Can thiệp giảm hại để hỗ trợ người đã từng bán dâm
(Chinhphu.vn) - Trên địa bàn TPHCM hiện nay có 4.166 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm, trong đó 275 cơ sở có nghi vấn hoạt động mại dâm và 316 cơ sở có nghi vấn hoạt động khiêu dâm, kích dục.
Còn hơn 4.100 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm
Sở LĐTB&XH TPHCM vừa báo cáo kết quả công tác phòng, chống mại dâm 9 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2023 trên địa bàn TP.
Theo số liệu thống kê, hiện nay trên địa bàn TPHCM có 4.166 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm, trong đó 275 cơ sở có nghi vấn hoạt động mại dâm và 316 cơ sở có nghi vấn hoạt động khiêu dâm, kích dục. Với 10.432 nhân viên, tiếp viên làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ; trong đó, số nhân viên có nghi vấn hoạt động mại dâm hơn 170 người và khiêu dâm, kích dục hơn 850 người.
Cũng theo Sở LĐTB&XH trong 9 tháng đầu năm, công tác thanh tra, kiểm tra và đấu tranh triệt xóa tệ nạn mại dâm đã đạt được một số kết quả, cụ thể: các đoàn, đội, tổ kiểm tra liên ngành từ TP đến quận, huyện, TP Thủ Đức, phường, xã, thị trấn tổ chức kiểm tra 3.319 cơ sở, phát hiện 967 cơ sở vi phạm hành chính về lĩnh vực văn hóa, thông tin và phòng, chống tệ nạn xã hội. Kết quả, có 156 lượt cơ sở bị đình chỉ kinh doanh, 34 lượt cơ sở bị cảnh cáo và 117 lượt cơ sở bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung.
Trong đó, xử phạt bằng hình thức phạt tiền 751 lượt cơ sở, với tiền phạt hơn 10,3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng phối hợp Công an các quận, huyện, TP Thủ Đức, tổ chức 210 lượt truy quét mại dâm nơi công cộng, phát hiện 6 trường hợp bán dâm; triệt phá 46 vụ tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ, phát hiện 328 người vi phạm; có 7/7 lượt tin tổ giác các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm được các cơ quan chức năng tiếp nhận, xác minh, phân loại và xử lý theo quy định, đạt tỷ lệ 100%.
Về phương hướng, nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2023, Sở LĐTB&XH TPHCM cho biết, Sở tiếp tục triển khai và nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống mại dâm.
Đồng thời, tăng cường đẩy mạnh thực hiện các hoạt động phòng ngừa mại dâm thông qua lồng ghép các chương trình có liên quan tại địa bàn cơ sở; Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm; điều tra, truy tố các tội phạm liên quan đến mại dâm.
Bên cạnh đó, lồng ghép triển khai các hoạt động can thiệp giảm tác hại, phòng ngừa lây nhiễm các bệnh xã hội và HIV/AIDS, phòng ngừa, giảm tình trạng bạo lực trên cơ sở giới trong phòng, chống mại dâm vào các chương trình có liên quan phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương.
Ngoài ra, triển khai kế hoạch khảo sát, đánh giá nhu cầu tiếp cận các dịch vụ xã hội của nhóm người bán dâm, người lao động đang làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm để làm cơ sở tham mưu, đề xuất các chính sách và giải pháp hỗ trợ họ tiếp cận với các dịch vụ xã hội, từng bước thay đổi hành vi, ổn định cuộc sống.
Xây dựng các mô hình hỗ trợ, giúp đỡ người bán dâm
Liên quan đến việc lồng ghép triển khai các hoạt động can thiệp giảm tác hại để hỗ trợ người đã từng bán dâm, thời gian qua, tại TPHCM, nhiều mô hình can thiệp giảm hại đã phát huy tác dụng.
Cụ thể, Thành phố đã xây dựng triển khai các hoạt động can thiệp giảm tác hại, phòng ngừa lây nhiễm các bệnh xã hội và HIV/AIDS, phòng ngừa, giảm tình trạng bạo lực trên cơ sở giới trong phòng, chống mại dâm và xây dựng các mô hình thi điểm hỗ trợ, giúp đỡ người bán dâm tiếp cận các dịch vụ xã hội từng bước chuyển đổi hành vi hòa nhập cộng đồng.
Từ năm 2021 đến nay các hoạt động của mô hình chỉ duy trì với hình thức truyền thông các văn bản pháp luật có liên đến công tác phòng, chống mại dâm và hướng dẫn phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục, chuyển gửi người bán dâm, người có nguy cơ hoạt động bán dâm đến các dịch vụ can thiệp giảm hại theo nhu cầu. Các hoạt động tư vấn, hỗ trợ của Câu lạc bộ hỗ trợ người bán dâm, người có nguy cơ hoạt động bán dâm chủ yếu duy trì thông qua kênh Zalo, Messenger.
Với chương trình truyền thông, can thiệp giảm hại cho nhóm người bán dâm; trong 6 tháng đầu năm 2023, các nhân viên tiếp cận cộng đồng, cộng tác viên, các tổ chức dựa vào cộng đồng,... của Trung tâm Công tác xã hội Ánh Dương (thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố) và các Câu lạc bộ hỗ trợ người bán dâm, người có nguy cơ hoạt động bán dâm tiếp cận với các đơn vị cung cấp dịch vụ can thiệp giảm hại đã tiếp cận và hỗ trợ 774 người bán dâm, tiếp viên tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ "Nhạy cảm" tiếp cận với các dịch vụ can thiệp giảm hại. Người bán dâm được hỗ trợ về pháp lý, được làm hồ sơ vay vốn tại ngân hàng để ổn định kinh doanh và sản xuất.
Thời gian tới, TPHCM phấn đấu 100% số người bán dâm có nhu cầu được tiếp cận, sử dụng các dịch vụ hỗ trợ xã hội phù hợp; duy trì và nâng cao hiệu quả họat động của các mô hình thí điểm về công tác hỗ trợ, giúp đỡ người bán dâm hòa nhập cộng đồng, người bán dâm tham gia mô hình được giới thiệu, chuyển gửi, tiếp cận với các dịch vụ về tư vấn pháp lý-tâm lý, chăm sóc sức khoẻ, dạy văn hóa, dạy nghề, giải quyết việc làm và hỗ trợ vay vốn gắn với các chương trình an sinh xã hội của địa phương, giúp cho họ ổn định cuộc sống và hòa nhập cộng đồng bền vững.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phòng, chống mại dâm cho các tầng lớp nhân dân trong xã hội, tập trung vào các đối tượng có nguy cơ cao như: học sinh, sinh viên, người lao động chưa có việc làm, người lao động nhập cư, nhóm lao động di cư và nhân viên tại các cơ sở kinh doanh, dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú, phù hợp với từng đối tượng để nâng cao nhận thức về tác hại của tệ nạn mại dâm, giảm sự kỳ thị, phân biệt đối xử của cộng đồng và việc lây nhiễm HIV/AIDS.
Vĩnh Hoàng