Đồng Nai: Đẩy mạnh hoạt động phòng, chống HIV/AIDS hậu COVID-19

11/05/2022 16:22

(Chinhphu.vn) - Với sự hỗ trợ của các dự án về phòng, chống HIV/AIDS đang thực hiện trên địa bàn tỉnh, CDC Đồng Nai tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động, dịch vụ, can thiệp để những người nhiễm HIV được điều trị kịp thời.

Đồng Nai: Đẩy mạnh hoạt động phòng, chống HIV/AIDS hậu COVID-19 - Ảnh 1.

Khám bệnh cho người nhiễm HIV/AIDS

Sáng ngày 11/5, Chương trình phòng, chống HIV/AIDS của các đối tác dự án USAID tại tỉnh Đồng Nai đã tổ chức hội nghị sơ kết 6 tháng từ tháng 10/2021 đến tháng 3/2022. Tham dự hội nghị có Ths. BS Nguyễn Hữu Tài - Phó Giám đốc Sở Y tế; TS. BS Trần Minh Hòa - Giám đốc CDC Đồng Nai; đại diện các dự án như LIFE, STEPS, Digital Square… cùng đại diện một số cơ sở y tế và 5 tổ chức cộng đồng đang triển khai hoạt động can thiệp phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh.

Tại hội nghị, BS Lopa Basu, cố vấn cấp cao chương trình HIV và Lao của USAID đánh giá cao những kết quả mà Đồng Nai đã đạt được trong việc triển khai nhiều sáng kiến, nhiều hoạt động đầy sáng tạo nhằm đưa đến các dịch vụ về điều trị ARV, điều trị trước phơi nhiễm PrEP, can thiệp vào các nhóm đối tượng đích. Kết quả về chương trình HIV/AIDS tại Đồng Nai là điểm sáng, các dự án sẽ là một bài học và có thể áp dụng tại các nơi khác không những ở Việt Nam mà còn cả thế giới.

Theo báo cáo của CDC Đồng Nai, tính đến tháng 3/2022, toàn tỉnh có 8.316 người nhiễm HIV, 2.987 người tử vong, số người nhiểm đang được quản lý là 5.961 người, địa phương ghi nhận nhiều nhất là TP Biên Hòa. Hình thái lây truyền chủ yếu qua đường tình dục, tập trung ở các nhóm nguy cơ cao như mại dâm, người tiêm chích ma túy, nhóm quan hệ tình dục đồng giới (MSM). Trong những năm gần đây tỉ lệ nhiễm HIV ngày càng trẻ hóa, tăng cao ở nam giới tập trung nhóm nguy cơ cao đặc biệt là nhóm MSM.

Bên cạnh đó, việc quản lý người nhiễm HIV/AIDS ở Đồng Nai còn một số khó khăn nhất định như dân cư di biến động; bệnh nhân tham gia điều trị ARV khai báo là tạm trú nên việc rà soát các ca bệnh khó khăn; ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên chương trình phòng, chống HIV/AIDS có sự chững lại; việc ước tính đối tượng đích trên địa bàn chưa có nghiên cứu cụ thể, chỉ ghi nhận qua bản đồ điểm nóng năm 2018; phần mềm BLUE còn có hạn chế trong tiếp cận vì đặc thù giới…

"Với sự hỗ trợ của các dự án về phòng, chống HIV/AIDS đang thực hiện trên địa bàn tỉnh, CDC Đồng Nai tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động, dịch vụ, can thiệp được càng nhiều càng tốt để không có trường hợp nhiễm HIV nào không được phát hiện và không có trường hợp nhiễm HIV nào được phát hiện nhưng không được điều trị" - bác sĩ Trần Minh Hòa, Giám đốc CDC Đồng Nai chia sẻ.

Sau đại dịch COVID-19, các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tiếp tục được tăng cường. Đó là lồng ghép các hoạt động truyền thông vào các cấu phần phòng, chống HIV/AIDS bao gồm dự phòng và điều trị HIV/AIDS giúp nâng cao nhận thức cộng đồng, chống kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS, thay đổi hành vi nguy cơ cao ở nhóm người có hành vi nguy cơ cao; quảng bá các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS, thúc đẩy mọi người chủ động phòng, chống HIV/AIDS; mở rộng xét nghiệm HIV tại cơ sở y tế, cộng đồng; tăng số lượng bệnh nhân điều trị Methadone, triển khai cấp thuốc Methadone nhiều ngày cho bệnh nhân mang về; mở rộng điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (PrEP) cho khách hàng, giúp họ giảm nguy cơ bị nhiễm HIV cho những người sử dụng dịch vụ này, đặc biệt hiệu quả để phòng lây nhiễm HIV cho nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới nữ...; điều trị ARV thường xuyên cho bệnh nhân HIV/AIDS…

Vĩnh Hoàng

Top