Để loài cây 'độc' không còn đất sống
(Chinhphu.vn) - Trong thời gian qua, tình trạng trồng cây có chứa chất ma túy vẫn xảy ra tại một số địa phương khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên. Trước tình hình trên, nhiều địa phương đã quyết liệt triển khai các giải pháp, mô hình để xóa bỏ cây có chứa chất ma túy.
Mô hình Tổ tuyên truyền, vận động xoá bỏ cây có chứa chất ma tuý
Tại Lạng Sơn, các giải pháp thiết thực được Công an tỉnh Lạng Sơn triển khai đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân, từng bước kéo giảm tình trạng trồng trái phép cây chứa chất ma tuý, đảm bảo an ninh trật tự địa bàn
Đặc biệt, từ tháng 6/2022, Công an tỉnh Lạng Sơn đã triển khai xây dựng mô hình "Tổ tuyên truyền, vận động xoá bỏ cây có chứa chất ma tuý" trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Tổ được thành lập ở các thôn, bản, khối phố, mỗi tổ có 7 thành viên. Tổ có nhiệm vụ phối hợp với lực lượng chức năng tổ chức tuyên truyền các nội dung liên quan đến công tác phòng, chống ma tuý, vận động nhân dân xoá bỏ trồng cây chứa chất ma tuý trên địa bàn, cung cấp thông tin, tố giác tội phạm…
Công an huyện Bắc Sơn cho biết, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Công an tỉnh, Công an huyện Bắc Sơn đã tiến hành khảo sát, đánh giá tình hình gieo trồng cây có chứa chất ma tuý trên địa bàn. Trên cơ sở đó, Công an huyện tham mưu Huyện uỷ ban hành nghị quyết, UBND huyện ban hành kế hoạch, các văn bản chỉ đạo xây dựng mô hình, chỉ đạo các xã, thị trấn thành lập mô hình ở các thôn, bản, khối phố.
Đến nay, mô hình "Tổ tuyên truyền, vận động xoá bỏ cây có chứa chất ma tuý" đã được thành lập đồng loạt tại 150/150 thôn, khối phố trong toàn huyện với hơn 1.000 thành viên. Tính từ trung tuần tháng 7/2022 đến nay, các tổ đã tuyên truyền được 152 cuộc, thu hút hơn 7.000 lượt người tham gia. Cùng với đó, các tổ đã gặp mặt, vận động trực tiếp 85 trường hợp đã từng vi phạm và có biểu hiện vi phạm về trồng cây có chứa chất ma tuý.
Cùng với việc triển khai đồng bộ các biện pháp khác, tình trạng tái trồng cây thuốc phiện trên địa bàn huyện đã giảm dần. Từ đầu năm 2022 đến nay, đơn vị đã phát hiện, xử lý 18 trường hợp trồng cây có chứa chất ma túy, giảm 5 trường hợp so với cùng kỳ năm 2021, lập biên bản phá nhổ khoảng 570 m² cây thuốc phiện.
Cũng như Lạng Sơn, trong những năm gần đây, các cấp chính quyền, lực lượng chức năng tỉnh Điện Biên đã kiên trì tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ tình trạng trồng, sử dụng cây thuốc phiện.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, tình trạng tái trồng cây thuốc phiện ở Điện Biên đã giảm dần. Tuy nhiên, hiện nguy cơ tái trồng cây thuốc phiện vẫn tiềm ẩn.
Trong 7 tháng đầu năm 2022, cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã phát hiện, phá nhổ gần 8.000 cây thuốc phiện trồng trái phép tại các huyện Điện Biên, Điện Biên Đông, Nậm Pồ, Tủa Chùa, Mường Ảng, Tuần Giáo…
Trung tá Vũ Ðình Nghi, Phó trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an tỉnh Ðiện Biên) cho biết, trước mùa gieo trồng cây thuốc phiện Công an tỉnh Ðiện Biên đã chỉ đạo Công an các huyện chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai lực lượng xuống cơ sở tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của tỉnh về công tác phòng, chống ma túy. Ðồng thời, tổ chức cho nhân dân ký cam kết không trồng, tái trồng cây có chứa chất ma túy; tích cực phát hiện, tố giác những người trồng cây có chứa chất ma túy trên địa bàn.
Ðặc biệt là phối hợp các lực lượng chức năng tuần tra, khoanh vùng, nắm tình hình trồng và tái trồng cây có chứa chất ma túy ở các địa bàn; trong đó, tập trung vào những địa bàn có nhiều khả năng, điều kiện trồng và tái trồng cây thuốc phiện, như: Vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới, khu vực giáp ranh giữa các tỉnh, huyện, xã và tại những địa bàn đã từng xảy ra trồng cây thuốc phiện…
Tạo sinh kế vẫn là giải pháp căn cơ
Tuy nhiên, để nhân dân khu vực biên giới xóa bỏ tình trạng trồng và sử dụng cây thuốc phiện thì bên cạnh việc kiên trì làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, các cấp chính quyền và lực lượng chức năng cần triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế để thoát nghèo. Giúp đồng bào có cuộc sống ổn định, nếp sống văn hóa chính là giải pháp căn cơ để cây thuốc phiện không còn đất sống.
