Điểm tư vấn điều trị nghiện tại cộng đồng: Hiệu quả nhiều, khó khăn không ít
Truyền thông, tư vấn; tiếp cận, động viên người nghiện ma túy tham gia điều trị cắt cơn giải độc, điều trị rối loạn thể chất, tâm thần; hỗ trợ chuyển gửi đến các dịch vụ xã hội; kết nối dạy nghề, cho vay vốn, tạo việc làm cho người có nhu cầu…là nhiệm vụ của mô hình Điểm tư vấn, chăm sóc và hỗ trợ điều trị nghiện. Được triển khai thí điểm tại một số địa phương, trong đó có tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, mô hình này đang dần cho thấy những ưu điểm so với một số biện pháp cai nghiện khác.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Trưởng phòng Phòng, chống tệ nạn xã hội, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, theo kết quả thống kê của công an các huyện, thành phố và các ngành có liên quan tính đến tháng 08/2020, tổng số người nghiện có hồ sơ quản lý trên địa bàn tỉnh là 3.145 người; số người nghiện ngoài cộng đồng là 2.105 người.
Tính đến nay trên địa bàn tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu thành lập và duy trì hoạt động của 18 Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng (Điểm tư vấn) nhằm tạo thuận lợi cho người nghiện ma túy tiếp cận và sử dụng dịch vụ cai nghiện, hỗ trợ hồi phục tại cộng đồng với các dịch vụ toàn diện, phù hợp và liên tục…
Từ năm 2015-2019, Điểm tư vấn đã tiếp cận 21 nghìn lượt khách hàng để cung cấp tư vấn cá nhân, tư vấn nhóm, thực hiện cắt cơn giải độc 45 trường hợp, tư vấn, giới thiệu chuyển gửi điều trị tại cơ sở cai nghiện 97 trường hợp, điều trị Methadone 38 trường hợp, tư vấn và giải quyết thủ tục pháp lý 250 lượt.
Tư vấn viên và bệnh nhân là những người bạn
Anh V., sinh năm 1984, thị trấn Long Điền (huyện Long Điền, Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, hơn 1 năm tham gia Điểm Tư vấn tại huyện Long Điền đã giúp anh giảm dần sự mặc cảm với chính bản thân mình, nhìn nhận mọi vấn đề, nhất là sự kỳ thị của bà con láng giềng nhẹ nhõm hơn rất nhiều. Một tháng đến sinh hoạt, tư vấn/lần, anh và những người đồng cảnh ngộ biết thêm các thông tin về phòng, chống, điều trị HIV/AIDS, được vận động tham gia chương trình Methadone để bớt dần sự lệ thuộc vào ma túy; được tư vấn về các chính sách vay vốn, tạo việc làm. Một số người trong nhóm của anh đã được kết nối để vay vốn phát triển sinh kế.
Chị Nguyễn Thị Thu Hồng tư vấn cho người sử dụng ma túy. Ảnh Nhật Thy |
Tư vấn viên Nguyễn Thị Thu Hồng, Điểm tư vấn Long Điền, chia sẻ trước khi đến với công việc này, chị đã có nhiều năm tiếp xúc, tư vấn với người sử dụng ma túy, người nhiễm HIV. Đó là thuận lợi rất lớn khi chị trở thành tư vấn viên tại đây. Tuy nhiên, không phải vậy mà công việc suôn sẻ trong những ngày đầu, mặc dù có sự hỗ trợ từ cán bộ lao động, công an và chính quyền sở tại. “Mời bằng công văn, giấy mời hẳn hoi các em không đến, vì sợ bị lập hồ sơ đưa vào cơ sở cai nghiện”, chị Hồng nói. Chính vì thế, chị phải làm công tác dân vận từ chính những người sử dụng ma túy, dần dần anh em, bạn bè - nhóm đồng đẳng - khuyên nhủ cùng nhau đến sinh hoạt tại Điểm tư vấn. “Từng người, từng người một, mưa lâu thấm dần”, mình gắn bó, trở thành bạn của các em lúc nào không hay”, chị Hồng tâm sự.
