Để cơ sở cai nghiện thực sự là ngôi nhà chung của những người lầm lỡ
(Chinhphu.vn) - Việc chăm lo tốt cho các học viên cai nghiện tại 7 cơ sở cai nghiện túy Hà Nội đã góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thành phố. Với quan điểm “cơ sở cai nghiện là nhà”, thân thiện, an toàn, đã giúp cho bản thân người cai nghiện cảm thấy tự tin, lạc quan hơn khi điều trị bệnh.
Mái nhà của những người 'lầm lỡ'
Nguyễn Văn Trọng, nam thanh niên 32 tuổi (trú tại Chương Mỹ, Hà Nội), có hơn 5 năm nghiện ma túy đá trước khi được đưa vào Cơ sở cai nghiện ma túy số 3 Hà Nội. Hơn 12 tháng kiên trì thực hiện theo đúng phác đồ, Trọng đã dần lấy lại ý thức, hành vi, ổn định sức khỏe để có thể trở lại tái hòa nhập cộng đồng.
Trọng kể rằng, trước khi sa vào "vũng bùn" của cuộc đời, Trọng cũng là sinh viên của một trường đại học có tiếng tại Hà Nội với thành tích học tập khá tốt. Năm 2012, được bạn bè rủ đi sinh nhật tại quán karaoke, Trọng lần đầu thử cảm giác "bay lắc", rồi dần lún sâu vào những cuộc chơi "thác loạn", "bầy đàn".
Thêm những biến cố của cuộc đời, đến năm 2017, Trọng ngày càng lệ thuộc vào ma túy tổng hợp. Biết tin mình bị nhiễm căn bệnh thế kỷ HIV, cuộc sống của Trọng trở nên bế tắc. Được gia đình đưa đi cai nghiện tại một cơ sở ở Hải Phòng, nhưng khi trở về, "ngựa quen đường cũ", Trọng lại tiếp tục tìm đến ma túy đá. Trong một lần lên cơn "ngáo đá", có biểu hiện loạn thần, gây mất an ninh trật tự cơ sở, Trọng đã bị Công an Hà Nội khống chế và lập hồ sơ đưa đi cai nghiện bắt buộc tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 3.
Lúc mới vào Cơ sở cai nghiện ma túy số 3, tâm trạng của Trọng rất tệ, lại thêm mặc cảm vì nhiễm HIV. Cuộc sống tự do, phóng túng ở ngoài cộng đồng giờ chỉ thu hẹp bằng những hoạt động giáo dục trị liệu, đôi lúc Trọng muốn nổi loạn, đôi lúc lại trầm cảm, muốn thu mình vào một góc. Nhưng với sự kiên trì đồng hành, động viên của các "thầy cô" của cơ sở, Trọng dần cân bằng lại tâm lý, bắt đầu tìm niềm vui ở những giờ lao động trị liệu.
"Những cán bộ tại cơ sở cai nghiện là những người thầy, người cô đặc biệt. Họ đã đồng hành, giúp đỡ chúng tôi tìm lại được chính mình", Trọng chia sẻ.
Trọng kể: "Những công việc rất đỗi bình dị như chăm sóc cây cảnh, trồng rau, nuôi gà…mang lại cho tôi cảm giác yên bình. Mặc dù bị nhiễm HIV nhưng ở đây tôi không hề bị kỳ thị. Tôi được thăm khám sức khỏe thường xuyên, căn bệnh về gan của tôi cũng được phát hiện, chữa trị. Tôi có thời gian để sống chậm, để ngẫm lại quãng thời gian đi lạc lối những năm qua. Thế giới đã tìm ra vaccine phòng COVID-19 sử dụng công nghệ mRNA. Tôi cũng hy vọng tới đây sẽ có một loại vaccine hay thuốc chữa cho căn bệnh HIV để tôi có thể tiếp tục làm lại cuộc đời".
Ông Nguyễn Văn Yên, Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy số 3 cho hay, hiện nay, Cơ sở đang quản lý hơn 400 học viên. Trong đó, nhiều người từng có tiền án, tiền sự và bị nhiễm HIV/AIDS. Để cảm hóa, giáo dục và hướng nghiệp cho những học viên một cách có hiệu quả, đòi hỏi phải có sự nỗ lực rất lớn của đội ngũ làm công tác giáo dục ở đây.
