Đồng Nai tăng cường phòng, chống tội phạm mua bán người

23/01/2024 14:41

(Chinhphu.vn) - Thời gian gần đây, một bộ phận người lao động (hầu hết là thanh thiếu niên trẻ tuổi) có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, cộng thêm sự hiểu biết về pháp luật còn hạn chế đã khiến Đồng Nai trở thành một trong những địa bàn mà các đường dây tội phạm mua bán người hướng đến.

Đồng Nai tăng cường phòng, chống tội phạm mua bán người- Ảnh 1.

Nhóm bị cáo vừa bị TAND tỉnh Đồng Nai đưa ra xét xử phạt tù về tội tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép. Ảnh: Công an Đồng Nai

Theo Công an tỉnh Đồng Nai, các đối tượng làm quen dụ dỗ các nạn nhân là phụ nữ nhẹ dạ, cả tin đến làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện về ANTT (karaoke, massage, quán bar, cà phê chòi…), sau đó uy hiếp, cưỡng ép các nạn nhân phải bán dâm, kích dục cho khách. Nếu nạn nhân không đồng ý thì các đối tượng buộc nạn nhân phải trả các khoản phí môi giới việc làm, nếu không có tiền thì các đối tượng ép ký giấy vay nợ, buộc phải làm việc cho chúng để trả nợ không thì chuyển giao nạn nhân đến các cơ sở khác, mỗi lần chuyển giao các nạn nhân phải ghi giấy nợ cao hơn.

Mặt khác, các đối tượng mua bán người còn lợi dụng nhu cầu tìm kiếm việc làm của một số thanh thiếu niên và sử dụng mạng xã hội đăng thông tin tuyển dụng "việc nhẹ, lương cao, chỉ cần biết sử dụng máy vi tính, không cần bằng cấp, kinh nghiệm làm việc" sau đó đưa các nạn nhân sang Campuchia làm việc tại các cơ sở karaoke, massage, kinh doanh cờ bạc qua mạng với mức lương cao, khi nạn nhân đồng ý, chúng sử dụng xe ô tô đến đón nạn nhân tại nơi cư trú, sau đó đưa đến khu vực cửa khẩu biên giới giữa Việt Nam - Campuchia và đưa nạn nhân vượt biên trái phép sang Campuchia bằng đường "tiểu ngạch". Khi sang Campuchia, các nạn nhân bị ép buộc làm gái mại dâm tại các quán karaoke, massage; bị cưỡng bức lao động không lương… Nếu nạn nhân không đồng ý thì các đối tượng đe dọa đánh đập và yêu cầu phải trả một khoản tiền chuộc nhất định thì chúng mới đưa nạn nhân về Việt Nam, nếu người nhà nạn nhân không đồng ý chúng sẽ bán nạn nhân qua các cơ sở khác.

Nạn nhân thường là những phụ nữ, người đang trong độ tuổi kết hôn, người dưới tuổi vị thành niên sống tại các vùng nông thôn nghèo, không có việc làm ổn định, dân trí thấp, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Đặc biệt, hiện nay bọn tội phạm đang nhắm vào một số đối tượng là phụ nữ không có việc làm ổn định nhưng thích chơi bời, lêu lổng, sinh viên trong thời gian được nghỉ học cần có việc làm kiếm thêm thu nhập để dụ dỗ, lôi kéo; chủ yếu nạn nhân bị bắt làm mại dâm, nô lệ tình dục, lao động cưỡng bức, lấy nội tạng, bào thai, đẻ thuê… Nạn nhân không chỉ là phụ nữ và trẻ em như những năm trước đây mà đối tượng của loại tội phạm này hướng tới còn là cả những nam giới và trẻ sơ sinh.

Trước tình hình đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu các sở, ban, ngành, chính quyền các địa phương tăng cường công tác quản lý an ninh trật tự trên địa bàn để phòng, chống nạn mua bán người; quan tâm hơn nữa đến việc phòng, chống tội phạm mua bán người xảy ra ở trong nước, khu vực nội địa; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống mua bán người. Đặc biệt, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tiếp tục thực hiện hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia nhằm cải thiện thu nhập, nâng cao mức sống, trình độ văn hóa, nhận thức của đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; quan tâm, có biện pháp thu hút, tạo việc làm cho người dân địa phương nhằm giúp người dân cải thiện cuộc sống để phòng ngừa bị mua bán.

Theo báo cáo, từ năm 2021 đến năm 2023, các lực lượng chức năng đã phát hiện xử lý 3 vụ mua bán người, bắt 4 đối tượng, đã khởi tố, bắt tạm giam 7 đối tượng với hành vi "mua bán người và tổ chức đưa người khác xuất cảnh trái phép", giải cứu 7 nạn nhân bị mua bán. Trên địa bàn tỉnh có khoảng 200 công dân nghi ngờ bị lừa bán sang Campuchia, Công an tỉnh đã xác lập chuyên án để tổ chức giải cứu và xử lý đối với các đối tượng có liên quan. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan phối hợp chặt chẽ với lực lương Công an xác định các nạn nhân bị mua bán để thực hiện việc hỗ trợ theo quy định.

Đến nay, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội đã thành lập được 11 mô hình "Tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng" tại 11 huyện, thành phố, trong đó năm 2023, đã triển khai xây dựng 6 mô hình tại các huyện: Nhơn Trạch, Long Thành, Thống nhất, Trảng Bom; các thành phố: Long Khánh, Biên Hòa và tiếp tục duy trì 5 mô hình đã xây dựng tại các huyện: Định Quán, Tân Phú, Xuân Lộc, Vĩnh Cửu, Cẩm Mỹ. Các huyện, thành phố đã củng cố kiện toàn nhân sự mô hình, tổ công tác phối hợp hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về hòa nhập cộng đồng. Các thành viên gồm lãnh đạo, cán bộ phòng Lao động- Thương binh và Xã hội huyện, công an huyện, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện và công chức văn hóa- xã hội các xã, phường, thị trấn (địa bàn có nguy cơ cao) để tổ chức triển khai thực hiện duy trì và xây dựng mô hình.

Các thành viên của mô hình thí điểm đã chủ động tham mưu xây dựng Kế hoạch, quy chế hoạt động, tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch; thành lập Tổ công tác liên ngành để chỉ đạo và tổ chức thực hiện; tổ chức vận động, tuyên truyền, rà soát thống kê các đối tượng có nguy cơ cao để tập trung tuyên truyền từ đó góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người.

Kim Dung

}
Top