Đà Nẵng: Mô hình xét nghiệm HIV tại nhà mang lại nhiều kết quả tích cực

18/04/2023 18:07

(Chinhphu.vn) - Việc triển khai mô hình xét nghiệm HIV tại nhà đã giúp cho người dân trên địa bàn TP. Đà Nẵng chủ động, tiếp cận nhanh hơn với các dịch vụ phòng ngừa HIV, giúp phát hiện sớm tình trạng bệnh, đem lại hiệu quả tích cực cho công tác phòng, chống HIV trên địa bàn.

Đà Nẵng: Mô hình xét nghiệm HIV tại nhà mang lại nhiều kết quả tích cực - Ảnh 1.

Làm thủ tục xét nghiệm cho người dân. Ảnh: Thùy Chi

Ông Phạm Trúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng cho biết, năm 2022 địa phương phát hiện 199 ca nhiễm HIV mới, trong đó 105 trường hợp là người Đà Nẵng, số phát hiện lũy tích là 3.417 ca. Hầu hết các ca nhiễm mới trong năm phân bố đồng đều ở 7 quận, huyện và tập trung chủ yếu ở các quận nội thành. 100% phát hiện nhiễm HIV qua đường tình dục, tập trung ở độ tuổi từ 25-49 chiếm 70,5%, trong đó nữ chiếm 9,5% và nam chiếm 90,5%, các đối tượng ghi nhận chủ yếu trong nhóm nam quan hệ tình giục đồng giới chiếm trên 40%.

Số liệu thống kê cho thấy, số ca nhiễm mới đã giảm 100 ca so với năm 2021, tuy nhiên con số này chưa đánh giá đúng thực trạng do độ bao phủ các hoạt động can thiệp còn hạn chế trên các nhóm có hành vi nguy cơ cao; việc tiếp cận nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới còn hạn chế do nhóm có mật độ di biến động cao, nhiều bạn tình, khó lộ diện; khó khăn về sinh phẩm xét nghiệm,...  nên ảnh hưởng đến số phát hiện mới HIV trong cộng đồng.

Năm 2022, cùng với các hoạt động nâng cao năng lực phòng, chống HIV/AIDS như triển khai các đợt giám sát, hỗ trợ chuyên môn cho các tuyến, tập huấn nâng cao năng lực cho các bộ y tế, ngàng y tế Đà Nẵng cũng đã chú trọng công tác điều trị dự phòng trước phơi nhiễm PrEP, điều trị ARV và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Từ tháng 10/2022, ngành y tế đã đưa bệnh nhân HIV/AIDS ổn định phác đồ bậc I vào điều trị tại Trung tâm Y tế quận Thanh Khê và Hòa Vang theo đúng lộ trình, từng bước mở rộng và tăng cường khả năng, nhu cầu tiếp cận điều trị của bệnh nhân HIV.

Đặc biệt, từ tháng 5/2022, thành phố đã triển khai mô hình xét nghiệm HIV tại nhà, với mô hình này đã giúp cho người dân chủ động, tiếp cận nhanh hơn với các dịch vụ phòng ngừa HIV và đã đem lại hiệu quả tích cực.

Dự kiến thời gian tới, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động phòng chống HIV/AIDS như: Can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV; Giám sát xét nghiệm; Điều trị ARV và Dự phòng lây truyền HIV mẹ con. Đặc biệt, mở mới 02 phòng khám ngoại trú (tại quận Hải Châu và Liên Chiểu) dự kiến đi vào hoạt động quí IV/2023 và tiếp tục khảo sát mở rộng độ bao phủ phòng khám ngoại trú đến các quận còn lại trên địa bàn.

Tập trung các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS để giảm số người mới nhiễm HIV và tử vong liên quan AIDS, chấm dứt dịch AIDS tại thành phố vào năm 2030, giảm tối đa tác động của dịch HIV/AIDS đến sự phát triển kinh tế - xã hội.

Phấn đấu giảm số bệnh nhân nhiễm mới HIV; phấn đấu 85% người nhiễm HIV trong cộng đồng biết được tình trạng nhiễm HIV; 85% người nhiễm HIV diện quản lý được điều trị ARV và 95% bệnh nhân điều trị ARV có tải lượng virus HIV thấp dưới ngưỡng ức chế.

Bên cạnh đó, phấn đấu đạt 100% người nhiễm HIV tham gia điều trị ARV có thẻ Bảo hiểm Y tế; 26% tỉ lệ người có nguy cơ cao, nam quan hệ tình dục đồng giới được điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc kháng HIV.

Để đạt được các mục tiêu đã đề ra, Đà Nẵng sẽ tập trung thực hiện các nội dung cụ thể như: Can thiệp, dự phòng và giám sát dịch; Hoạt động điều trị ARV và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; Tăng cường năng lực hệ thống phòng, chống HIV/AIDS; Tạo môi trường thuận lợi triển khai công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn thành phố…

Thùy Chi

Top