Chia sẻ kinh nghiệm triển khai can thiệp phòng, chống HIV trong nhóm MSM

05/08/2022 14:58

(Chinhphu.vn) - Hiện nhóm quần thể nam MSM ảnh hưởng lớn nhất vào sự gia tăng dịch HIV/AIDS tại Việt Nam. Vì vậy, việc triển khai các chương trình can thiệp giảm hại trong nhóm này là giải pháp đặc biệt quan trọng.

Chia sẻ kinh nghiệm triển khai can thiệp phòng, chống HIV trong nhóm MSM - Ảnh 1.

PGS. TS. Phạm Đức Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS phát biểu. Ảnh: Thùy Chi

Ngày 5/8, tại TPHCM, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) phối hợp với Văn phòng CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam và đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm triển khai can thiệp cho nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM)…

Hội thảo có sự tham gia và chia sẻ kinh nghiệm của các CBO (tổ chức dựa vào cộng đồng) các tỉnh Long An, Bà Rịa- Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai và TPHCM.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS. TS. Phạm Đức Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cảnh báo, tình hình dịch HIV tại Việt Nam có xu hướng tăng cao trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM). Trong thời gian qua, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã triển khai nhiều dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS như dịch vụ xét nghiệm HIV, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP), điều trị HIV, cung ứng bao cao su, chất bôi trơn, khám và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI)… Tuy nhiên, với nhiều lí do mà quần thể MSM khó tiếp cận và sử dụng các dịch vụ HIV còn hạn chế, chưa đủ để khống chế tình hình lây nhiễm HIV trong cộng đồng MSM.

Chia sẻ kinh nghiệm triển khai can thiệp phòng, chống HIV trong nhóm MSM - Ảnh 3.

Bà Sunshine Lickness, Phó Giám đốc Văn phòng CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam. Ảnh: Thùy Chi

Giám sát trọng điểm 2020, tỷ lệ nhiễm HIV tới 13,3% trong MSM, ở một số tỉnh đặc biệt cao như: An Giang (13,5%), Kiên Giang và TPHCM (14,7%), Cần Thơ (22,7%).

Tại hội thảo các tổ chức dựa vào cộng đồng đã chia sẻ kinh nghiệm, sự sáng tạo và các phương pháp tiếp cận cộng đồng với các đối tượng nguy cơ cao; tập trung vào 4 vấn đề: Các yếu tố làm tăng nguy cơ lây truyền HIV trong nhóm MSM/TG; Tiếp cận với nhóm MSM trẻ, vị thành niên như thế nào – Mô hình hiệu quả và bài học kinh nghiệm; Tăng cường tiếp cận và sử dụng dịch vụ xét nghiệm HIV và STIs; Tăng cường tiếp cận và sử dụng dịch vụ PrEP…

Đánh giá về vai trò của các CBO, ThS. BS. Cao Kim Thoa, Phó Trưởng Phòng Dự phòng lây nhiễm HIV, Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết: Hiện nay nhóm quần thể MSM ảnh hưởng lớn nhất vào sự gia tăng dịch HIV/AIDS tại Việt Nam. Tiếp cận nhóm quần thể này khó hơn các nhóm quần thể đích khác nếu không có sự tham gia tích cực của các nhóm CBO mà thành viên cốt cán là các đồng đẳng MSM. Các bạn có sự đồng cảm, chia sẻ về tâm tư tình cảm và dễ dàng có tiếng nói chung trong cuộc sống. Vì vậy, các nhóm CBO là cánh tay nối dài của các cơ sở y tế để tiếp cận, kết nối các khách hàng đến tư vấn xét nghiệm, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP), điều trị HIV/AIDS cũng như điều trị đồng nhiễm khác.

Chia sẻ kinh nghiệm triển khai can thiệp phòng, chống HIV trong nhóm MSM - Ảnh 4.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Thùy Chi

Bà Sunshine Lickness, Phó Giám đốc Văn phòng CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam (văn phòng phía Nam) khẳng định, luôn sát cánh cùng Cục Phòng, chống HIV/AIDS và luôn mong muốn được hỗ trợ các tổ chức dựa vào cộng đồng trong chương trình phòng, chống HIV/AIDS.

Tính đến Quý II/2022, PEPFAR/CDC đã hỗ trợ xét nghiệm cho 44.000 khách hàng là MSM/LGBTIQ+; 23.000 khách hàng sử dụng PrEP và hỗ trợ cho 85.000 người điều trị ARV trên cả nước. "Để đạt được thành quả trên là nhờ nỗ lực của các tổ chức dựa vào cộng đồng trong việc đa dạng hóa phương thức tiếp cận và kết nối cộng đồng", bà Sunshine Lickness nhấn mạnh.

Bà Sunshine mong rằng, Việt Nam sẽ tiếp tục xây dựng và thực hiện các mô hình tiếp cận cung cấp dịch vụ HIV toàn diện, để sớm đạt được mục tiêu 95 – 95 – 95 và chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030.     

Thùy Chi

Top