Cùng nhau vượt qua những thách thức mới trong phòng, chống HIV/AIDS
(Chinhphu.vn) - Năm 2025 sẽ là năm bản lề cho giai đoạn 5 năm tiếp theo hướng tới chấm dứt dịch bệnh HIV/AIDS vào năm 2030 như Mục tiêu chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Vì vậy, ngành y tế đang nỗ lực đẩy mạnh các hoạt động để vượt qua những thách thức mới, để bảo đảm bền vững các kết quả phòng, chống HIV/AIDS.
Hơn 181 nghìn người nhiễm HIV đang được điều trị ARV
Sau gần 35 năm triển khai thực hiện, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, sự vào cuộc tích cực của các Bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, các địa phương, sự hỗ trợ to lớn của các tổ chức quốc tế, chương trình phòng, chống HIV/AIDS đã đạt được nhiều kết quả tích cực, thu hút được sự quan tâm đặc biệt của các tổ chức trong và ngoài nước, trở thành một trong những điểm sáng về công tác phòng, chống HIV/AIDS tại khu vực và toàn cầu.

Cung cấp thuốc điều trị cho bệnh nhân. Ảnh: VGP/Thùy Chi
Để ứng phó với dịch HIV/AIDS, ngành y tế đã cùng các địa phương trên cả nước triển khai mạnh mẽ và đồng bộ các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS theo hướng tiếp cận toàn diện, cung cấp đầy đủ các dịch vụ từ dự phòng, xét nghiệm và điều trị HIV/AIDS; mở rộng độ bao phủ chương trình. Với nhiều nỗ lực, công tác phòng, chống HIV/AIDS đã đạt nhiều thành tựu.
PGS. TS Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, theo mục tiêu của Chiến lược quốc gia đến năm 2030 hướng tới tầm nhìn "ba không" của Liên Hợp Quốc: Không còn người nhiễm mới HIV, không còn người tử vong do AIDS và không còn kỳ thị, phân biệt đối xử với HIV/AIDS.
Để đạt mục tiêu đề ra, những năm qua, Bộ Y tế triển khai hàng loạt biện pháp dự phòng phơi nhiễm, phối hợp linh hoạt phác đồ điều trị bằng thuốc kháng virus ARV. Việc điều trị ARV đã giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của người nhiễm HIV và giảm đáng kể nguy cơ lây truyền.
Bên cạnh đó, ứng phó với dịch HIV/AIDS, Việt Nam đã và đang triển khai đa dạng mô hình cung cấp dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV tại cơ sở y tế, cộng đồng, tự xét nghiệm HIV, cung cấp sinh phẩm qua website được mở rộng về số lượng và đa dạng dịch vụ bảo đảm trong tiếp cận dịch vụ; mở rộng tại cộng đồng và trong trại giam, bảo đảm K=K (không phát hiện = không lây truyền); bảo đảm điều trị ARV kết hợp đồng nhiễm viêm gan C, các bệnh không lây nhiễm… theo hướng tiếp cận điều trị lấy con người làm trung tâm.
Theo thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, ước tính hiện nay có hơn 267.000 người nhiễm HIV trên cả nước. Năm 2024 giảm cả về số người nhiễm mới và số người tử vong so với năm 2023. Đáng chú ý, đến nay, xét nghiệm nhiễm mới HIV được triển khai tại 50/63 tỉnh, thành phố, toàn quốc có hơn 1.300 phòng xét nghiệm sàng lọc và 251 phòng xét nghiệm khẳng định HIV (tuyến Trung ương có 31 phòng; tuyến tỉnh 80 phòng, tuyến huyện 136 phòng và các đơn vị tư nhân có 4 phòng).
Năm 2024, toàn quốc có gần 48.000 người tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, có gần 70.000 người được điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP); Năm 2023, Việt Nam là quốc gia dẫn đầu Châu Á - Thái Bình Dương về số người được điều trị PrEP, giúp kiểm soát được 97% người sử dụng tránh được nguy cơ lây nhiễm HIV.
Chương trình tư vấn và xét nghiệm HIV được triển khai từ cơ sở y tế đến cộng đồng với nhiều mô hình đa dạng, hàng năm cung cấp dịch vụ tư vấn và xét nghiệm HIV cho khoảng hơn 2 triệu lượt người, phát hiện khoảng 11.000 trường hợp nhiễm HIV. Điều trị HIV/AIDS đạt được nhiều thành tựu, hiện tại toàn quốc có gần 183.000 bệnh nhân được điều trị ARV.
Việt Nam cũng là một trong những nước đứng đầu thế giới về chất lượng điều trị HIV với trên 97% người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng HIV có tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện.
