Chính phủ Việt Nam luôn dành ưu tiên cao cho nhiệm vụ phòng chống ma túy
(Chinhphu.vn) - Chính phủ Việt Nam luôn dành ưu tiên cao cho nhiệm vụ phòng, chống tội phạm ma túy với những biện pháp tích cực của quốc gia, đi đôi với hợp tác quốc tế và khu vực.
Từ ngày 12 - 17/3, Hội nghị lần thứ 66 của Uỷ ban kiểm soát ma tuý Liên Hợp Quốc (CND66) đã diễn ra tại Thủ đô Viên, Cộng hoà Áo.
Đoàn đại biểu liên ngành của Việt Nam gồm Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính thuộc Uỷ ban quốc gia phòng, chống AIDS, ma tuý, mại dâm do Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý, Bộ Công an làm Trưởng đoàn tham dự Hội nghị
Tại phiên khai mạc, bà Ghada Gathi Wady, Giám đốc điều hành Cơ quan phòng, chống ma tuý và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) cho biết, Liên Hợp Quốc quan tâm sâu sắc tới mối hiểm hoạ đang ngày càng gia tăng do vấn nạn ma tuý gây ra trên toàn cầu, đòi hỏi sự chia sẻ trách nhiệm thông qua việc tăng cường hợp tác quốc tế một cách có hiệu quả giữa các Chính phủ
Theo bà Ghada Gathi Wady, cần có biện pháp tổng thể, cân đối chung giữa các chiến lược giảm cung, giảm cầu và hợp tác quốc tế được thực hiện trên cơ sở tuân thủ đầy đủ nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp quốc, luật pháp quốc tế và Tuyên bố thế giới về nhân quyền, đặc biệt tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia.
Các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế cần tăng cường hợp tác chặt chẽ trong việc triển khai các biện pháp đồng bộ, toàn diện ở tầm quốc gia, khu vực và quốc tế; thực hiện cân bằng các biện pháp giảm cung, giảm cầu. Đặc biệt, cần tập trung xem xét, đánh giá tổng thể các kết quả trong 14 năm thực hiện Tuyên bố chính trị và Kế hoạch hành động năm 2009; từ đó đẩy mạnh hợp tác để đối phó một cách hữu hiệu trước những thách thức nhằm tiếp tục hiện thực hóa các mục tiêu của Tuyên bố chính trị năm 2009 trong giai đoạn tiếp theo.
Bên lề Hội nghị CND66, đoàn đại biểu Việt Nam đã tham dự Cuộc họp giữa các nước tiểu vùng sông Mekong và UNODC. Đây là cuộc họp có ý nghĩa quan trọng, thảo luận và bàn về công tác chuẩn bị tổ chức hội nghị Bộ trưởng các nước tiểu vùng sông Mekong về phòng, chống ma túy, diễn ra tại Trung Quốc trong năm nay, Đồng thời cũng là dịp kỷ niệm 30 năm ký kết thỏa thuận hợp tác phòng chống ma túy giữa các nước tiểu vùng sông Mekong và UNODC.
Tại cuộc họp, Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam cho biết, Chính phủ Việt Nam luôn dành ưu tiên cao cho nhiệm vụ phòng, chống tội phạm ma túy với những biện pháp tích cực của quốc gia, đi đôi với hợp tác quốc tế và khu vực; triển khai nhiều chủ trương, giải pháp huy động các cấp, các ngành và toàn dân tham gia phòng ngừa và đấu tranh quyết liệt với các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, nhất là tội phạm và tệ nạn ma túy, từng bước kiềm chế và làm giảm tội phạm, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh quốc gia, bảo vệ trật tự, an toàn xã hội, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
"Việt Nam luôn là một thành viên tích cực và có trách nhiệm của cơ chế hợp tác các nước tiểu vùng sông Mekong về phòng, chống ma túy, chủ động hội nhập quốc tế, tích cực tham gia xây dựng và triển khai các chương trình, sáng kiến trong Kế hoạch hành động tiểu vùng về phòng, chống ma túy, góp phần nâng cao vai trò và vị thế quốc tế, vì lợi ích của quốc gia, khu vực và trên toàn thế giới", Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện cho biết.
Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam đề nghị Chính phủ các nước thành viên MOU tiếp tục khẳng định ngày càng nâng cao hơn nữa vai trò chủ đạo, tăng cường tính tự chủ trong xây dựng các chính sách, chiến lược kiểm soát ma túy của quốc gia và tiểu vùng; tăng cường hợp tác quốc tế toàn diện để đấu tranh có hiệu quả với tình hình sản xuất, mua bán trái phép ma túy tổng hợp và thất thoát tiền chất trong khu vực.
Đồng thời mong muốn UNODC, cộng đồng quốc tế tiếp tục dành sự quan tâm, tài trợ kĩ thuật và tài chính, góp phần giúp tiểu vùng đẩy lùi vấn nạn ma túy theo đúng tinh thần Nghị quyết MOU đã thông qua tại các kỳ CND và Kỳ họp đặc biệt của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về vấn đề ma túy toàn cầu năm 2016, bảo đảm sự phát triển kinh tế và an ninh trật tự tại các quốc gia nói riêng và khu vực nói chung.
Ủy ban Kiểm soát ma tuý (gọi tắt là CND) là một tổ chức thuộc Liên Hợp Quốc với chức năng, nhiệm vụ là cơ quan hoạch định chính sách và chiến lược phòng, chống ma tuý toàn cầu; kiểm soát việc thực hiện 3 Công ước Quốc tế về phòng, chống ma tuý.
Hội nghị CND diễn ra thường niên, là diễn đàn hợp tác quốc tế lớn nhất toàn cầu, thảo luận các chính sách, Nghị quyết toàn cầu về vấn đề ma túy. Hội nghị CND66 lần này có sự tham gia của 1200 đại biểu quốc tế từ 140 đoàn quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc, các nước quan sát viên, các vùng lãnh thổ, 60 tổ chức quốc tế và 91 tổ chức liên chính phủ, phi chính phủ.
PV