Cùng hành động và kết hợp sức mạnh với vai trò chủ động để kết thúc HIV/AIDS
(Chinhphu.vn) - Cùng hành động và kết hợp sức mạnh về cam kết với vai trò chủ động, tích cực chúng ta có thể tạo ra những thay đổi to lớn, tích cực trong phòng, chống HIV.
Sáng 25/11, tại TP. Hải Phòng, Bộ Y tế phối hợp với UBND TP. Hải Phòng tổ chức Lễ Mít tinh hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS năm 2023 với chủ đề "Cộng đồng sáng tạo - Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030".
Tham dự Lễ Mít tinh có các đồng chí: Đào Hồng Lan, Bộ trưởng Bộ Y tế, Phó Chủ tịch Uỷ ban quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm; Lê Tiến Châu, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí Thư thành ủy Hải Phòng, đại diện lãnh đạo các bộ ngành, đại diện các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi Chính phủ và khoảng hơn 1.200 người dân thành phố Hải Phòng.
Dịch HIV/AIDS vẫn đang còn nhiều thách thức
Phát biểu tại Lễ Mít tinh, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, HIV không chỉ là một bệnh truyền nhiễm mà còn là vấn đề y tế công cộng của mỗi quốc gia và toàn cầu. Năm nay đánh dấu mốc tròn 40 năm thế giới tìm ra virus HIV. Việt Nam đã trải qua 33 năm ứng phó với đại dịch HIV với gần 250.000 người nhiễm HIV. Biết bao thăng trầm, cảm xúc bởi khủng hoảng do HIV gây ra đã tác động không nhỏ đến kinh tế, xã hội và sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền các cấp, sự tham gia của các Ban, ngành, đoàn thể, nhân dân, chúng ta đã và đang từng bước khống chế, kiểm soát được đại dịch.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho hay, dịch HIV/AIDS vẫn đang còn nhiều thách thức, những năm gần đây xu hướng dịch có dấu hiệu thay đổi, dịch tăng nhanh trong nhóm trẻ tuổi (từ 15-29 tuổi), các trường hợp mới phát hiện chủ yếu thuộc nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới chiếm 80%.
"Trước bối cảnh đó, Bộ Y tế cùng các bộ, ngành và các địa phương trên cả nước tiếp tục triển khai mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS theo hướng tiếp cận toàn diện; Cung cấp dịch vụ từ dự phòng, xét nghiệm và điều trị HIV/AIDS; Mở rộng độ bao phủ các dịch vụ HIV có chất lượng; Huy động nguồn tài chính trong nước cho phòng, chống HIV/AIDS đặc biệt là Quỹ bảo hiểm y tế chi trả cho các dịch vụ về điều trị HIV/AIDS", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, nhiều mô hình, sáng kiến về cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS được nghiên cứu, áp dụng và triển khai phù hợp với bối cảnh dịch HIV có nhiều thay đổi ở Việt Nam.
"Cộng đồng sáng tạo - Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030"
Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, năm nay, Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm chọn chủ đề cho Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS là: "Cộng đồng sáng tạo - Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030". Để góp phần kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030, chúng ta hãy cùng nhau cam kết, chung tay hành động NGAY VÀ LUÔN, mỗi hành động của chúng ta, dù nhỏ nhất cũng có thể góp phần kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030.
Thay mặt Bộ Y tế, Cơ quan thường trực phòng, chống AIDS, Bộ trưởng Đào Hồng Lan đề nghị: Các cấp lãnh đạo, các ban, ngành, đoàn thể trung ương và địa phương tiếp tục quan tâm đến chương trình phòng, chống HIV/AIDS, chỉ đạo các đơn vị liên quan bám sát các mục tiêu Chiến lược quốc gia của Chính phủ để xây dựng kế hoạch hành động cho từng năm, từng giai đoạn và triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS một cách sáng tạo và hiệu quả.
Các địa phương cần tăng cường đầu tư, phân bổ ngân sách, bảo đảm tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS; lồng ghép nội dung phòng, chống HIV/AIDS vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ngành y tế cần tiếp tục tăng cường, mở rộng độ bao phủ và nâng cao chất lượng các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm, chăm sóc, điều trị HIv. Đẩy mạnh hoạt động truyền thông, can thiệp giảm hại, điều trị HIV. Tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân tiếp cận các dịch vụ dự phòng và điều trị HIV.