Lo ngại nhiều hệ lụy nếu dừng các dự án phòng, chống HIV/AIDS
Mặc dù Việt Nam đang là một trong những nước điều trị dự phòng lây nhiễm và điều trị HIV/AIDS được đánh giá cao trong khu vực và trên thế giới, nhưng số nhiễm mới hằng năm vẫn ở mức hơn 10.000 người/năm. Số điều trị ARV, hiện nay mới đạt 83%, trong khi đó vẫn còn khoảng 40.000 người nhiễm HIV biết được tình trạng mà chưa tham gia điều trị ARV, và khoảng 30.000 người chưa biết tình trạng HIV. Với những lý do nêu trên, hiện có khoảng 70.000 người nhiễm HIV chưa được điều trị ARV.
Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam đang trong giai đoạn dịch tập trung ở các nhóm có hành vi nguy cơ lây nhiễm cao như: nhóm nghiện chích ma túy, nam quan hệ tình dục đồng giới, phụ nữ bán dâm… Người nhiễm HIV trong nhóm tuổi 15-29 và 30-39 vẫn đang chiếm tỉ lệ lớn và nguyên nhân lây nhiễm qua quan hệ tình dục và đường máu vẫn chiếm tỷ trọng cao.
Bên cạnh đó, người nhiễm HIV thường khó tiếp cận các dịch vụ y tế và cơ hội việc làm do sự kỳ thị từ xã hội. Về địa bàn, dịch HIV đang tập trung chủ yếu tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, TPHCM và Đông Nam Bộ (chiếm tới gần 70% số ca phát hiện nhiễm mới). Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các số liệu cảnh báo dịch cho thấy các khu vực miền núi phía bắc và Tây Nguyên đang tiềm ẩn các nguy cơ làm gia tăng lây nhiễm HIV. Do đó, công tác phòng, chống HIV/AIDS vẫn còn nhiều thách thức, khó khăn, nguy cơ bùng phát trở lại dịch HIV.
Trong bối cảnh nguồn tài chính cho các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV vẫn còn phụ thuộc một phần vào các dự án quốc tế, mới đây việc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã có thông tin chính thức, Chương trình PrEP miễn phí (dự phòng trước phơi nhiễm HIV) sẽ tạm dừng. Ðiều đó dự báo sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phòng, chống HIV/AIDS của địa phương.
Ðược biết, ngày 7/2/2024, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố: Ðồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Hà Nội, Hải Phòng, TPHCM, Long An, Quảng Ninh, Tây Ninh, Thái Nguyên và Tiền Giang về việc tạm dừng các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS thuộc các dự án do Hoa Kỳ tài trợ.
Là một trong những điểm nóng về dịch HIV/AIDS, tại Đồng Nai, Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID) vừa có công văn gửi Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Nai thông báo chính thức ngừng các hoạt động hỗ trợ của dự án dự án USAID/ PATH STEPS và dự án USAID/EPIC đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh cho đến khi có thông báo mới.
BS Vũ Thị Ngọc, Phó Trưởng khoa, phụ trách khoa Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Nai cho biết, thời gian qua, USAID đã hỗ trợ rất hiệu quả cho chương trình phòng chống HIV của tỉnh. Trong đó, nổi bật là hoạt động điều trị PrEP cho các đối tượng nguy cơ cao.
Đặc biệt, Dự án USAID/ PATH STEPS đã hỗ trợ miễn phí tất cả các dịch vụ từ công khám, xét nghiệm, thuốc cho các đối tượng của chương trình, góp phần giảm tỉ lệ lây nhiễm HIV trên các đối tượng nguy cơ cao. Còn dự án USAID/EPIC hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật về điều trị ARV, điều trị PrEP; hỗ trợ công tác tăng cường tìm và kết nối ca dương; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị, con người phục vụ công tác khám chữa bệnh cho bệnh nhân HIV; hỗ trợ các phần mềm tư vấn xét nghiệm HIV, phần mềm trangdieutriarv.vn…
BS Vũ Thị Ngọc lo ngại, trong bối cảnh dịch HIV vẫn đang diễn biến phức tạp, nguy cơ cao lây nhiễm trong cộng đồng, nếu những dự án này dừng hoạt động sẽ ảnh hưởng rất lớn đến công tác phòng chống HIV của tỉnh. Các đối tượng nguy cơ cao sẽ phải chuyển sang các biện pháp dự phòng khác hoặc phải trả phí cho hoạt động điều trị PrEP.
Hiện nay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Nai đang quản lý 6.690 trường hợp nhiễm HIV/AIDS, đạt 95,6% số liệu ước tính tổng số ca nhiễm toàn tỉnh. Trong đó, kết quả thực hiện mục tiêu 90-90-95 như sau: 95,6% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 82% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV); 99,1% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng virus ở mức thấp (dưới 1000 bản sao/ml).
