Đẩy mạnh phòng, chống mua bán người sang Campuchia

21/09/2022 09:24

(Chinhphu.vn) - Nhằm chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý có hiệu quả tình trạng công dân trên địa bàn tỉnh xuất cảnh trái phép sang Campuchia bị mua bán, bị cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản, Ban Chỉ đạo 138/ĐP tỉnh Đồng Tháp yêu cầu đẩy mạnh phòng, chống mua bán người sang Campuchia.

Đẩy mạnh phòng, chống mua bán người sang Campuchia - Ảnh 1.

Bắt đối tượng bán người sang Campuchia. Ảnh: báo Dân sinh

Cụ thể, Sở Ngoại vụ chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan tham mưu lãnh đạo UBND tỉnh tiếp xúc, làm việc với lãnh đạo tỉnh PreyVeng (Campuchia) để trao đổi tình hình và phối hợp xử lý công dân trên địa bàn tỉnh đang làm việc, lao động bất hợp pháp tại tỉnh PreyVeng, nhất là trong các cơ sở kinh doanh, dịch vụ, đầu tư như: casino, nhà hàng kinh doanh dịch vụ massage, các cơ sở kinh doanh trực tuyến..., kịp thời phát hiện các trường hợp công dân ở Đồng Tháp bị mua bán, bị cưỡng bức lao động, xâm hại sức khỏe, cưỡng đoạt tài sản... để có giải pháp hỗ trợ, giải cứu, hồi hương nạn nhân về nước.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh rà soát các kế hoạch, phương án phối hợp đảm bảo an ninh, trật tự, phòng, chống xuất cảnh, nhập cảnh trái phép trên tuyến biên giới; tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt tuyến biên giới, đảm bảo lực lượng 24/24 tại các chốt, trạm biên phòng. Đồng thời chủ động có phương án ứng phó, xử lý tình huống số lượng lớn công dân Việt Nam bị các chủ cơ sở tại PreyVeng cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản, cùng lúc bỏ trốn về nước như vụ việc xảy ra ngày 18/8/2022 tại biên giới tỉnh An Giang - Kandal, không để bị động, bất ngờ.

Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ trong công tác thu thập thông tin, nắm tình hình và đấu tranh, ngăn chặn tội phạm mua bán người, hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh trái phép và các loại tội phạm xuyên quốc gia khác; tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin với các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Công an các tỉnh, thành phố và các lực lượng chức năng tỉnh PreyVeng trong phòng, chống mua bán người.

Đồng thời mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, đặc biệt là tại khu vực biên giới để kịp thời phát hiện, đấu tranh, xử lý tội phạm mua bán người qua tuyến biên giới Đồng Tháp - PreyVeng, kịp thời giải cứu, tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; thực hiện tốt việc tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố liên quan hành vi mua bán người; khẩn trương xác minh, điều tra làm rõ để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Công an tỉnh chỉ đạo tổng rà soát số lượng công dân Đồng Tháp đi lao động, làm việc tại Campuchia (cả hợp pháp và bất hợp pháp), thông qua gia đình nắm tình trạng hiện tại, nhu cầu của công dân tại Campuchia để phối hợp các ngành chức năng có biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời; phát hiện, xác minh làm rõ các trường hợp nghi vấn bị mua bán, bóc lột sức lao động, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ, đánh đập, tra tấn để giải cứu nạn nhân về nước.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp các sở, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, xác định nhóm đối tượng có nguy cơ cao trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người để có chính sách hỗ trợ, tuyên truyền, vận động, giải quyết việc làm, phân công thành viên các Hội, tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở theo dõi, giúp đỡ cho những đối tượng này, nhằm phòng ngừa, không để bị lôi kéo, dụ dỗ, mua chuộc vào các hoạt động mua bán người.

Các sở, ngành tỉnh, UBND huyện, thành phố đẩy mạnh, đa dạng hóa công tác tuyên truyền trong nội bộ và trong Nhân dân để nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác trước âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người, nhất là thủ đoạn lừa đảo, dụ dỗ đi "làm việc nhẹ, lương cao" tại Campuchia, hậu quả, tác hại gây ra cho nạn nhân, gia đình, xã hội và các biện pháp phòng ngừa.

Trước đó, Bộ Công an đã đưa ra cảnh bảo trước tình trạng người dân bị lừa sang Campuchia lao động, làm "việc nhẹ, lương cao" nhưng thực chất là bị cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản, nguy hiểm đến tính mạng…

Theo Bộ Công an, các nạn nhân bị lừa sang Campuchia làm việc chủ yếu trong độ tuổi từ 18 -35 tuổi, thông qua tìm kiếm việc làm trên mạng xã hội (zalo, facebook...) hoặc từ bạn bè, người quen rủ rê, giới thiệu sang Campuchia làm việc nhẹ nhàng, lương cao.

Sau khi qua Campuchia, nạn nhân bị tuyển vào làm việc tại các cơ sở tổ chức hoạt động lừa đảo như: Đánh bạc trực tuyến, kinh doanh tiền ảo...trên không gian mạng; bị cưỡng ép lao động từ 12-16 tiếng/ngày, không cho ra khỏi cơ sở, bị bán sang các chủ sử dụng lao động khác hoặc bắt gọi điện về cho gia đình, người thân tại Việt Nam để nộp tiền chuộc mới cho về nước với số tiền từ 3.000 USD đến 30.000 USD.

Nhiều trường hợp bỏ trốn khi chưa có tiền chuộc, đã bị các đối tượng sử dụng lao động đánh đập, ngược đãi, bán sang cơ sở khác nhau.

Vĩnh Hoàng

}
Top