Còn nhiều khó khăn
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương cho biết, mô hình Điểm tư vấn có nhiều thuận lợi như nhận được sự ủng hộ của người nghiện, thân nhân gia đình người nghiện và nhân dân trên địa bàn, phù hợp với nhu cầu của nhiều người nghiện ma túy; có khả năng chăm sóc, hỗ trợ khách hàng trong thời gian dài và với nhiều dịch vụ đa dạng, kết hợp với hỗ trợ, theo dõi sau chuyển gửi ngắn hạn, gắn với gia đình, cộng đồng. Thông qua Điểm tư vấn, 100% người sử dụng ma túy, người nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy và gia đình đang cư trú tại địa bàn xã, phường thị trấn được truyền thông về phòng, chống ma túy. Tiếp nhận, tư vấn chăm sóc điều trị, tư vấn pháp lý và xã hội; chuyển gửi đến các cơ sở cung cấp dịch vụ.
100% người hoàn thành chương trình cai nghiện tự nguyện, cai nghiện bắt buộc tại gia đình, cộng đồng và tại các cơ sở cai nghiện ma túy của xã, phường, thị trấn được quản lý, hỗ trợ giúp đỡ phòng chống tái nghiện; giới thiệu học nghề khi tham gia tư vấn, chăm sóc điều trị tại cộng đồng.
Tuy nhiên,theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương, việc phát triển mô hình này còn gặp nhiều khó khăn. Thứ nhất là về cơ sở vật chất: Điểm tư vấn đặt tại trạm y tế, dùng chung cơ sở vật chất của trạm (các phòng chức năng, trang thiết bị, dụng cụ y tế...). Có thời điểm nhiều người nghiện ma túy đăng ký điều trị cắt cơn cùng 1 lúc gây tình trạng quá tải.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương thông tin về những khó khăn của Điểm tư vấn. Ảnh Nhật Thy |
Về nguồn lực, mỗi điểm chỉ có 1 y, bác sỹ được phân công phụ trách điều trị nghiện. Trình độ chuyên môn và kinh nghiệm thực tế về điều trị nghiện còn nhiều hạn chế. Vẫn còn hiện tượng y, bác sỹ ngại, sợ tiếp xúc với người nghiện ma túy.
Công tác hỗ trợ điều trị nghiện sau cắt cơn gặp rất nhiều khó khăn vì đa số người nghiện ma túy sức khỏe không bảo đảm lao động nặng, không có việc làm, hoặc việc làm không ổn định, trình độ học vấn và chuyên môn thấp. Việc chuyên gửi điều trị nghiện cũng gặp nhiều khó khăn khi chưa có sự phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành chức năng để tiếp nhận, chăm sóc, điều trị. Các chính sách hỗ trợ người nghiện và sau cai nghiện ma túy trong việc tìm kiếm việc làm, vay vốn còn nhiều thủ tục rườm rà, đa số các doanh nghiệp, công ty, hộ kinh doanh đều không tiếp nhận người đã qua sử dụng ma túy vào làm việc.
Bên cạnh đó, chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về khoản chi, mức chi cho các lao động của Điểm tư vấn. Phụ cấp trực đêm cho các y, bác sỹ trực tiếp điều trị tại Điểm còn thấp, chưa tương xứng với khó khăn, nhiệm vụ được giao (liệu trình cắt cơn: trực đêm liên tục từ 7-10 ngày để theo dõi, chăm sóc, điều trị 1 hoặc nhiều người bệnh cùng 1 thời điểm), dẫn đến quá tải, gây áp lực cho bác sỹ tại Điểm.
Ngoài ra, quy định cứng mỗi Điểm chỉ nhận 20 người sử dụng ma túy có hồ sơ quản lý đã gây khó cho chính tư vấn viên. Một mặt tư vấn viên phải dân vận cho đủ số người đến tham gia sinh hoạt (mỗi lần sinh hoạt được hỗ trợ 30 nghìn đồng), nhưng khi phát huy được hiệu quả lại bị khống chế về số lượng người. Đại diện Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội thị trấn Long Điền Ngô Thu Thảo cho hay, quy định này khá cứng nhắc, không phù hợp với những Điểm đã thu hút được nhiều người sử dụng ma túy, điều trị methadone đến sinh hoạt. Khi họ đến, không lẽ tư vấn viên từ chối không cho tham gia, chính vì thế để bảo đảm quyền lợi cho họ, tư vấn viên phải tìm cách vận động, xoay xở. Như vậy, tư vấn viên vừa phải lo công việc chính là tư vấn lại vừa phải tính toán chi phí, tuy nhỏ nhưng đối với những người sử dụng ma túy lại có ý nghĩa động viên rất lớn.