằng cách ngăn cản các cá nhân tìm kiếm thông tin và điều trị vì sợ những hành động này làm tăng nghi ngờ về tình trạng HIV của họ.
Hơn nữa, các nghiên cứu về kỳ thị, phân biệt đối xử và hành vi tìm kiếm sức khỏe cho thấy người HIV bị kỳ thị có nguy cơ trì hoãn điều trị cho đến khi bệnh nặng cao gấp 2,4 lần. Nỗi sợ bị kỳ thị và phân biệt đối xử, cũng có thể liên quan đến nỗi sợ bạo lực, đã được chứng minh là khiến người sống với HIV không tiết lộ tình trạng của mình ngay cả với các thành viên trong gia đình và bạn tình, đồng thời làm suy giảm sự sẵn sàng tiếp cận và tuân thủ điều trị của họ.
UNAIDS khẳng định chúng ta sẽ không thể chấm dứt đại dịch nếu không chấm dứt tình trạng kỳ thị người nhiễm HIV/AIDS. Nhưng sự kỳ thị của xã hội xung quanh các bệnh truyền nhiễm như HIV/AIDS chỉ có thể được phá bỏ thông qua nhận thức. Vì vậy cần tăng cường giáo dục và truyền thông để tăng cường nhận thức và sự hiểu biết để tiến tới loại trừ HIV/AIDS. Ngành y tế và các bộ ngành liên quan đã tăng cường công tác truyền thông. Việc này làm thay đổi hành vi, nâng cao nhận thức của người dân về nguy cơ, sự lây truyền HIV và các biện pháp phòng tránh, hạn chế kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS...
Bên cạnh đó, truyền thông còn kết nối và thúc đẩy các dịch vụ về dự phòng, chăm sóc và điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS. Nhờ đó cũng góp phần nâng cao trách nhiệm và sự quan tâm của các cấp, các ngành, các tầng lớp xã hội vào công cuộc phòng, chống HIV/AIDS...
Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, tính đến đầu năm 2024, Việt Nam có gần 234.000 người nhiễm HIV/AIDS còn sống, trong đó có 12.800 trường hợp nhiễm HIV trong năm 2023.
Tính đến năm 2023 là tròn 40 năm nhân loại tìm ra virus HIV, riêng Việt Nam đã trải qua 33 năm ứng phó với đại dịch HIV/AIDS. Trong 10 năm qua, số người nhiễm mới HIV đang có xu hướng trẻ hóa nhanh và lây truyền chủ yếu qua quan hệ tình dục không an toàn, đặc biệt là nhóm quan hệ tình dục đồng giới nam.
Thùy Chi