Đồng nhiễm Lao/HIV: Hiểm họa kép có thể ngăn chặn

21/03/2018 08:16

Bệnh lao là bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn lao gây ra, đồng nhiễm lao/HIV (bệnh lao/HIV) là người vừa nhiễm HIV vừa mắc bệnh lao.

Tư vấn điều trị cho người nhiễm HIV. Ảnh: Thùy Chi

Nguy cơ mắc lao ở người nhiễm HIV cao hơn người bình thường

Lao là căn bệnh truyền nhiễm hàng đầu trên thế giới, mức độ nguy hiểm như HIV/AIDS. Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm Việt Nam có khoảng 17.000 người tử vong (gần 47 người tử vong mỗi ngày) vì bệnh lao.

PGS. TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, dù đã xuất hiện từ rất lâu nhưng mỗi năm lao vẫn gây tử vong cho gần 2 triệu người trên thế giới và nguyên nhân chính là do vi khuẩn lao.

Theo các chuyên gia y tế, bệnh lao là nguyên nhân gây tử vong thứ 2 trong các bệnh nhiễm trùng với khoảng 1,3 triệu người tử vong, trong đó có khoảng 510.000 phụ nữ. Con số tử vong này đã khiến lao trở thành một trong các bệnh gây tử vong hàng đầu ở nữ giới.

Gánh nặng bệnh lao ở Việt Nam đứng thứ 12 trong 20 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu, đồng thời đứng thứ 14 trong số 27 nước có gánh nặng bệnh lao đa kháng thuốc cao nhất thế giới.

Tình hình lao kháng thuốc đang có diễn biến phức tạp và đã xuất hiện ở hầu hết các quốc gia. Riêng năm 2013, ước tính tỷ lệ mắc lao kháng đa thuốc toàn cầu là 3,5% trong số bệnh nhân mới và 20,5% trong số bệnh nhân.

Báo cáo mới nhất của Bộ Y tế cho biết, trong số 130.000 người Việt Nam dương tính với bệnh lao mới mỗi năm thì có khoảng 7.000 người nhiễm lao đồng thời với HIV.

Nguy cơ mắc lao ở người nhiễm HIV cao hơn ở người bình thường 20-37 lần. Bệnh lao tiến triển nhanh ở người nhiễm HIV đồng thời HIV cũng tiến triển nhanh khi bệnh nhân mắc lao. Lao là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở người nhiễm HIV.

Việc khám sàng lọc lao ở người nhiễm HIV rất quan trọng, vì nếu mắc lao thì được điều trị kịp thời, nếu không mắc lao có thể được điều trị dự phòng lao.

Người nhiễm HIV nghi mắc lao khi có ít nhất một trong các dấu hiệu sau: Hiện tại có ho; sốt; sút cân; ra mồ hôi ban đêm.

Trẻ em nhiễm HIV nghi mắc lao khi có ít nhất một trong các dấu hiệu sau: Không tăng cân hoặc thiếu cân so với độ tuổi hoặc sút cân từ 5% trở lên so với lần kiểm tra gần nhất; sốt; hiện tại có ho; có tiếp xúc với người bệnh lao; ra mồ hôi ban đêm.

Điều trị lao cho người nhiễm HIV vẫn còn khó khăn

TS.BS Hoàng Thị Phượng, Nguyên Trưởng khoa Lao hô hấp, Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, trên thực tế điều trị bệnh lao cho người nhiễm HIV vẫn còn khó khăn, đặc biệt điều trị bệnh lao cho người nhiễm HIV.

Trước hết là khó khăn cho người bác sĩ. Những trường hợp bệnh nhân HIV mắc lao thường ở giai đoạn cuối, có thể gọi là giai đoạn AIDS. Khi điều trị phải dùng cả thuốc lao và HIV, hai nhóm thuốc này có thể xuất hiện những bất lợi không mong muốn là những biến cố bất lợi, ví dụ như dị ứng thuốc, suy gan, suy thận. Lúc đó, thể trạng của bệnh nhân rất kém, suy kiệt, gầy yếu. Việc dung nạp thuốc của nhóm bệnh nhân HIV điều trị lao sẽ xảy ra, việc điều trị hiệu quả cũng bị hạn chế nhiều.