Các tổ chức cộng đồng cần tham gia tích cực, mạnh mẽ hơn nữa, sáng tạo hơn nữa vào các hoạt động phòng chống HIV/AIDS, nhất là trong cung cấp các dịch vụ trực tiếp cho các nhóm đối tượng đích.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm ủng hộ cả về tài chính và kỹ thuật, sự đồng hành và hỗ trợ của các tổ chức quốc tế cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS sẽ giúp Việt Nam tiếp cận nhanh hơn với khoa học kỹ thuật, với các sáng kiến mới, với các thực hành tốt từ đó Việt Nam có thể sớm đạt được các mục tiêu đã đề ra.
Việt Nam đạt nhiều kết quả ấn tượng trong phòng, chống HIV/AIDS
Phát biểu tại Lễ Mít tinh, bà Ramla Khalidi, Quyền Điều phối viên thường trú, Liên Hợp Quốc tại Việt Nam đánh giá, nhờ duy trì liên tục vai trò lãnh đạo, cam kết và các hành động mạnh mẽ trong công tác phòng, chống HIV, Việt Nam đã thành công trong việc đẩy mạnh hơn nữa việc đưa vào thí điểm và triển khai mở rộng các sáng kiến mới, lấy con người làm trung tâm, nhằm cải thiện hơn nữa tiếp cận đến các dịch vụ phòng, chống HIV.
"Có thể kể đến đề án cấp phát thuốc điều trị methadone nhiều ngày, sáng kiến phân phát test để tự xét nghiệm HIV qua trang web, cấp phát thuốc ARV nhiều ngày và tốc độ mở rộng rất ấn tượng độ bao phủ dịch vụ dự phòng HIV trước phơi nhiễm (PrEP). Việc nhanh chóng triển khai các sáng kiến này đồng thời tiếp tục mở rộng các dịch vụ có tác động lớn trong phòng, chống dịch đã mang lại những kết quả to lớn trong việc đưa người nhiễm HIV vào điều trị và giữ cho những người đang điều trị HIV có tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế để họ không làm lây truyền HIV sang người khác, và giảm số người nhiễm mới HIV", bà Ramla Khalidi nhấn mạnh.
Theo bà Ramla Khalidi, đây là những kết quả rất ấn tượng mà chương trình phòng, chống HIV đã đạt được. Việt Nam sẽ không thể đạt được những thành quả này nếu thiếu cam kết chính trị và vai trò lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ trong phòng chống HIV.
Tuy nhiên, bà Ramla Khalidi nhấn mạnh vẫn còn nhiều khó khăn thách thức, chẳng hạn như trong việc tiếp cận tới các nhóm đích trẻ và cung cấp được cho họ các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm và điều trị HIV; trong việc đáp ứng kịp thời với các hình thái lây truyền HIV mới; trong việc giảm kỳ thị và phân biệt đối xử cũng như loại bỏ các rào cản xã hội đang cản trở tiếp cận đến các dịch vụ phòng chống HIV; trong việc duy trì bền vững các dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV hoàn toàn bằng nguồn tài chính trong nước.
Theo bà Ramla Khalidi, để giải quyết những thách thức này đòi hỏi phải tiếp tục hoàn thiện và củng cố khung pháp lý cũng như phối hợp đa ngành trong phòng, chống HIV. Đồng thời phải đẩy mạnh các hoạt động hiệu quả để bảo đảm bền vững những kết quả trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, để tránh trường hợp dịch HIV tái bùng phát giống một vài quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Bà Ramla Khalidi kêu gọi, cùng hành động và kết hợp sức mạnh về cam kết với vai trò chủ động, tích cực chúng ta có thể tạo ra những thay đổi to lớn, tích cực trong phòng, chống HIV, đồng thời thể hiện vai trò đi đầu của Việt Nam trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững hướng tới mục tiêu kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030.
Thùy Chi