Việc hướng dẫn học viên từ những việc nhỏ nhất như nề nếp trong sinh hoạt, học nghề, trồng trọt, chăn nuôi… tưởng chừng rất dễ nhưng lại là một thách thức không nhỏ đối với cán bộ. Bởi người cán bộ phải thực sự kiên trì, chỉ một chút nản, hay ức chế với sự chậm chạp, thái độ của học viên sẽ khiến cho học viên lại càng thiếu niềm tin vào chính mình.
Để khơi dậy lòng nhiệt huyết trong đội ngũ cán bộ, viên chức, nhất là những người làm nhiệm vụ trực tiếp quản lý học viên, những năm qua, Cơ sở cai nghiện ma túy số 3 đã luôn quan tâm, tạo điều kiện cho các cán bộ, viên chức được học tập nâng cao trình độ; động viên, khuyến khích đội ngũ cán bộ thay đổi quan điểm, nhận thức từ kiểu quản lý trước kia sang tư duy phục vụ.
Thay đổi quan điểm từ quản lý sang phục vụ
Theo báo cáo của cơ quan chức năng, tính đến ngày 14/1/2022, trên toàn địa bàn TP. Hà Nội, số người nghiện ma túy và số người sử dụng ma túy trong danh sách quản lý là 17.943 người. Các cơ sở cai nghiện ma túy của Hà Nội hiện đang quản lý khoảng 2.836 người nghiện ma túy, trong đó có 1.700 học viên cai nghiện bắt buộc, gần 800 học viên cai nghiện tự nguyện...
Với quan điểm các cơ sở cai nghiện trở thành những địa chỉ an toàn, thân thiện, chuyên nghiệp, hiệu quả, trong nhiều năm qua, Sở LĐTB&XH Hà Nội đã chỉ đạo các cơ sở cai nghiện ma túy thích ứng và làm tốt công tác này.
Ông Nguyễn Văn Lập, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở LĐTB&XH Hà Nội) cho biết, hiện nay 7 cơ sở cai nghiện ma túy của Hà Nội về cơ bản được trang cấp cơ sở vật chất tương đối đầy đủ, thuận tiện cho các thiết chế phục vụ công tác tiếp nhận, điều trị, giáo dục, trị liệu, lao động sản xuất và hòa nhập cộng đồng cho học viên. Đây là yếu tố quan trọng để bảo đảm cho học viên cai nghiện ma túy có nơi ăn ở, sinh hoạt, học tập, rèn luyện một cách tốt nhất.
"Điều đặc biệt quan trọng là các cơ sở cai nghiện đã thay đổi quan điểm từ quản lý sang phục vụ kể cả cai nghiện bắt buộc lẫn cai nghiện tự nguyện. Điều nay là hết sức quan trọng, đòi hỏi mỗi cán bộ, viên chức, người lao động phải thay đổi nhận thức, coi học viên là trung tâm, từ đó có can thiệp, điều chỉnh với học viên hết sức phù hợp", ông Nguyễn Văn Lập cho biết.
Bên cạnh đó, tất cả các cơ sở cai nghiện ma túy đều tạo điều kiện cho học viên tiếp cận đầy đủ thông tin, các chế độ chính sách, quyền lợi và nghĩa vụ. Chuyên nghiệp trong từng khâu công tác của các cơ sở cai nghiện từ tiếp nhận, điều trị, giáo dục, hòa nhập cộng đồng cho học viên. Từ đó, học viên được chăm sóc, điều trị, phục vụ chu đáo nhất.
Theo ông Nguyễn Văn Yên, mục tiêu đặt ra cho các cơ sở cai nghiện là "giáo dục như nhà trường, điều trị như bệnh viện, sạch đẹp như công viên" không phải bây giờ mới có mà đã được triển khai từ rất lâu. Tuy nhiên, để làm được những điều này không phải dễ và "một sớm một chiều".
Trong giai đoạn gần đây, sự chuyển biến đó đã thành công, tạo niềm tin cho cả người thực hiện và người thụ hưởng khi cơ sở vật chất của các cơ sở cai nghiện được Nhà nước nâng cấp, đầu tư hơn nhiều; đời sống cán bộ, viên chức, người lao động của các cơ sở được bảo đảm giúp họ tận tậm, tận lực với công việc...
Những nỗ lực của cán bộ, viên chức của các cơ sở cai nghiện ma túy được đền đáp bằng chính hiệu quả công tác. Ngày càng có nhiều hơn những học viên tái hòa nhập cộng đồng thành công, ổn định được cuộc sống.
Hoàng Giang