Huy động nguồn lực để không ai bị bỏ lại phía sau
Trong bối cảnh nguồn tài trợ quốc tế cho công tác phòng, chống HIV/AIDS bị cắt giảm, Việt Nam phải đẩy mạnh các giải pháp để bảo đảm bền vững kết quả phòng, chống HIV/AIDS, hướng tới chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030. Để bảo đảm tài chính cho công tác này, Việt Nam đã nỗ lực huy động nguồn lực tài chính trong nước cho công tác phòng, chống HIV/AIDS nhất là việc chi trả các dịch vụ điều trị HIV/AIDS thông qua Quỹ bảo hiểm y tế, các địa phương cũng đã tăng cường ngân sách cho chương trình thông qua các đề án hoặc kế hoạch bảo đảm tài chính, đẩy mạnh sự tham gia của khu vực tư nhân vào phòng, chống HIV/AIDS.
Cùng với đó, tiếp tục huy động và nhận được một nguồn lực đáng kể từ các tổ chức quốc tế. Nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực hỗ trợ quý báu này cũng như thể hiện cam kết đối với cộng đồng tài trợ quốc tế, Việt Nam đã tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, tổ chức có liên quan để kiện toàn Ban Điều phối quốc gia Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV, Lao và Sốt Rét (CCM).
Tại cuộc họp của CCM phiên toàn thể quý I/2025 diễn ra mới đây, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Ban Điều phối quốc gia Quỹ Toàn cầu phòng, chống AIDS, Lao và Sốt Rét (CCM) Việt Nam nhấn mạnh: Trong bối cảnh viện trợ quốc tế cho y tế đang có nhiều thay đổi, các chương trình phòng, chống HIV/AIDS, Lao và Sốt rét tại Việt Nam đang đối mặt với không ít thách thức, đặc biệt là những tác động từ việc cắt giảm ngân sách viện trợ. Vì vậy, vai trò của CCM không chỉ đơn thuần là điều phối mà còn là cầu nối quan trọng giữa các đối tác trong nước và quốc tế, bảo đảm rằng nguồn lực được huy động và sử dụng hiệu quả, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương khẳng định, CCM Việt Nam đã và đang có những bước kiện toàn quan trọng để nâng cao hiệu quả hoạt động. Với sự cam kết và hợp tác chặt chẽ của các thành viên CCM, các cơ quan nhà nước, các tổ chức hỗ trợ phát triển và các tổ chức xã hội và cộng đồng, chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua những thách thức, bảo đảm tính bền vững của các chương trình phòng, chống HIV/AIDS, Lao và Sốt rét tại Việt Nam.
Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu lớn nhất là chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Đây cũng chính là mục tiêu toàn cầu về phòng, chống HIV/AIDS. Để đạt được mục tiêu này, cả nước phải phấn đấu đưa tỉ lệ người nhiễm HIV xuống dưới 1.000 ca mỗi năm vào năm 2030. Nghĩa là phải đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS để hiện thực hoá mục tiêu to lớn này. Chiến lược cũng đề ra các nhóm giải pháp toàn diện về chính trị xã hội, pháp luật, chế độ chính sách, chuyên môn kỹ thuật, bảo đảm tài chính, nhân lực, cung ứng thuốc, sinh phẩm thiết yếu và hợp tác quốc tế…
Để bảo đảm bền vững các kết quả đã đạt được, đồng thời hướng tới kết thúc dịch HIV/AIDS vào năm 2030, Ths Võ Hải Sơn, Phó Cục trưởng Phòng, chống HIV/AIDS cho rằng, trước tiên, sở y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố cần đóng vai trò là sứ mệnh thực hiện, Cục Phòng, chống HIV/AIDS sẽ tư vấn kỹ thuật, tư vấn chính sách, cùng với nhà tài trợ… Trước nguy cơ dịch không chỉ còn nằm trong các tỉnh trọng điểm, chúng ta cần triển khai tốt công tác xét nghiệm, kết nối với chăm sóc điều trị, dự phòng.
Trong công tác dự phòng, đối với người xét nghiệm HIV âm tính phải chuyển ngay sang dự phòng bằng thuốc, với người xét nghiệm HIV dương tính cần chuyển điều trị ARV. Đây cũng là một biện pháp dự phòng hiệu quả, vì khi điều trị, tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế không phát hiện sẽ không làm lây truyền HIV qua đường tình dục. Để đạt được điều này bắt buộc chúng ta phải điều trị sớm, điều trị liên tục và suốt đời, đúng phác đồ…
Lộ trình từ năm 2025 trở đi, Việt Nam cần chuẩn bị kỹ lưỡng việc cơ cấu lại hệ thống, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của địa phương, từ nguồn bảo hiểm y tế cũng như tài trợ của quốc tế. Đặc biệt, cần đầu tư mạnh mẽ và hiệu quả cho công tác dự phòng lây nhiễm HIV trong nhóm nguy cơ cao và cộng đồng. Bên cạnh đó, đẩy mạnh truyền thông nhằm thay đổi sự kỳ thị phân biệt với người nhiễm HIV/AIDS và nâng cao nhận thức của cộng đồng.
Thùy Chi