Đấu tranh với tội phạm: Không có vùng cấm, không có ngoại lệ

28/12/2022 13:06

(Chinhphu.vn) - Năm 2022, tình hình tội phạm tại TPHCM được kiềm chế, kéo giảm 7,37% so với cùng kỳ năm 2019. Điều tra khám phá nhiều vụ án về hình sự, tham nhũng, kinh tế, ma túy, môi trường, đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra.

Đấu tranh với tội phạm: Không có vùng cấm, không có ngoại lệ - Ảnh 1.

Thừa ủy quyền Chủ tịch nước, Bộ trưởng Tô Lâm và đồng chí Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, trao tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì, Ba và danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc cho các đồng chí trong Ban Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh

Thiếu tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TPHCM cho biết, trong năm 2022, Công an TPHCM luôn chủ động nắm vững tình hình, triển khai thực hiện có hiệu quả các mặt công tác nghiệp vụ để kịp thời tham mưu lãnh đạo Bộ Công an, Thành ủy, UBND thành phố đưa ra các chủ trương, giải pháp giải quyết hiệu quả các vấn đề phức tạp về ANTT, giữ vững ổn định chính trị; chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch và các loại tội phạm…

Công an TPHCM đã mở nhiều đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, giải quyết tốt những vấn đề phức tạp nổi lên. Qua đó tình hình tội phạm được kiềm chế, kéo giảm 7,37% so với cùng kỳ năm 2019. Điều tra khám phá nhiều vụ án về hình sự, tham nhũng, kinh tế, ma túy, môi trường, đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra.

Theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, năm 2023, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục biến động phức tạp; trong nước nói chung và thành phố nói riêng, những khó khăn về kinh tế - xã hội vẫn tiếp diễn, tình hình trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp... Do đó, nhiệm vụ của lực lượng Công an thành phố trong đảm bảo ANTT, giữ vững ổn định an ninh chính trị để tạo môi trường an toàn, bình yên cho thành phố là nhiệm vụ rất nặng nề.

Vì vậy, Bộ trưởng Tô Lâm chỉ đạo Công an TPHCM phải giữ vững thế chủ động chiến lược, sớm nhận diện các nguy cơ, thách thức, khó khăn đang đặt ra, để từ đó chủ động, kịp thời tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai các phương án, kế hoạch ứng phó, phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống phức tạp về ANTT có thể xảy ra ngay từ đầu và tại cơ sở.

Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm trong năm 2023. Trong đó, Công an TPHCM phải làm tốt chức năng tham mưu Thành ủy, HĐND, UBND thành phố thực hiện những chủ trương, giải pháp lớn, các đề án, dự án trọng điểm của thành phố trên lĩnh vực bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn TTATXH. Đặc biệt, Công an thành phố phải xây dựng lực lượng Công an thành phố thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới theo Nghị quyết số 12 của Bộ Chính trị. Đây là nhiệm vụ trọng tâm bao trùm của năm 2023, của cả nhiệm kỳ này và nhiệm kỳ tới.

Trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, Công an TP phải thực hiện đồng bộ các biện pháp kéo giảm tội phạm bền vững; không để tội phạm lộng hành, vì bình yên và hạnh phúc của nhân dân, tăng cường phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm kinh tế, tham nhũng với phương châm "Xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng cả lĩnh vực", theo đúng tinh thần "không có vùng cấm, không có ngoại lệ".

Bộ trưởng Tô Lâm chỉ đạo Công an thành phố phải tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa và tấn công tội phạm, giải quyết triệt để, triệt tiêu nguyên nhân, điều kiện nảy sinh tội phạm ngay từ đầu và ngay tại cơ sở.

Chiều 23/12, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức họp mặt, biểu dương 48 cá nhân tiêu biểu trong công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm ma túy trên địa bàn TPHCM năm 2022.

Trong năm 2022, Uỷ ban MTTQ Việt Nam TPHCM và hệ thống Mặt trận cơ sở có nhiều giải pháp, cách làm hay, hiệu quả trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia công tác phòng chống tội phạm. Đã phối hợp tổ chức được 389 cuộc sinh hoạt quần chúng với 25.643 lượt người tham dự, phối hợp với các đơn vị có liên quan biên soạn và phát hành 7.485 tài liệu tuyên truyền.

Ngoài ra, thực hiện mô hình "Quản lý, cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư" gọi tắt là mô hình "5+1" và "6+1" bằng việc các thành viên của các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp cùng Công an thực hiện cảm hóa, giáo dục người lầm lỗi tại cộng đồng dân cự đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phòng ngừa tội phạm tại cơ sở.

Đối với mô hình "Camera an ninh vì bình yên cuộc sống", mô hình được triển khai rộng khắp tại địa bàn 22 quận, huyện và TP Thủ Đức; MTTQ cơ sở phối hợp cùng Công an vận động nhân dân, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn trang bị hệ thống camera quan sát góp phần cùng chính quyền địa phương trong việc truy xuất hình ảnh, đấu tranh phòng chống tội trên trên địa bàn. Đến nay, MTTQ cơ sở đã phối hợp vận động gắn hơn 1.245 mắt camera tại địa bàn khu dân cư, các tụ điểm phức tạp.

Vĩnh Hoàng

Top