Chiến dịch K=K giúp giảm hàng nghìn người tử vong do AIDS
(Chinhphu.vn) - Anh Nguyễn Anh Phong, đại diện Mạng lưới người sống chung với HIV chia sẻ, Chiến dịch K=K đã giúp giảm hàng nghìn người tử vong do AIDS và là “tia sáng” của cộng đồng người nhiễm HIV.
Trưa ngày 11/5, tại Hà Nội, Quỹ Toàn cầu Phòng, chống AIDS, Lao và Sốt rét tổ chức sự kiện về vai trò quan trọng của chiến dịch Không phát hiện = Không lây truyền (K=K) trong việc chấm dứt đại dịch AIDS với sự tham gia của nhiều đại biểu trong nước và quốc tế, đại diện cộng đồng người nhiễm HIV.
Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia có chất lượng điều trị tốt nhất.
Tại sự kiện, anh Nguyễn Anh Phong, người 17 năm sống chung với HIV cho biết, từ khi có chiến dịch K=K, anh và những người nhiễm HIV đã mạnh dạn bước ra ánh sáng. Nếu như trước đây, những người nhiễm HIV khi nhận xét nghiệm dương tính với HIV, đều lo lắng về sự sống và đặt câu hỏi "Khi nào tôi chết?" thì kể từ sau năm 2017, khi chiến dịch K=K được triển khai trong cộng đồng, người nhiễm HIV đã tin tưởng tuân thủ điều trị. Và từ đó câu hỏi mà mọi người quan tâm nhất là: "Khi nào tôi đạt được K=K?".
Với những người nhiễm HIV, thông điệp K=K là động lực để họ tiếp tục điều trị, có được cuộc sống hoàn toàn khác trước như họ tự tin lập gia đình, sinh con mà không lây nhiễm cho gia đình.
Tại sự kiện, PGS, TS Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho biết, ngay từ năm 2017, khi thông điệp này được phổ biến tại Hội nghị quốc tế về AIDS tại Hà Lan, Việt Nam cũng đã ủng hộ và tổ chức tuyên truyền cho thông điệp này và triển khai Chiến dịch dịch K=K cho tất cả 63 tỉnh, thành phố. Nhờ thành công của chiến dịch này, tỉ lệ điều trị ARV tại Việt Nam đạt kết quả rất tốt. Đến nay, tải lượng virus HIV tại Việt Nam dưới ngưỡng ức chế (<1000 copy/ml máu) đạt 96%, dưới ngưỡng phát hiện (<200 copy/ml máu) đạt 94%.
Để đạt được kết quả trên, Việt Nam đã làm tốt công tác truyền thông tư vấn tốt nên bệnh nhân hiểu lợi ích điều trị sớm, lợi ích của duy trì và tuân thủ điều trị.
Việt Nam liên tục cập nhật các phác đồ điều trị theo khuyến cáo của các tổ chức thế giới nên bệnh nhân được hưởng các loại thuốc và phác đồ tốt nhất theo khuyến cáo Tổ chức Y tế thế giới.
Đặc biệt, Việt Nam có mạng lưới điều trị rộng khắp ở tất cả các tỉnh, thành phố, với hơn 500 điểm cấp phát thuốc tại xã, phường nên bệnh nhân tiếp cận và duy trì điều trị dễ dàng. Việt Nam cũng có nhiều mô hình và sáng kiến được triển khai như: Điều trị 2.0; Mở rộng điều trị trong ngày; cấp phát thuốc nhiều tháng... cũng là tạo điều kiện cho bệnh nhân tiếp cận và tuân thủ điều trị.
Nếu người nhiễm HIV tuân thủ điều trị, tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện sẽ không còn nguy cơ lây nhiễm HIV. Nhờ những nỗ lực trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, Việt Nam được coi là 1 trong 10 quốc gia có chất lượng điều trị tốt nhất.
Theo bà Hương, chính việc tuân thủ điều trị K=K đã giúp giảm tỉ lệ tử vong do HIV từ 10 nghìn người/năm trong những năm trước đây, xuống 2 nghìn người/mỗi năm.
Thúc đẩy chiến dịch K=K để sớm chấm dứt đại dịch AIDS
Chia sẻ tại sự kiện, ông Kate Thompson, Trưởng phòng Cộng đồng, Quyền và Giới, Quỹ Toàn cầu, nhấn mạnh: "Không nên đánh giá thấp tầm quan trọng của thông điệp K=K. Chiến dịch không chỉ là một can thiệp y tế công cộng. Chiến dịch này sẽ giúp giải quyết những quan niệm sai lầm, sự kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV. Đồng thời, ủng hộ cho quyền của mỗi cá nhân và vai trò tiên phong của những người nhiễm HIV trong các nỗ lực dự phòng lây nhiễm HIV".
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương bày tỏ vui mừng trước những kết quả phòng, chống HIV/AIDS mà Việt Nam đã đạt được trong 32 năm qua với sự hỗ trợ của Quỹ Toàn cầu.
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Liên Hương cho hay, để duy trì chất lượng điều trị HIV/AIDS, K=K, Bộ Y tế tiếp tục đẩy mạnh truyền thông về K=K và tình trạng trung tính HIV, điều trị là dự phòng.
Đồng thời, ngành y tế sẽ cải tiến công tác xét nghiệm HIV theo hướng thuận lợi cho những người có hành vi nguy cơ cao với các mô hình khác nhau như xét nghiệm tại cộng đồng, qua trang web, tự xét nghiệm để phát hiện sớm nhiễm HIV và được điều trị ARV sớm, hỗ trợ tuân thủ điều trị để bệnh nhân sớm đạt tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện.
Việt Nam áp dụng những khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới trong việc tổ chức hệ thống xét nghiệm, điều trị HIV/AIDS và theo dõi kết quả điều trị.
Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường truyền thông về hiệu quả của điều trị HIV/AIDS để người có hành vi nguy cơ dễ lây nhiễm tiếp cận sớm với các dịch vụ xét nghiệm, điều trị để cán bộ y tế, người thân, gia đình và cộng đồng không kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV; người nhiễm HIV và người có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV cũng phải tự vươn lên, vượt qua khó khăn, rào cản, không tự kỳ thị chính mình. Quan trọng nhất của thông điệp chính là giảm đi sự kỳ thị của cộng đồng với những người nhiễm HIV.
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương mong muốn các tổ chức quốc tế tiếp tục đồng hành, giúp Việt Nam tháo gỡ những khó khăn trong việc triển khai chiến dịch K=K rộng rãi trong cộng đồng, để chiến dịch này tiếp tục được lan tỏa rộng rãi hơn nữa, để mọi người hiểu được lợi ích của việc điều trị ARV, giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV. Theo Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, đây chính là giải pháp để thực hiện mục tiêu "Kết thúc dịch AIDS vào năm 2030".
Không phát hiện = Không lây truyền (thường gọi tắt là K=K) nghĩa là một người có HIV uống thuốc ARV hằng ngày theo chỉ định, đạt được và duy trì tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện sẽ thực sự không có nguy cơ làm lây truyền HIV qua đường tình dục sang cho bạn tình không có HIV. Tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện được quy ước là dưới 200 bản sao/1ml máu.
K=K là một can thiệp và phương pháp tiếp cận dựa trên bằng chứng quan trọng trong Ghi chú thông tin về HIV năm 2022 của Quỹ Toàn cầu, một trong 22 chương trình thiết yếu quan trọng để đạt được các mục tiêu đầy tham vọng đặt ra trong Chiến lược Quỹ Toàn cầu 2023-2028.
Thùy Chi