Đồng Nai: Tăng cường công tác điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV

11/07/2024 14:28

(Chinhphu.vn) - Trong 2 ngày (10-11/7), dự án USAID/PATH STEPS phối hợp với Sở Y tế Đồng Nai tổ chức lớp tập huấn hướng dẫn điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) cho các học viên đến từ các cơ sở điều trị PrEP công lập, phòng khám y tế tư nhân và các doanh nghiệp xã hội trên toàn tỉnh Đồng Nai.

Đồng Nai: Tăng cường công tác điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV- Ảnh 1.

Cung cấp thuốc điều trị cho bệnh nhân. Ảnh: VGP/Thùy Chi

Lớp tập huấn nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ y tế trong việc cung cấp dịch vụ PrEP, góp phần đẩy mạnh triển khai chương trình phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn.

Tại lớp tập huấn, các học viên được cập nhật kiến thức về PrEP, bao gồm: Quy trình cung cấp dịch vụ PrEP; Sàng lọc và tư vấn cho khách hàng; Các xét nghiệm cần thiết trước và trong khi sử dụng PrEP; Theo dõi và quản lý khách hàng sử dụng PrEP; Xử trí các tác dụng phụ của thuốc PrEP; Giải đáp các thắc mắc về PrEP.

Ngoài ra, các học viên còn được thực hành các kỹ năng tư vấn và cung cấp dịch vụ PrEP, cũng như được cấp giấy chứng nhận hoàn thành lớp tập huấn.

PrEP được hiểu là sử dụng thuốc kháng virus (ARV) hằng ngày để dự phòng lây nhiễm HIV ở người có nguy cơ cao chưa bị nhiễm HIV. Theo đó, người muốn được chỉ định dùng PrEP cần đạt các tiêu chuẩn như: Xét nghiệm HIV âm tính và trong vòng 6 tháng qua có ít nhất một yếu tố nguy cơ như; Có bạn tình nhiễm HIV chưa điều trị ARV hoặc điều trị ARV nhưng tải lượng HIV trên 200 bản sao/ml hoặc chưa được xét nghiệm tải lượng HIV; Có quan hệ tình dục với người thuộc nhóm nguy cơ cao nhiễm HIV (người tiêm chích ma túy, nam quan hệ tình dục đồng giới...); Có nhu cầu sử dụng PrEP; Dùng chung bơm kim tiêm hoặc dụng cụ tiêm chích... Thuốc sẽ mất hiệu lực khi ngừng dùng thuốc.

Dự án STEPS giúp tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ lồng ghép HIV và chăm sóc sức khỏe ban đầu lấy khách hàng làm trung tâm thông qua các mô hình chăm sóc đổi mới; thúc đẩy nhu cầu và việc sử dụng các công nghệ y tế đột phá; thúc đẩy cung cấp dịch vụ và tạo cầu cho các hàng hóa, dịch vụ về HIV và chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Dự án STEPS cũng sẽ thúc đẩy cộng đồng cùng kiến tạo, hỗ trợ công tác quản lý của Cục Phòng, chống HIV/AIDS và tăng cường năng lực lãnh đạo của cộng đồng đích, đồng thời đẩy mạnh sáng tạo trong cung cấp dịch vụ và mở rộng thị trường nhằm đạt được những mục tiêu đề ra.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Nai (CDC Đồng Nai), tại 10 cơ sở điều trị HIV/AIDS đã tiếp nhận và điều trị ARV cho 5.258 bệnh nhân, trong đó có 87 bệnh nhi. Trong năm 2023, toàn tỉnh Đồng Nai phát hiện 600 ca nhiễm HIV, trong đó đối tượng lây nhiễm chính là nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM).

Hình thái lây truyền HIV qua đường tình dục tiếp tục có xu hướng ngày càng chiếm tỉ trọng cao hơn so với đường máu, người nhiễm HIV nhóm tuổi từ 25-49 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất và có xu hướng trẻ hóa dần 15-24 tuổi. Tỉ lệ nhiễm HIV được phát hiện tập trung chủ yếu ở nam giới, trong những năm gần đây có xu hướng gia tăng ở nhóm đối tượng nam quan hệ tình dục đồng giới.

Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện có 4 cơ sở có chức năng khám chữa bệnh cho bệnh nhân HIV/AIDS gồm: Bệnh Viện Đa Khoa Đồng Nai; Phòng khám đa khoa (TTYT H.Long Thành); Phòng khám điều trị HIV/AIDS thuộc TTYT TP.Long Khánh; Phòng khám chuyên khoa HIV/AIDS thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai.

Về công tác điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng PrEP được triển khai từ năm 2019, hiện có 12 đơn vị tham gia điều trị. Việc thực hiện chỉ tiêu năm 2024, tính đến 30/6, toàn tỉnh có số khách hàng mới đăng ký là 1.316 người, đạt 65,8%.

Thùy Chi

}
Top