Chủ nghĩa thực dân và sự phát triển của thuốc phiện ở châu Á
Các học giả cho rằng ban đầu con người khám phá ra thuốc phiện mọc hoang trên những ngọn núi phía Đông của Địa Trung Hải từ thời đồ đá mới. Y văn thời cổ cho biết, cây thuốc phiện dạng thô đã được những thầy thuốc thời cổ đánh giá cao từ hàng trăm năm trước công nguyên. Những ông tổ ngành y như Hyppocrate ở Hy Lạp và Ga Len ở thời La Mã đã biết đến nó.
Các học giả cho rằng ban đầu con người khám phá ra thuốc phiện mọc hoang trên những ngọn núi phía Đông của Địa Trung Hải từ thời đồ đá mới. Ảnh minh họa |
Từ phía Đông Địa Trung Hải, cây thuốc phiện lan dần về phía Tây sang châu Âu trong thời đồ đá mới và theo chân các thương nhân Ả Rập vào Trung Quốc từ khoảng thế kỷ VI hoặc VII sau công nguyên. Tuy nhiên, việc trồng giống cây này vẫn rất hạn chế và thuốc phiện hầu như chỉ được dùng trong y học. Đây là thứ thuốc vào thời đó được gọi là thần dược cho những căn bệnh về tiêu hoá.
Từ thế kỷ XVII và nhất là thế kỷ XVIII, XIX các nước thực dân phương Tây ra sức chiếm đoạt thị trường thế giới. Ở châu Á, các nước Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Myanmar... đã bị các nước thực dân giành nhau thôn tính. Trung Quốc cũng trở thành miếng mồi béo bở để các nước thực dân phân chia. Để chống lại chính sách đóng cửa của chính quyền Mãn Thanh thời bấy giờ, các nước thực dân tìm mọi cách mở toang cánh cửa bằng việc buôn bán thuốc phiện, món hàng mang lại lợi nhuận khổng lồ.
Đầu tiên, người Bồ Đào Nha và Hà Lan bán thuốc phiện cho Trung Quốc. Lúc đầu chỉ có quan lại và dân ăn chơi hút thuốc phiện, nhưng sau đó, số người hút ngày càng nhiều, không chỉ đàn ông mà cả đàn bà cũng hút. Ở vùng Vân Nam, Giang Nam cũng bắt đầu có người kinh doanh thuốc phiện và trồng cây thuốc phiện. Tác hại của thuốc phiện làm cho kinh tế Trung Quốc sa sút, bạc trắng bị chạy ra ngoài khá nhiều.
Nạn thuốc phiện đã phá hoại nền kinh tế và xã hội Trung Quốc một cách trầm trọng. Vào đầu năm 1799, triều đại phong kiến Trung Quốc đã ban hành sắc lệnh cấm hút thuốc phiện, song tình hình nghiện hút vẫn không giảm vì nguồn gốc thuốc phiện chuyển từ Ấn Độ vào Trung Quốc ngày càng nhiều. Số lượng thuốc phiện nhập vào Trung Quốc tăng từ 13 tấn năm 1729 lên 64 tấn năm 1767 và tăng lên 640 tấn năm 1820 và 1830, đến năm 1838 đã lên tới 2.500 tấn. Vào những năm 1830, đã có đến trên 12 triệu người ở tất cả các tầng lớp xã hội Trung Quốc nghiện thuốc phiện.
Khi những biện pháp áp dụng nhằm ngăn chặn dòng thuốc phiện vào trong nước bị thất bại và trước sức ép của phong trào đấu tranh đòi cấm thuốc phiện của nhân dân, chính quyền Trung Quốc quyết định hành động. Ngày 31/12/1838, vua Đạo Quang phái Lâm Tắc Từ làm khâm sai đại thần tại Quảng Châu để thực hiện việc cấm thuốc phiện một cách triệt để. Lâm Tắc Từ đã ra lệnh cho thương nhân Anh và các nước khác phải nộp hết số thuốc phiện còn lại và cam kết không bao giờ chở thuốc phiện đến bán nữa. Trước thái độ kiên quyết của phái Lâm Tắc Từ và sức mạnh của quần chúng nhân dân, thương nhân Anh buộc phải đem nộp toàn bộ số thuốc phiện hơn 2 vạn hòm và bị thiêu huỷ ròng rã 22 ngày đêm (từ 3-25/6/1839) trong tiếng reo hò phấn khởi của nhân dân Hạ Môn.
Sau khi sự việc trên xảy ra, tháng 4/1840, Quốc hội Anh thông qua ngân sách, tổ chức một đội quân xâm lược sang Trung Quốc do Charles Elliot cầm đầu. Tháng 6 năm 1840, đội quân viễn chinh phương Đông của Anh gồm 15.000 người và hơn 40 tàu chiến đến Quảng Đông bắt đầu cuộc chiến tranh với Trung Quốc mà lịch sử gọi là Cuộc chiến tranh thuốc phiện lần thứ nhất (1840-1842). Ban đầu, cục diện cuộc chiến ở thế giằng co, nhưng sau đó ưu thế nghiêng dần về quân Anh. Ngày 29/8/1842, trên chiến hạm Cornwallis, đại diện nhà Thanh buộc phải ký với Anh bản Hiệp ước Nam Kinh. Nội dung chủ yếu của Hiệp ước Nam Kinh gồm: Trung Quốc phải mở 5 cửa biển cho tự do thông thương là Quảng Châu, Phúc Châu, Ninh Ba, Hạ Môn và Thượng Hải; Trung Quốc cắt nhượng vĩnh viễn đảo Hồng Công cho Anh; 3- Nhà Thanh phải bồi thường cho Anh 21 triệu bảng; Thuế nhập khẩu, xuất khẩu của Anh phải do hai bên bàn bạc; Anh được hưởng quyền lãnh sự tài phán ở Trung Quốc.