Trước kia xã Pù Nhi (huyện Mường Lát, tình Thanh Hóa) gắn với biệt danh "thủ phủ" của cây thuốc phiện ở cực Tây xứ Thanh thì hiện nay cuộc sống đang từng bước thay đổi với bà con đồng bào các dân tộc Mông, Dao, Thái...
Thực hiện Nghị quyết 06 của Chính phủ năm 1993 và sau này là Chỉ thị 06 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng năm 1996, phong trào bài trừ, triệt tiêu cây thuốc phiện được diễn ra một cách quyết liệt. Ngay sau khi đưa ra chủ trương dẹp bỏ cây thuốc phiện, Đảng, Nhà nước ta đã có hàng loạt các chính sách kịp thời, hỗ trợ người dân ổn định sản xuất thông qua các Chương trình 134, 30a...
Người dân được cán bộ xã, cán bộ biên phòng quan tâm hỗ trợ con giống, cây nuôi, cũng như việc áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật để phát triển kinh tế… Bà con cũng được Nhà nước hỗ trợ làm nhà; kéo điện, làm đường, trường, trạm...
Nếu như những năm trước bà con dân bản chỉ biết trồng ngô, trồng sắn thì nay nhiều gia đình cũng đã biết chuyển đổi cây trồng cho giá trị kinh tế cao. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 17 triệu đồng/người/năm... Những vùng trước đây vốn là nơi ngự trị của cây thuốc phiện, giờ đã được xã xây dựng thành vùng chuyên canh cây mận, cây đào. Từ đó, giúp bà con "đoạn tuyệt" với cây thuốc phiện một cách bền vững.
Theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an), bên cạnh một số đối tượng cố ý trồng cây thuốc phiện để kiếm lời, không ít trường hợp người dân trồng cây thuốc phiện do thiếu hiểu biết pháp luật. Tại nhiều địa phương, người dân có khi trồng cây ma túy theo phong tục tập quán hoặc để sử dụng trong dân sinh như làm thức ăn cho gia súc, gia cầm.
Hơn nữa, trong bối cảnh hiện nay, một số nước đang hợp pháp hóa việc trồng cây cần sa cho mục đích y tế, dễ tạo điều kiện cho tội phạm lợi dụng. Vì vậy, nếu không phát hiện, ngăn chặn kịp thời thì tình trạng trồng, sử dụng sản phẩm từ cây có chứa chất ma túy sẽ có nguy cơ lan rộng, bị tội phạm lợi dụng vào hoạt động sản xuất ma túy trái phép gây phức tạp về anh ninh trật tự.
Để thực hiện việc xóa bỏ cây chứa chất ma túy, cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành và thực hiện đồng bộ các giải pháp. Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đề nghị các chính quyền địa phương, lực lượng chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức của người dân; cần có những phương án để phát triển hạ tầng, đưa các giống cây trồng, vật nuôi vào thay thế, tạo nên những mô hình kinh tế có tính bền vững, lâu dài và mang lại hiệu quả cao, nâng cao đời sống với mục đích xóa bỏ những nhu cầu thu lợi từ các loại cây có chứa chất ma túy của người dân.
Đối với các lực lượng Công an, cần chủ động triển khai các biện pháp nghiệp vụ, nắm chắc tình hình địa bàn, đối tượng và thường xuyên phối hợp, rà soát, kiểm tra, phát hiện các vụ việc trồng cây có chứa chất ma túy để kịp thời ngăn chặn, triệt xóa và phòng, chống tái trồng, đặc biệt là việc rao bán hạt giống, hướng dẫn phương thức, cách trồng cây có chứa chất ma túy trên mạng internet (qua các mạng xã hội Zalo, Facebook, Instagram…).
Ngoài ra, lực lượng công an cơ sở (nhất là Công an cấp xã) phải thực hiện tốt công tác quản lý hành chính, quản lý nhân hộ khẩu, đăng ký tạm trú… để nắm chắc địa bàn, đối tượng, không để tồn tại tình trạng người từ địa phương này qua địa phương khác trồng trái phép cây có chứa chất ma túy; người nước ngoài đến thuê đất để thâm canh, trồng cây ăn quả, nhưng thực chất lại lén lút trồng cây cần sa, cây thuốc phiện… Qua đó chủ động phòng ngừa, phát hiện kịp thời và đấu tranh, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng có hành vi phạm.
Hoàng Giang