Đề nghị hướng dẫn mức chi cho việc triển khai mô hình hỗ trợ người bán dâm
(Chinhphu.vn) - UBND TPHCM vừa ban hành công văn gửi các Bộ Công an, Tài chính, LĐTB&XH về việc kiến nghị các bộ ngành liên quan ban hành các quy định, hướng dẫn công tác về phòng chống mại dâm trong tình hình mới.
Theo đó, nhằm thực hiện tốt công tác đấu tranh phòng chống tội phạm liên quan đến mại dâm trong tình hình mới cũng như hỗ trợ người bán dâm từng bước chuyển đổi hành vi ổn định cuộc sống, UBND TPHCM kiến nghị Bộ LĐTB&XH chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các bộ ngành liên quan nghiên cứu, rà soát, đánh giá, tham mưu đề xuất sửa đổi, bổ sung hoàn thiện pháp lệnh và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để đảm bảo thống nhất, phù hợp với tình hình hiện nay như: sửa đổi, bổ sung quy định về từ ngữ "mua dâm", "bán dâm", "giao cấu", "mại dâm đồng tính", "mại dâm chuyển giới", "khiêu dâm, kích dục"...
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu bổ sung các quy định xử lý đối với hành vi mại dâm nam; mại dâm đồng tính; mại dâm chuyển giới; chứa chấp sử dụng phương thức khiêu dâm, kích dục tại cơ sở kinh doanh dịch vụ; đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ không đăng ký bản cam kết về phòng chống tệ nạn mại dâm với chính quyền địa phương và tăng cường các biện pháp chế tài để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật.
Về cơ chế, chính sách hướng dẫn các nội dung chi và mức chi cho các hoạt động triển khai mô hình hỗ trợ người bán dâm giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo, UBND TP kiến nghị Bộ LĐTB&XH, Bộ Tài chính ban hành các cơ chế, chính sách hướng dẫn các nội dung chi và định mức chi cho các hoạt động triển khai mô hình hỗ trợ người bán dâm, người có nguy cơ cao hoạt động bán dâm, tạo điều kiện thuận lợi cho họ tiếp cận các nguồn trợ giúp của nhà nước, của cộng đồng xã hội, được dạy nghề, hướng nghiệp, trợ vốn tạo việc làm, được tham gia các dịch vụ hỗ trợ phòng chống HIV/AIDS, giúp họ từng bước chuyển đổi hành vi và ổn định cuộc sống.
Báo cáo của Sở LĐTB&XH TPHCM cho thấy, năm 2023, lực lượng liên ngành đã tổ chức 210 lượt truy quét mại dâm nơi công cộng, phát hiện 8 vụ và triệt phá 48 vụ mua bán dâm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ. Qua đó, phát hiện 397 người vi phạm với 128 người mua dâm, 155 người bán dâm và 114 chủ chứa, môi giới mại dâm.
Con số phát hiện khá nhỏ vì thực tế lực lượng liên ngành mỏng. Năm 2023, lực lượng liên ngành chỉ kiểm tra được 107 cơ sở kinh doanh dịch vụ tiềm ẩn tệ nạn xã hội về ma túy, cờ bạc, mại dâm, khiêu dâm, kích dục (nhà hàng, quán bar, beer club, karaoke, khách sạn, massage...).
Trong khi đó, hiện TPHCM có đến 4.526 cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm như trên với 10.416 nhân viên, tiếp viên làm việc; chỉ riêng số cơ sở mà cơ quan chức năng xác định có nghi vấn về tội phạm đã là 280.
Nhằm giúp đỡ, hỗ trợ, tạo cơ hội cho người bán dâm hoàn lương hoà nhập cộng đồng, những năm qua, TPHCM đã thực hiện nhiều mô hình thí điểm hỗ trợ hoà nhập cộng đồng cho người mại dâm trên địa bàn.
Trước khi tiến hành thí điểm mô hình hỗ trợ, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Sở LĐTB&XH TPHCM đã tổ chức khảo sát cho hàng nghìn chị em phụ nữ bán dâm đường phố thuộc địa bàn các quận/huyện nhằm đánh giá khả năng tham gia chương trình hỗ trợ học nghề của họ.
Thành phố cũng tổ chức tư vấn cho hàng trăm lượt người bán dâm để cung cấp các kiến thức cơ bản về một số quy định pháp luật có liên quan đến hoạt động mại dâm; kiến thức về chăm sóc sức khoẻ và phòng ngừa lây truyền các bệnh tình dục; tư vấn điều trị nghiện và thực hiện chuyển gửi các trường hợp có nhu cầu hỗ trợ. Đồng thời thông qua kết quả tổng hợp cuộc khảo sát để đánh giá nhu cầu của các chị em về nguyện vọng, mong muốn được hỗ trợ học nghề, giới thiệu việc làm, vay vốn để từng bước thay đổi nghề. Trên cơ sở đó đã chọn được rất nhiều trường hợp tham gia vào mô hình để thực hiện các hoạt động hỗ trợ.
Vĩnh Hoàng