Trong quá trình thực hành, bác sĩ phải theo dõi rất sát và xử lý những biến cố bất lợi của hai nhóm thuốc này xuất hiện ở trên cùng một bệnh nhân. Đó là một khó khăn khá lớn trong quá trình điều trị, kiểm soát bệnh lao cho nhóm bệnh nhân HIV.

Thực tế hiện nay, không ít người đồng mắc lao - HIV tự kỳ thị mình, họ cảm thấy tự ti. Xuất phát từ việc tự kỳ thị, tự ti như vậy mà tính hợp tác để điều trị bệnh của bệnh nhân rất kém. Bệnh nhân có thể không hợp tác điều trị hoặc bỏ điều trị, điều này dẫn dẫn nguy cơ kháng thuốc cao và bệnh không thuyên giảm.

Một trong những khó khăn lớn nhất trong quá trình điều trị bệnh lao cho người nhiễm HIV phải kể đến đó là sự kỳ thị của gia đình và cộng đồng đối với nhóm bệnh nhân này.

Trong thực tế, có trường hợp bệnh nhân HIV mắc lao mà gia đình không quan tâm. Các thầy thuốc phải kêu gọi đến sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm và hằng ngày chia sẻ, động viên, quan tâm bệnh nhân như nhắc người bệnh uống thuốc đều đặn.

Tuy nhiên, cũng có những gia đình hiểu và chia sẻ. Tôi đã gặp những trường hợp rất cảm động, có những người chị biết em mình bị HIV mắc lao nhưng họ đã kiên trì chăm sóc, sau đó tình hình của bệnh nhân tiến triển rất tốt.

Điều trị không được ngắt quãng dù chỉ một ngày

Mục tiêu của Chương trình chống lao Quốc gia đến năm 2020 Việt Nam cố gắng giảm tỷ lệ mắc lao trong cộng đồng xuống còn 131/100.000 người dân; giảm số người chết do lao xuống dưới 10/100.000 người dân; 100% bệnh nhân lao được điều trị với công thức điều trị chuẩn của Chương trình và được cung cấp các loại thuốc chống lao đầy đủ, bảo đảm chất lượng.

Theo PGS.TS Nhung, trước đây Việt Nam chưa có thuốc chữa và chưa có nhiều thông tin về căn bệnh này nhưng hiện nay người bệnh lao kháng thuốc, kể cả bệnh nhân siêu kháng thuốc cũng đã có phác đồ điều trị.

Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 130.000 bệnh nhân mắc lao mới, tuy nhiên mới chỉ phát hiện được khoảng 70%, còn 30% bệnh nhân lao trong cộng đồng chưa được phát hiện. Đây được xác định là nguồn lây lan bệnh lao lớn nhất.

Các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán bệnh lao, đoa là xét nghiệm đờm (đàm) là cách tốt nhất để xác định người nghi lao có mắc bệnh lao phổi hay không. Xét nghiệm sinh học phân tử đờm được thực hiện tại cơ sở chuyên khoa lao.

Nếu kết quả xét nghiệm đờm âm tính (AFB âm tính) mà người bệnh vẫn còn các dấu hiệu nghi ngờ mắc lao thì sẽ được hướng dẫn làm thêm một số xét nghiệm khác như: Chụp Xquang phổi, nuôi cấy đờm tìm vi khuẩn lao.

Người nhiễm HIV được ưu tiên làm xét nghiệm sinh học phân tử (GeneXpert) để phát hiện lao và lao đa kháng thuốc.

Trong điều trị lao có 4 nguyên tắc cần nhớ: Đủ thuốc, đủ liều, đủ thời gian và liên tục. Tuyệt đối không được ngắt quãng dù chỉ 1 ngày. Vì đó là khoảng thời gian mà vi khuẩn lao hồi phục và tấn công trở lại. Thường điều trị chia làm 2 đợt, đợt tấn công, thường gồm 4 thuốc và đợt duy trì, thường gồm 2 thuốc.

Người nhiễm HIV mắc lao cần được ưu tiên điều trị bằng thuốc ARV ngay sau khi bắt đầu điều trị lao. Đặc biệt, gia đình người nhiễm HIV cần hiểu, chia sẻ, động viên người nhiễm HIV mắc lao, để họ không cảm thấy bị phân biệt đối xử, kỳ thị, giúp người bệnh tự tin, không tự kỳ thị bản thân, yên tâm chưa bệnh để tái hòa nhập cộng đồng.

Top