Đầu tư tổng thể, chiến lược cho công tác phòng chống ma túy
(Chinhphu.vn) - Chiều tối 31/10, Uỷ ban Xã hội của Quốc hội tổ chức họp phiên toàn thể lần thứ 16 để thẩm tra Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma tuý đến năm 2030.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đánh giá cao sáng kiến và quyết tâm của Bộ Công an khi đã báo cáo với Chính phủ, trình cấp có thẩm quyền để báo cáo với Quốc hội điều chỉnh chương trình Kỳ họp, bổ sung nội dung Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống ma túy đến năm 2030.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, nếu được thông qua, đây sẽ là Chương trình mục tiêu quốc gia thứ 5, bên cạnh các chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.
Phó Chủ tịch Quốc hội kỳ vọng với tầm vóc là một chương trình mục tiêu quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, Chương trình sẽ đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống ma túy trong tình hình mới trên cơ sở tiếp nối, phát huy những thành tựu, kết quả đã đạt được, tiếp tục thực hiện các nội dung Chương trình phòng, chống ma túy hiện nay chưa hoàn thành; góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về phòng, chống ma túy.
Theo báo cáo của Bộ Công an, do chịu tác động trực tiếp của tình hình ma tuý thế giới và khu vực, tình hình tội phạm, tệ nạn ma tuý ở nước ta ngày càng diễn biến hết sức phức tạp với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, manh động và nguy hiểm.
Trung bình mỗi năm, lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ trên 23.000 vụ, 32.000 đối tượng phạm tội về ma túy. Số người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy hiện còn ở mức rất cao (trên 223.000 người), chưa được kéo giảm và ngày càng trẻ hóa với xu hướng sử dụng ma túy tổng hợp.
Các loại ma túy mới có độc tính cao, làm gia tăng nguy cơ và hệ lụy nghiêm trọng đối với sức khỏe, giống nòi, chất lượng lực lượng lao động, nhất là thế hệ trẻ.
Đây là nguyên nhân làm gia tăng các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật, gây mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội, đe doạ nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của đất nước…
Trước tình hình đó, việc xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 là nhiệm vụ hết sức trọng tâm, cấp bách Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thực hiện nhằm tập trung đầu tư, giải quyết những vấn đề cấp bách liên quan đến ma túy.
Trong đó, nếu không có sự đầu tư tổng thể, chiến lược, có trọng tâm, trọng điểm thì tội phạm và tệ nạn ma túy sẽ ngày càng trở lên nguy hiểm, phức tạp và gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng hơn đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển bền vững của đất nước.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ, trong thời gian rất gấp, từ tháng 01/2024 đến nay, Bộ Công an đã rất quyết liệt, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan khẩn trương xây dựng, hoàn thiện hồ sơ Chương trình trình Quốc hội xem xét phê duyệt theo đúng thủ tục, quy trình Luật Đầu tư công và các quy định pháp luật có liên quan, bảo đảm chất lượng, khả thi, toàn diện, xuyên suốt trên tất cả các mặt giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại của ma túy.
Tại phiên họp, Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định sự cần thiết xây dựng Chương trình mục tiêu trên cơ sở thực tiễn áp lực tình hình ma túy trên thế giới, khu vực và trong nước ngày càng phức tạp, khó lường làm tăng nguy cơ đe dọa sức khỏe nhân dân, giống nòi, an ninh, trật tự an toàn xã hội và sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.
Chương trình nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm và tệ nạn ma túy; phòng ngừa, đấu tranh tội phạm về ma túy từ sớm, từ xa, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy.
Đồng thời bảo đảm cơ sở vật chất, nhân lực, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cai nghiện, điều trị nghiện ma túy, hỗ trợ can thiệp y tế, tâm lý, trợ giúp pháp lý cho các đối tượng của Chương trình.
Từng bước làm giảm bền vững số người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy; góp phần chăm sóc, bảo vệ tốt hơn quyền con người, xây dựng môi trường xã hội an toàn, lành mạnh, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội.
Chương trình đề xuất 9 Dự án theo 3 lĩnh vực: Giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại của ma túy. Về các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, Chương trình đã đề ra 11 nhóm mục tiêu cụ thể và 20 nhóm chỉ tiêu chủ yếu cần đạt được đến năm 2030, bảo đảm toàn diện, xuyên suốt trên cả 3 lĩnh vực.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh ghi nhận sự nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ trong quá trình xây dựng Chương trình, đồng thời đánh giá hồ sơ có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chặt chẽ, công phu.
Các thành viên Uỷ ban Xã hội của Quốc hội thể hiện sự thống nhất cao đối với báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình của Chính phủ, đồng thời nêu một số vấn đề liên quan đến cơ chế quản lý, điều hành Chương trình, nguồn vốn, cơ chế tài chính… nhằm bảo đảm Chương trình thực hiện đồng bộ, hiệu quả, thiết thực.
Tiếp thu các ý kiến của thành viên Ủy ban Xã hội, Bộ Công an đề nghị Ủy ban Xã hội, các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ngành có liên quan tiếp tục đồng hành, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong quá trình hoàn thiện các thủ tục theo quy định, báo cáo Quốc hội xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình tại các phiên họp sắp tới theo chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV.
Hoàng Giang