Đồng Nai: Xây dựng mô hình 'Câu lạc bộ người sau cai nghiện ma túy'
(Chinhphu.vn) - Việc triển khai xây dựng mô hình "Câu lạc bộ người sau cai cai nghiện ma túy" nhằm hỗ trợ giúp đỡ người sau cai nghiện hòa nhập cộng đồng bền vững, hạn chế tỉ lệ tái nghiện, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác cai nghiện ma túy.
Tỉnh Đồng Nai với đặc điểm là cửa ngõ giao thông của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tiếp giáp với TPHCM, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng, Bình Thuận; là địa bàn tập trung nhiều các dự án trọng điểm của đất nước như: Cảng hàng không Quốc tế Long Thành, Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, tập trung nhiều Khu công nghiệp với hàng nghìn dự án đầu tư nước ngoài thu hút hơn một triệu lao động cư trú tại địa phương.
Do vậy, bên cạnh những điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, Đồng Nai cũng phải đối mặt với tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy diễn biến phức tạp.
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 169/170 số xã, phường, thị trấn có tệ nạn ma túy. Tổng số người nghiện trên địa bàn tỉnh là 3.401 người; tổng số người sử dụng ma túy trái phép trên địa bàn là 677 người...
Tình hình trên đòi hỏi các cấp, các ngành chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp về công tác cai nghiện, quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy và quản lý sau cai, góp phần hạn chế nguồn cầu về ma túy.
Đồng thời tuyên truyền, giáo dục phòng ngừa ma túy; xây dựng các mô hình điểm, huy động các tổ chức chính trị - xã hội tham gia vào công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy. Từ đó tạo lập, duy trì sự ổn định về an ninh trật tự, góp phần nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội.
Tháng 2/2024, tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt Đề án xây dựng "Địa bàn sạch ma túy", với quan điểm lấy phòng ngừa là chính, làm chuyển biến từ nhận thức đến hành động của các cấp, các ngành, hệ thống chính trị và toàn dân trên địa bàn tinh; kết hợp triển khai quyết liệt việc "giảm cầu, chặn cung", tiến hành đồng bộ các biện pháp để ngăn chặn, đấu tranh hiệu quả đối với tội phạm và tệ nạn ma túy, quyết tâm không để Đồng Nai trở thành địa bàn trung chuyển và tiêu thụ ma túy.
Mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành kế hoạch xây dựng Mô hình "Câu lạc bộ người sau cai cai nghiện ma túy" trên địa bàn tỉnh Đồng Nai nhằm phát huy hiệu quả, vai trò của Điểm tư vấn hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng, Đội công tác xã hội tình nguyện trong công tác quản lý người sau cai nghiện ma túy, hạn chế tỉ lệ tái nghiện; đẩy mạnh hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm, thu nhập cho người sau cai nghiện ma túy ổn định cuộc sống, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời huy động các nguồn lực xã hội, khuyến khích các cá nhân, tổ chức kinh tế tham gia dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy tại cộng đồng. Lồng ghép công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng, quản lý người sau cai nghiện ma túy gắn với các chương trình giảm nghèo, an sinh xã hội tại địa phương.
Kế hoạch đặt ra chỉ tiêu cụ thể là mỗi xã, phường, thị trấn có người sau cai nghiện ma túy thành lập một mô hình "Câu lạc bộ người sau cai nghiện ma túy".
Trong đó, lộ trình thực hiện năm 2024 là xây dựng thí điểm 2 mô hình tại 2 xã có nhiều người sau cai nghiện ma túy; năm 2025: Mỗi huyện, thành phố thành lập 01 mô hình Câu lạc bộ người sau cai nghiện ma túy; từ năm 2026 trở đi, 100% mô hình Câu lạc bộ người sau cai nghiện ma túy đi vào hoạt động ổn định, hiệu quả.
Các Câu lạc bộ sẽ tổ chức sinh hoạt chuyên đề và tư vấn với các nội dung như: Hoạt động trị liệu; tư vấn cá nhân, tư vấn nhóm và tư vấn gia đình; tuyên truyền phổ biến pháp luật, giá trị văn hóa truyền thống, phong cách giao tiếp, ứng xử văn minh, thanh lịch.
Hoạt động hòa nhập cộng đồng và tạo thu nhập: Tham dự các sự kiện có tính chất cộng đồng; tuyên truyền phổ biến pháp luật; tuyên truyền, vận động cai nghiện tự nguyện; tuyên truyền, vận động người sau cai nghiện ma túy tham gia sinh hoạt Câu lạc bộ; tư vấn, định hướng về việc làm, tạo thu nhập.
Hoạt động hỗ trợ chăm sóc sức khỏe và chuyển gửi điều trị: Tuyên truyền các nội dung bảo vệ, chăm sóc sức khỏe; giới thiệu, chuyển gửi những người có nhu cầu đến các dịch vụ điều trị (điều trị thay thế bằng Methadone, điều trị HIV/AIDS bằng ARV...).
Hoàng Giang