Ngày 26/6/1843, Hong Kong chính thức trở thành thuộc địa của Anh, người Anh đã đầu tư vào để phát triển và biến nơi đây thành một trung tâm thương mại, đồng thời cũng là nơi tạm nhập nguồn thuốc phiện từ Ấn Độ và Iran để chuyển vào Trung Quốc, Nhật, Macao, Philippin, Indonesia, Australia, Peru, Chile, Hoa Kỳ, Canada, Anh, Pháp. Từ năm 1850, mỗi năm hơn 3.300 tấn thuốc phiện đã được nhập từ Ấn Độ vào Trung Quốc. Con số này tăng lên 5.500 tấn năm 1855. Vì thế một lần nữa, Trung Quốc phải đương đầu với nạn nghiện ma tuý.
Cuộc chiến tranh thuốc phiện lần thứ hai (1857-1860) nổ ra do một sự kiện được gọi là sự cố Ya Luo Hao. Tháng 10 năm 1856, binh lính ở Quảng Đông bắt giữ một tàu Trung Quốc có tên là Ya Luo Hao và 10 thuỷ thủ trên tàu vì tội buôn lậu. Tổng lãnh sự Anh tại Quảng Châu đã cho rằng đó là tàu đăng ký tại Hong Kong, mang cờ Anh nên nhà Thanh không có quyền xâm phạm. Trên thực tế đăng ký của tàu đó tại Hong Kong đã hết hạn, do vậy nó thuộc quyền quản lý của phía Trung Quốc, việc bắt giữ những kẻ buôn lậu trên tàu là hoàn toàn hợp pháp. Nhưng vào thời điểm đó, chính quyền Trung Quốc quá yếu, không thể chống lại được sự khiêu khích của phía Anh. Trong khi đó phía Anh cũng muốn phát động một cuộc chiến mới để “dạy” cho nhà Thanh một bài học nữa. Đầu năm 1857, Anh và Pháp tiến đánh Quảng Châu, mở đầu cho cuộc chiến tranh thuốc phiện lần thứ hai. Một năm sau, 1858, liên quân Anh – Pháp tiến lên phía Bắc đánh Thiên Tân, đe doạ trực tiếp Bắc Kinh. Triều đình nhà Thanh hoảng sợ đã vội vã ký Hiệp ước Thiên Tân, hợp pháp hoá các hoạt động buôn bán thuốc phiện bằng cách thu thuế hải quan.
Lượng thuốc phiện tràn vào Trung Quốc ngày càng tăng lên. Năm 1880 con số này đã lên đến 6.000 tấn. Trong các địa giới của tầng lớp phong kiến và địa chủ quân phiệt đã bắt đầu trồng cây thuốc phiện nhằm “tích luỹ của cải”. Trung Quốc đã trở thành nước trồng cây thuốc phiện lớn nhất thế giới, sản lượng thuốc phiện trung bình hằng năm trong thời gian từ 1904 – 1908 là khoảng 100.000 tấn. Cộng với số thuốc phiện nhập vào từ Ấn Độ, Iran là 300 tấn một năm, Trung Quốc đã trở thành đất nước của những con nghiện. Ma tuý đã cuốn hút tất cả mọi tầng lớp, đủ mọi lứa tuổi, ở thành thị cũng như ở nông thôn và vùng hẻo lánh.
Theo đà phát triển kinh tế thuộc địa, dòng di dân Trung Quốc ra nước ngoài bắt đầu diễn ra với quy mô nhỏ vào cuối thế kỷ 18, tăng dần vào giữa thế kỷ 19 và trở thành một trào lưu ồ ạt vào đầu thế kỷ 20. Phần lớn người Hoa đến các nước Đông Nam Á, nơi rất dễ tìm công ăn việc làm. Thuốc phiện và việc sử dụng thuốc phiện đã lan truyền rộng khắp thông qua mạng lưới người Hoa di cư và mối liên hệ của họ với quê hương bản quán. Nguy cơ càng lớn khi việc sử dụng thuốc phiện đã vượt ra khỏi cộng đồng người Hoa. Đến cuối thế kỷ 19, những tiệm hút công quản trở nên phổ biến ở mọi quốc gia và thuộc địa ở Đông Nam Á để đáp ứng một thị trường tiêu thụ ngày càng lớn trong những cộng đồng người Hoa, Thái, Myanma, Việt Nam, Malaysia.
Nhiều dân tộc vùng miền núi Hoa Nam, nhất là người Mông và người Dao đã liên tục di cư xuống miền núi Đông Dương trong suốt thế kỷ 19 để tránh sự đàn áp của chính quyền trung ương đã mang theo những kỹ năng trồng thuốc phiện.